Theo thông báo, Moskva đề nghị cung cấp miễn phí cho Sudan hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại để bảo vệ không phận nước này, nhưng chính phủ Sudan đã từ chối thỏa thuận nói trên với lý do có thể phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Biển Đỏ vẫn là khu vực chiến lược quan trọng đối với các cường quốc thế giới. Việc thành lập một căn cứ hải quân sẽ giúp Nga tiếp cận các tuyến đường biển quan trọng nối châu Âu, châu Á và châu Phi.
Được biết đề xuất viện trợ S-400 là một nỗ lực nhằm củng cố vị thế của Nga trong cuộc đàm phán, tuy vậy những lo ngại của Khartoum về các biện pháp trừng phạt đã khiến thỏa thuận bị đóng băng.
Trong bối cảnh của những sự kiện như vậy, Iran đã nhanh chân tiến hành một vài cuộc đàm phán tương tự về việc xây dựng cơ sở hạ tầng hải quân ở Sudan.
Tehran quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện trong khu vực và mở rộng khả năng kiểm soát những tuyến đường biển quan trọng. Chính phủ Tehran cũng đang xem xét cung cấp hỗ trợ quân sự cho Sudan để đổi lấy quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng cảng biển.
Trước đó, Sudan đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Nga trong lĩnh vực an ninh, cơ sở hạ tầng quân sự. Vào năm 2020, một số cuộc đàm phán đã được tiến hành để hướng tới thành lập một căn cứ hải quân của Nga, nhưng quá trình này vấp phải những trở ngại chính trị.
Sau sự thay đổi quyền lực ở Sudan vào năm 2021, tình hình càng trở nên phức tạp hơn do áp lực gia tăng từ các nước phương Tây, khi họ tìm cách ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Nga và Iran trong khu vực.
Giới phân tích lưu ý rằng sự hiện diện của bất kỳ cường quốc ở Cảng Sudan sẽ thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Biển Đỏ.
Đối với Nga, đây sẽ là một bước đi quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hải quân toàn cầu, cho phép Moskva củng cố vị thế của mình ở Trung Đông và Châu Phi. Đổi lại, Iran cũng sẽ tăng cường được ảnh hưởng của mình và tạo thêm điều kiện để chống lại áp lực từ Hoa Kỳ và đồng minh của Washington
Trong khi đó, Sudan đang đứng trước những lựa chọn khó khăn. Một mặt, hợp tác với Moskva hay Tehran sẽ mang lại hỗ trợ quân sự và kinh tế cần thiết, nhưng mặt khác lại tiềm ẩn nguy cơ hứng chịu thêm nhiều biện pháp trừng phạt và làm xấu đi mối quan hệ với phương Tây.
Nga và Sudan trước đó đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một trung tâm hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Nga tại Cảng Sudan trên bờ Biển Đỏ.
Theo thỏa thuận, căn cứ này sẽ có thể chứa tối đa 4 tàu chiến của Nga cùng lúc, bao gồm cả những chiến hạm có trang bị lò phản ứng hạt nhân, đồng thời đây là nơi đồn trú của 300 quân nhân.
Được biết thỏa thuận trên nếu được ký kết sẽ kéo dài 25 năm đi kèm khả năng gia hạn. Chính quyền Sudan đã hoàn tất việc xem xét văn bản vào tháng 2 năm 2023 và dự thảo đang chờ lãnh đạo quân sự cũng như các nhóm dân sự của nước này phê chuẩn.