Nga sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt cho EU

GD&TĐ - Đường ống chuyển khí đốt tự nhiên Nord Stream của Nga tới Đức sẽ ngừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì định kỳ – công ty phụ trách dự án cho biết.

Đường ống dẫn khí đốt của Nga.
Đường ống dẫn khí đốt của Nga.

Cả 2 chuỗi của đường ống sẽ tạm dừng hoạt động để sửa chữa từ ngày 11/ 7 đến 21/7. Nhà điều hành cho biết việc ngừng hoạt động đã được thống nhất với các đối tác trước đó.

Theo tuyên bố của nhà điều hành, Nord Stream AG sẽ tạm thời ngừng hoạt động cả 2 tuyến của hệ thống đường ống dẫn khí đốt của mình để thực hiện các công việc bảo trì định kỳ, bao gồm kiểm tra các yếu tố cơ học và hệ thống tự động hóa nhằm đảm bảo đường ống hoạt động đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả.

Tuần trước, tờ Financial Times cho biết Đức lo ngại về quá trình này vì có thể dòng chảy khí đốt sẽ không được kích hoạt trở lại.

Theo bờ báo trên, việc Tập đoàn khí đốt Nga cắt giảm 60% lưu lượng khí đốt do vấn đề kỹ thuật đã tăng thêm lo ngại rằng nguồn cung này có thể bị đóng hoàn toàn. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Tây Âu đang cố gắng tăng lượng khí đốt dự trữ trước khi mùa đông tới.

Trong những năm gần đây, sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến bảo trì qua Nord Stream đã được bù đắp bằng việc gia tăng dòng chảy qua Ukraine hoặc Ba Lan. Tuy nhiên, nhiều quan chức và đại diện ngành nói rằng họ lo ngại Nga có thể không làm điều này, khiến cho châu Âu thiếu khí đốt.

Để đối phó, chính phủ Đức đã phát động giai đoạn “báo động” thứ 2 của kế hoạch khẩn cấp 3 cấp độ về khí đốt của mình. Berlin cảnh báo rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trong bối cảnh nguồn cung từ Nga đang giảm dần.

Chính phủ Đức trước đó thông báo nước này đã đưa ra một quyết định “cay đắng” là khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng trong mùa đông sắp tới.

Nord Stream AG khẳng định thông tin bảo trì đã được công bố một cách thích hợp, tuân thủ quy định của EU về tính minh bạch và toàn vẹn của thị trường năng lượng bán buôn.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ