BỘ TRƯỜNG GIÁO DỤC NGA OLGA VASILYEVA: “Tôi bị trách là bảo thủ”

GD&TĐ - Tại sao nhà trường phổ thông Nga lại tốt nhất thế giới, kỳ thi tốt nghiệp sẽ thay đổi như thế nào và tại sao cần nâng cao uy tín của đội ngũ giáo viên – đó là những ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Nga Olga Vasilyeva phát biểu tại cuộc gặp với các doanh nhân Nga mới đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.  

BỘ TRƯỜNG GIÁO DỤC NGA OLGA VASILYEVA:  “Tôi bị trách là bảo thủ”

Về chất lượng giáo dục và tính bảo thủ

Chúng ta đang tiến tới nâng cao nền giáo dục lên một trình độ tương xứng mà nó luôn luôn đã, đang và sẽ có. Nền giáo dục Nga cả thời đế quốc lẫn Liên Xô luôn luôn nổi tiếng về chất lượng của mình. Không ai có thể thay đổi được quan điểm đó của tôi.

Những kẻ phản biện tuyên bố rằng hiện nay ở châu Âu, Phần Lan là nước có nền giáo dục tốt nhất. Nhưng ít ai biết được rằng năm 1809, khi tách khỏi Đế quốc Nga, người Phần Lan đã tiếp thu toàn bộ nội dung và phương pháp giáo dục của chúng ta. Sau năm 1917, họ vẫn giữ nguyên phương pháp, chỉ đổi mới nội dung.

Về giáo dục và về tấm gương cá nhân

Nếu nói về lịch sử khoa học sư phạm thì ngoài dạy học, trong các trường phổ thông, chức năng giáo dục bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Một đứa trẻ nhìn thấy người lớn sống như thế nào thì sau này nó cũng sẽ sống như vậy. Đây là một yếu tố quyết định.

Ở nước ta, từ nhỏ đã bắt đầu giáo dục chống tham nhũng. Không một người thầy nào ở vườn trẻ cũng như trường phổ thông nói với đứa trẻ: “Hãy lấy của người khác”. Các tác phẩm văn học mẫu mực của chúng ta cũng nói về giá trị đạo đức.

Nhưng điều quan trọng đối với một đứa trẻ là nếu chúng ta nói “đen” thì điều đó thực sự phải là đen. Còn nếu nó nhìn thấy thực tế không như vậy thì sẽ phản tác dụng. Cần phải thể hiện tấm gương. Nếu bạn nói “không được”, nghĩa là chính bạn cũng không được hành động như vậy.

Về uy tín của những người thầy

Nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta là trả lại chức năng xã hội cao quý nhất của người thầy, giá trị của nó. Nếu như chúng ta thay đổi nội dung giáo dục thì trước hết phải giúp người thầy giáo đào tạo lại chuyên môn, phải giải phóng anh ta thoát khỏi hàng đống giấy tờ không cần thiết.

Hiện nay không chỉ uy tín nghề nghiệp của người giáo viên phổ thông mà cả của giáo sư đại học cũng giảm sút. Bản thân tôi đã trải nghiệm vấn đề này tại một cuộc gặp gỡ với các giáo viên sử học trẻ. Một phó tiến sĩ khoa học hỏi:

“Thưa Olga Yuryevna, tại sao giáo sư, cho dù là nổi tiếng, lên lớp cho sinh viên mỗi tháng hai lần, cũng nhận được mức lương như cán bộ giảng dạy làm việc hàng ngày?” – “Nhưng đó là giáo sư nổi tiếng cả thế giới, - tôi trả lời. – Ông ấy đã phục vụ khoa học suốt đời”. Nhà khoa học trẻ nói tiếp: “Việc gì chúng ta phải phung phí tiền bạc? Lẽ ra có thể tiết kiệm. Tài liệu trong sách có, sinh viên có thể tìm trên Internet”.

Thời gian gần đây tôi thường được nghe những câu chuyện đại loại như thế này về các cán bộ giảng dạy cao tuổi: “Bài giảng của họ đã lỗi thời từ lâu. Tôi cũng có thể giảng như vậy”. Có thể, bạn cũng giảng được. Nhưng cái trường học của các thế hệ mà nhà khoa học này mang trong mình, những gì ông ấy thuyết giảng cùng với kinh nghiệm sống của mình không thể có ở đâu cả.

Lúc bấy giờ tôi trả lời người đồng nghiệp trẻ: “Điều đó sẽ không bao giờ có vì tất cả phụ thuộc vào nhân cách người thầy”.

Học cái gì

Khó khăn đầu tiên của các trường phổ thông là chuẩn giáo dục quốc gia của chúng ta. Hiện nay nó liên quan tới tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, tuy nhiên, nội dung của nó còn yếu kém. Nghĩa là chúng ta không hiểu rằng vào cuối mỗi lớp học đứa trẻ cần hiểu và biết gì về từng môn học. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên đặt ra hiện nay trước Bộ Giáo dục, và đang được thực hiện, là bổ sung chuẩn giáo dục quốc gia.

Khó khăn thứ hai là sách giáo khoa. Trong danh mục liên bang hiện có 1276 sách giáo khoa. Có thể chuyển từ trường này sang trường khác, ngồi vào bàn học sinh lớp 7 và không hiểu gì, vì chương trình phổ thông thường không giống nhau. Vì vậy, danh mục sách giáo khoa phải được xây dựng trên quan điểm môn học. Chúng phải được biên soạn cho tất các các môn học trước cuối năm 2017.

Về kỹ năng nói

Hiện nay đổi mới duy nhất mà chúng ta áp dụng trong kỳ thi môn tiếng Nga cho học sinh lớp 9 là phần nói. Tôi cho rằng những nỗi lo lắng về việc điều này dẫn tới quá tải đối với học sinh hay giáo viên là vô ích. Hiện nay chúng tôi nhận định: học sinh chúng ta nói rất ít.

Giờ học thường diễn ra dưới hình thức độc thoại của giáo viên. Học sinh chúng ta thật tuyệt vời, nhưng cần phát triển cho các em kỹ năng đọc hiểu. Các em đọc một đoạn văn, sau đó kể tóm tắt nội dung. Hiện nay các em không thể làm được điều đó vì lẽ ra kỹ năng này phải được rèn từ nhà trẻ

Hãy nhớ lại trước đây người ta phân tích tác phẩm văn học cho học sinh như thế nào: các em đọc tác phẩm, nghe và kể lại. Còn hiện nay cả ở trường phổ thông lẫn đại học, học sinh và sinh viên không nói gì.

Người ta biện minh rằng đối thoại và độc thoại đối với con người đương đại là không cấp thiết – hiện nay có Internet cơ mà. Nhưng thực ra không phải thế. Đọc sách giúp phát triển trí tuệ và hoạt động sau này. Nếu bạn không rèn luyện mình thì không thể làm được gì hết.

Về việc học thêm trong kỳ thi quốc gia thống nhất

Năm nay, chúng ta chỉ thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ. Trong số những đổi mới, thực chất đây là quay lại cái cũ, có các bài kiểm tra dành cho học sinh tốt nghiệp. Chúng sẽ diễn ra trong vòng một tuần đối với những môn không phải thi quốc gia thống nhất.

Với tôi điều quan trọng là trở về cái thời kỳ khi mỗi môn học ở trường phổ thông là một môn yêu thích, môn học nào cũng quan trọng. Việc học thêm tại kỳ thi quốc gia thống nhất cần loại bỏ.

Ba năm gần đây, chúng ta dành nhiều thời gian luyện thi cho học sinh tại kỳ thi quốc gia thống nhất, gây thiệt hại cho các môn còn lại, và kết quả thu được khá phiến diện.

Tổng thống Vladimir Putin đề ra nhiệm vụ: ở nước ta, mỗi đứa trẻ đều phải có kiến thức cơ bản về tất cả các môn học. Còn sau đó mới bổ sung các kiến thức trong các lĩnh vực nó giành được kết quả, bất luận các ngành kỹ thuật, nhân văn hay khoa học tự nhiên.

Về khả năng tiếp cận giáo dục đại học

Trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay có ba vấn đề chủ chốt: khả năng tiếp cận, tính thực tiễn và chất lượng. Về khả năng tiếp cận giáo dục đại học, năm nay số chỉ tiêu ngân sách sẽ tăng lên chưa từng có. Cứ 100 học sinh tốt nghiệp lớp 11 thì có 57 chỉ tiêu ngân sách. Trong đó có 45% chỉ tiêu dành cho các chuyên ngành kỹ thuật.

Chúng tôi đã tăng 9% chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường sư phạm và 8% - các trường y. Chúng ta cần bác sĩ cho các vùng nông thôn. Ở đây có một điểm quan trọng tôi mong được mọi người chia sẻ: sự tác động qua lại với các doanh nghiệp.

Từ năm nay, chúng tôi chủ trương tuyển sinh vào tất cả các trường đại học theo hợp đồng ba bên giữa sinh viên, trường đại học và xí nghiệp hay các cơ quan của thành phố. Cơ quan cử sinh viên đi học phải ủng hộ anh ta về mặt xã hội: trả học bổng nâng cao, giải quyết vấn đề chỗ ở.

Còn sau đấy học sinh phải làm việc tại xí nghiệp không dưới ba năm. Đây không phải là trực tiếp quay lại hình thức phân công bắt buộc, đây là sự lựa chọn mang tính mục tiêu có từ thời Xô viết. Có điều bây giờ chúng ta sử dụng nó tích cực hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ