Triều Tiên khởi phát vòng xoáy căng thẳng mới

GD&TĐ - Sáng sớm 29/7 người dân tại Tokyo choàng tỉnh vì tiếng còi báo động inh ỏi. Triều Tiên, trong một hành động hiếm thấy phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Hành động này khởi phát vòng xoáy căng thẳng mới, có thể sẽ khiến Triều Tiên chịu thêm những áp đặt trừng phạt quốc tế và nền kinh tế đối mặt thêm những khó khăn vô cùng lớn…  

Triều Tiên khởi phát vòng xoáy căng thẳng mới

Hành động hiếm hoi

Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương, thị trường chứng khoán tiền tệ quốc tế - hàn thử biểu nhạy cảm với những biến động chính trị quốc tế lớn – chấn động mạnh.

Thị trường chứng khoán tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sụt giảm mạnh trong khi giá trị đồng yen của Nhật Bản (so với USD) tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Thị trường chứng khoán sụt giảm do lo ngại của nhà đầu tư. Còn đồng yen có xu hướng tăng giá khi có những biến cố xấu về địa chính trị hoặc tài chính vì Nhật Bản là quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới và các nhà đầu tư Nhật Bản thường thu hồi vốn khi có dấu hiệu khủng hoảng.

Khác với các vụ thử tên lửa gần đây, vụ phóng tên lửa lần này là “mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có” – theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Triều Tiên rất hiếm khi phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thành công tên lửa qua Nhật Bản kể từ năm 1998, khi nước này phóng tên lửa mang vệ tinh bay qua Nhật Bản. Triều Tiên cũng đưa vệ tinh vào quỹ đạo năm 2012 và 2016. Theo các chuyên gia thì những vụ phóng vệ tinh này có thể dùng để thử nghiệm tương tự trong tên lửa đạn đạo.

Tạo lợi thế đàm phán?

Hành động phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản chắc chắn sẽ đưa quan hệ liên Triều vào một vòng xoáy căng thẳng mới. Liệu hành động này có phải là quân bài gây sức ép khi Triều Tiên nhắm tới kịch bản đàm phán quốc tế?

Theo một báo cáo mới được Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) công bố, Triều Tiên đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 2001 và gây thiếu hụt nghiêm trọng lương thực. Trước đó nền kinh tế nước này cũng rơi vào khó khăn khôn lường bởi thiên tai. Bão lũ trong suốt các năm 2010 đến 2016 quét sạch sự sống ở nhiều khu vực. Chẳng hạn cơn bão Lionrock quét qua tỉnh Bắc Hamgyong tháng 8/2016 cướp đi sinh mạng 133 người, phá huỷ 30.000 ngôi nhà và khiến 70.000 người mất nhà cửa.

Khó khăn kinh tế tạo áp lực lên các quyết định chính trị và điều này đã xảy ra trong quá khứ. Vào giai đoạn giữa đến cuối những năm 1990, hàng loạt đợt hạn hán và lũ lụt buộc chính quyền ông Kim Jong Il đưa ra quyết định hiếm có – kêu gọi trợ giúp quốc tế bởi nạn đói khiến hơn 1 triệu người chết.

Tình trạng lũ lụt tại Triều Tiên hiện còn trầm trọng hơn giai đoạn đó do việc phát quang rừng lấy đất trồng trọt. Trong những năm gần đây chính quyền Bình Nhưỡng đã tìm kiếm trợ giúp quốc tế trong vấn đề khôi phục rừng và điều này cho thấy quốc gia này thấu hiểu thiệt hại do thiên tai là to lớn dường nào.

Trong khi Triều Tiên đều đặn đạt tiến bộ kĩ thuật trong lĩnh vực hạt nhân thì việc dành nhiều nguồn lực cho hạt nhân làm giảm nguồn lực dành cho những vấn đề dân sinh. Theo báo cáo của LHQ hồi tháng 3, 41% người dân Triều Tiên thiếu dinh dưỡng và 1 trong 5 người không được tiếp cận nước sạch…

Hạn hán, lũ lụt, đói kém, trừng phạt quốc tế rất có thể sẽ là những yếu tố khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tính tới kịch bản đàm phán quốc tế đổi viện trợ lấy đóng băng phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề là tạo lợi thế trước ra sao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ