Nga tăng tốc “đẩy” 5 trường vào tốp 100 trường ĐH hàng đầu thế giới

GD&TĐ - Chính phủ Nga đang tăng tốc cấp tài chính cho chương trình 5 - 100 nhằm sớm đưa 5 trường đại học vào tốp 100 trong các bảng xếp hạng quốc tế.  

Nga tăng tốc “đẩy” 5 trường vào tốp 100 trường ĐH hàng đầu thế giới

Tăng ngân sách khẩn cấp

Theo đó, ngân sách cho các trường đại học trọng điểm sẽ tăng từ 599 triệu USD lên 749 triệu USD trong giai đoạn 2018 - 2020, theo dự thảo mới được Bộ Giáo dục soạn thảo.

Hiện tại chương trình 5 - 100 có 21 trường đại học tham gia. Mục tiêu chính của chương trình là “đẩy” 5 trường đại học quốc gia vào tốp 100 trường đại học hàng đầu thế giới trong các bảng xếp hạng uy tín gồm QS, Times Higher Education và ARWU (Academic Ranking of World Universities).

Cho đến nay, chỉ có Trường ĐH Quốc gia Moscow lọt vào xếp hạng QS và ARWU, nhưng điều trớ trêu là trường này không nằm trong chương trình 5 - 100.

Chính phủ Nga không hài lòng với tiến độ thực hiện chương trình 5 - 100 và thừa nhận rằng thiếu ngân sách gây ra chậm trễ.

Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Olga Vasilieva cho biết: “Dự án 5 - 100 thiếu ngân sách nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do khủng hoảng kinh tế Nga, ngân sách cho dự án giảm 6% trong năm ngoái. Tuy nhiên chính phủ sẽ làm mọi việc có thể để tăng ngân sách”.

Theo Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, việc tăng ngân sách là tối cần thiết nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học và giữ chân “các nhà khoa học hàng đầu thế giới” trước những mời chào từ các trường đại học danh tiếng nước ngoài.

Ngân sách cấp cho 21 trường trọng điểm không được phân chia theo tỉ lệ cố định mà phục thuộc vào “chất lượng lộ trình” mà trường đại học đó soạn thảo và được chính phủ phê duyệt. Mỗi năm, nhà trường phải báo cáo tiến độ thực hiện lộ trình như là điều kiện để nhận tiếp ngân sách.

Phục hồi thương hiệu đào tạo đại học

Chiến lược đẩy 5 đại diện vào tốp 100 trường ĐH hàng đầu thế giới có ý nghĩa phục hồi thương hiệu đào tạo đại học nổi tiếng của Nga trước đây – và qua đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu giáo dục.

Khoảng 283.000 sinh viên quốc tế học tại các trường ĐH của Nga trong năm ngoái, đưa Nga trở thành thị trường lớn thứ 6 về số lượng du học sinh, chỉ xếp sau Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Pháp và Australia – theo số liệu mới công bố của Viện Giáo dục Quốc tế.

Con số trên tăng gấp 4 lần so với thời điểm 2001 - 2002, khi chỉ có khoảng 72.000 sinh viên quốc tế du học tại Nga. Riêng trong khoảng thời gian từ 2014 - 2015 đến 2015 - 2016, mức tăng đạt 13% - đây là mức tăng nhanh nhất so với bất cứ thị trường du học nào.

Cho dù nguồn thu học phí còn khiêm tốn - lĩnh vực xuất khẩu giáo dục Nga vẫn thu hút tổng cộng khoảng 6 triệu sinh viên – các trường đại học Nga vẫn miệt mài thu hút sinh viên quốc tế bởi điều đó giúp cải thiện các chỉ số quốc tế hoá được sử dụng trong xếp hạng các trường ĐH toàn cầu – với trường có thứ hạng cao sẽ nhận được ngân sách quốc gia nhiều hơn.

Mặc dù là một chương trình nhiều tham vọng, một số ý kiến chỉ trích chương trình 5 - 100 đã làm rộng thêm hố chênh lệch ngân sách giữa các trường đại học Nga. Trong số các trường được đầu tư trọng điểm thuộc chương trình 5 - 100 thiếu các trường y và nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngân sách cấp cho chương trình cũng được cho là “quá ít để các trường đại học Nga có thể cạnh tranh với các trường hàng đầu thế giới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.