Nga thắt chặt quản lý sách giáo khoa

GD&TĐ - Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga kiểm tra và chấn chỉnh việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường. 

Nga thắt chặt quản lý sách giáo khoa

Theo Bộ trưởng Olga Vasilieva, số lượng sách trong danh sách liên bang của sách giáo khoa được đề nghị để sử dụng trong các trường học cần phải giảm xuống. Đây là những nỗ lực của các quan chức nước này trong việc quản lý sử dụng sách giáo khoa (SGK) ở các trường phổ thông.

Thực trạng sử dụng SGK trong các nhà trường

Việc sử dụng SGK trong các nhà trường đang là đề tài tranh cãi ở Nga hiện nay. Số là có một số trường học vẫn sử dụng sách giáo khoa đã lỗi thời.

Có một thực tế rằng cuốn sách trước đây nằm trong danh sách sách giáo khoa dành cho các trường học theo quy định của Bộ GD&KH Nga nhưng sau một thời gian lại biến mất khỏi danh sách này. Trong khi đó, một số nhà trường không biết về điều này, vẫn mua sách cũ.

Tại sao lại như vậy?

Việc sử dụng SGK trong các trường học ở Nga là do giáo viên quyết định. Trong khi đó, theo các thầy cô giáo, việc công bố sự kiện thu hồi sách giáo khoa từ danh sách cũng không được thực hiện đúng.

Việc thu hồi SGK được thông báo theo một sắc lệnh riêng. Sắc lệnh này thậm chí còn được đăng tải trên các cơ quan truyền thông. Nhưng... giáo viên là những người quá bận rộn.

Họ không chỉ dạy học, mà còn viết nhận xét, báo cáo tổng kết, giáo dục học sinh, chuẩn bị cho kỳ thi về năng lực chuyên môn của mình… Họ khó có thể liên tục theo dõi danh sách liên bang về SGK, mà theo định kỳ, một số cuốn biến mất, một số cuốn mới xuất hiện.

Đã thế, chẳng ai đứng ra xét xử của các cuộc tranh luận ngay sau khi loại bỏ một chục cuốn sách, chẳng ai giải thích cho giáo viên rằng tại sao một cuốn SGK lại bị gỡ bỏ khỏi danh sách liên bang?

Cuốn sách đơn giản là… tự nhiên biến mất.

Do vậy, giáo viên không nhìn thấy bức tranh tổng thể về dòng chảy của những cuốn SGK, không hiểu được ý nghĩa của tất cả các thao tác với những cuốn sách từ danh sách liên bang. Và như vậy, việc sử dụng những cuốn sách lỗi thời ở các trường phổ thông là chuyện hết sức bình thường.

Vào năm 2014, hầu hết SGK của các vùng, các khu vực trong toàn liên bang đều bị loại khỏi danh sách SGK được phép sử dụng của Bộ GD&KH Nga.

Vấn đề ở chỗ, có rất nhiều cuốn SGK kém chất lượng, trong khi không phải vùng nào trên toàn liên bang cũng kịp thời mang SGK của mình đến kiểm định ở Bộ GD&KH Nga.

Theo bà Daria Aksenova, vấn đề ở chỗ từ trước đến nay, việc kiểm định những cuốn SGK chưa được thực hiện nghiêm túc.

“Một cuốn SGK được lọt vào danh sách và nó cứ “sống mãi ở đó”. Không có yêu cầu sửa chữa, không có yêu cầu phải đổi mới. Làm như vậy có tốt không? Một mặt, chúng tôi hiểu rằng đa số SGK không bị lỗi thời.

Tuy nhiên không phải tất cả đều như vậy. Ví dụ, một câu chuyện tương tự xảy ra cách đây chưa lâu với cuốn SGK Địa lý. Lý do loại bỏ nó khỏi danh sách liên bang là từ những kiến nghị của cộng đồng chuyên môn.

Điều đó có nghĩa là việc kiểm tra xem SGK có lỗi thời hay không chỉ được tiến hành khi có tín hiệu từ dư luận xã hội” - Daria Aksenova nói.

Lập lại trật tự trong lĩnh vực SGK

Theo luật, cứ 3 năm, Bộ GD&KH Nga lại đưa ra một danh sách sách giáo khoa được phép sử dụng. Danh sách cuối cùng được thông qua vào tháng 1/2016 và nó đã có những thay đổi đáng kể về phương pháp và nội dung cơ bản.

Theo quy định, để lọt vào danh sách SGK được phép sử dụng của Bộ GD&KH Nga, SGK phải đạt được 3 tiêu chí: Khoa học, sư phạm và xã hội. Ngoài ra, SGK phải đạt yêu cầu về tính dân tộc, văn hóa và chuyên môn, do một tổ chức chuyên nghiệp như Học viện Giáo dục Nga hay Viện HLKH Nga thẩm định.

Theo những thay đổi mới nhất, hàng chục loại sách giáo khoa đã được gỡ bỏ khỏi chương trình giảng dạy của nhà trường. Nguyên nhân đơn giản rằng những cuốn SGK đó không được kiểm định chặt chẽ. Việc thu hồi những cuốn SGK này khiến các tác giả và các nhà xuất bản phẫn nộ.

Tuy nhiên, lập lại trật tự trong lĩnh vực SGK là việc làm cần thiết và cấp bách. Nên nhớ, theo quy định của Bộ GD&KH Nga, sau khi phê duyệt danh sách SGK, các trường phổ thông chỉ được phép mua SGK bằng đúng số tiền quy định và việc mua sắm SGK được tiến hành 5 năm/lần.

Những trường sử dụng SGK không có tên trong danh sách liên bang đang phải đối mặt với sự lựa chọn: Có nên tiếp tục sử dụng các loại SGK cũ hay không?

Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, nếu vẫn sử dụng các loại SGK không nằm trong danh sách hướng dẫn của Bộ GD&KH Nga, hoạt động của trường được cho là bất hợp pháp.

Nếu tiếp tục sử dụng SGK không nằm trong danh sách hướng dẫn của Bộ GD&KH Nga, các trường này sẽ bị Ủy ban Giám sát Liên bang về GD&KH xử phạt- Bà Daria Aksenova, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thuộc Viện Hàn lâm Giáo dục Nga cho biết.

Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội gần nhất, mỗi môn học trong các trường phổ thông nên chỉ có một cuốn SGK. Tuy nhiên, theo ông Victor Bolotov, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Nga thì “tất cả những điều nói về “một cuốn sách giáo khoa” - nói chung không nói về sách giáo khoa mà nói về một không gian giáo dục duy nhất mà bất kỳ nhà nước nào đều muốn có.

Và trường học là một trong những công cụ quan trọng được sử dụng trong việc tạo ra không gian này. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được điều đó.

Có hai cách: Thứ nhất là thống nhất. Hãy tưởng tượng rằng ngày mai cả nước từ Kaliningrad đến Kamchatka các em học sinh lớp sáu cùng mở một cuốn SGK vào buổi sáng và cùng học một chủ đề… Để làm được điều này chỉ có một quốc gia trên thế giới là Bắc Triều Tiên.

Chúng ta đã đi qua, đây không phải là con đường của chúng ta... Trả lời câu hỏi cần bao nhiêu cuốn SGK là hợp lý, tôi khẳng định: Bao nhiêu cũng có thể...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ