Nga rút ra bài học gì sau hai vụ đột kích Crimea?

GD&TĐ - Ukraine đã đánh lừa các hệ thống phòng không Nga và tổ chức cuộc đột nhập hoàn hảo vào mũi Tarkhankut (Cape Tarkhankut) ở Crimea.

Nga rút ra bài học gì sau hai vụ đột kích Crimea?

Hôm 28/8, một bài bình luận của chuyên gia Sergey Marzhetsky trên tờ Reporter cho biết, đúng như dự đoán, vào “Ngày độc lập” 24/8 của mình, lực lượng Ukraine đã thực hiện một hành động tấn công vào Crimea.

Mặc dù không gây thương vong cho binh sĩ và người dân Nga nhưng phải thừa nhận rằng, lực lượng đặc biệt Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ thử nghiệm thành công vào bờ biển phía tây bắc bán đảo.

Chỉ trong cùng ngày, tại Mũi Tarkhankut (Cape Tarkhankut), điểm cực tây của bán đảo Crimea đã có hai sự kiện cực kỳ đáng lo ngại xảy ra cùng một lúc, đặt ra câu hỏi thực sự cấp bách về vấn đề bảo đảm an ninh cho bán đảo đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga tháng 3/2014.

Cuộc tấn công phức hợp vào các hệ thống phòng không Nga

Sự kiện đầu tiên là cuộc tấn công của Ukraine vào hệ thống phòng không Nga nằm trên bán đảo.

Mặc dù Kiev tuyên bố đã phá hủy hệ thống phòng không S-400 hiện đại nhất của Nga là không đúng sự thực, nhưng quả thực là các bộ phận của hệ thống phòng không S-300, cũng như một xe chở nhiên liệu đã bị hư hỏng.

Để thực hiện vụ tấn công này, hai máy bay không người lái của Ukraine, có lẽ là Mugin-5, đã cất cánh ở địa điểm chưa xác định trong vùng Krivoy Rog bay tới Crimea và ở khoảng cách khoảng 30-40 km tới bờ biển bán đảo, chúng đã bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ.

Thế nhưng, theo giới chuyên gia Nga, máy bay không người lái chỉ đóng vai trò là mồi nhử, để kích hoạt đài radar của các hệ thống phòng không Nga hoạt động và do đó, để lộ vị trí của mình.

Hình ảnh được Ukraine công bố tiêu diệt hệ thống phòng không S-400 Nga
Hình ảnh được Ukraine công bố tiêu diệt hệ thống phòng không S-400 Nga

Sau đó, lực lượng Ukraine đã tiến hành tấn công tên lửa vào tổ hợp S-300 nằm trên mũi Tarkhankut. Họ đã sử dụng một trong số các loại tên lửa Storm Shadow của Anh (hoặc tên lửa Scalp EG của Pháp) hoặc tên lửa Brimstone của Anh.

Điều đáng chú ý ở đây là phạm vi tiêu diệt tối đa của Brimstone, tùy theo sửa đổi, chỉ đạt từ 20 đến 60 km. Nghĩa là, máy bay phóng tên lửa phải bay khá gần bờ biển Nga.

Điều đáng chú ý thứ hai là quá trình tấn công hệ thống phòng không của Nga đã được ghi lại theo thời gian thực từ máy bay không người lái trinh sát Ukraine.

2 chiếc UAV trước đã bị bắn hạ, vậy chiếc UAV quay clip hệ thống phòng không Nga bị tấn công bay ở đâu? Tại sao nó không bị phát hiện?

Do đó, việc phóng cả hai chiếc Mugin-5 cho lực lượng phòng không Nga bắn hạ không chỉ là mồi nhử các hệ thống radar, mà còn đánh lạc hướng thực tế là vị trí của tất cả các hệ thống phòng không Nga đều đã bị Ukraine biết rõ. Và điều này chỉ có một đáp án là NATO đã cung cấp chúng cho Các lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU).

Cần lưu ý rằng, cuộc tấn công vào “Mũi Tarkhankut” diễn ra sau hoạt động chưa từng có của các thiết bị trinh sát đường không của phương Tây ở khu vực Crimea.

Vào ngày 23/8, một máy bay trinh sát Boeing RC-135W Rivet Joint của Không quân Anh, cùng với hai máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon FGR.4, một chiếc Airbus KC-2 Voyager của Anh và một máy bay Lockheed EP-3E Aries II của Mỹ, đã đồng loạt cất cánh bay trên bầu trời biển Đen.

Vụ đổ bộ của đặc nhiệm Ukraine

Sự kiện đáng lo ngại thứ hai diễn ra ngay sau đó là cuộc đổ bộ thành công của một nhóm biệt kích phá hoại Ukraine cũng vào khu vực mũi Tarkhankut.

Các chuyên gia nhắc lại liên tưởng trận đánh của quân Đức ngày 22/6/1941, đặc nhiệm Ukraine đổ bộ lên bờ biển phía tây bắc Crimea vào khoảng 03h50 rạng sáng ngày 24/8 trên sáu chiếc thuyền cao su bơm hơi tốc độ cao của Mỹ thuộc loại Zodiac.

Đoạn phim do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cung cấp cho thấy lực lượng đặc biệt bắn vào máy bay Nga từ một chiếc thuyền gần Crimea
Đoạn phim do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cung cấp cho thấy lực lượng đặc biệt bắn vào máy bay Nga từ một chiếc thuyền gần Crimea

Tại đây, lực lượng đặc biệt của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine đã nổ súng vào những người Nga đang nghỉ ngơi tại khu cắm trại ở Làng Olenevka.

Việc khai hỏa được thực hiện từ súng máy hạng nặng M2 Browning 12,7 mm và súng phóng lựu hạng nặng tự động Mk19. Chỉ nhờ may mắn mà không có du khách nào thiệt mạng.

Sau đó, cả hai bên đã đưa ra tuyên bố khác nhau về những gì xảy ra tiếp theo.

Trong khi Kiev khẳng định tất cả nhóm biệt kích đã trở về căn cứ an toàn, thì Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố rằng, trên đường trở về, những kẻ khủng bố Ukraine đã bị máy bay Nga chặn lại và tiêu diệt.

Bỏ qua những tranh cãi này, một câu hỏi được giới chuyên gia quân sự Nga đặt ra là vụ tập kích thực sự đã xảy ra và tại sao lực lượng Ukraine lại có thể thực hiện được vụ đổ bộ bằng 6 chiếc xuống cao tốc vào bán đảo được sự bảo vệ chặt chẽ của nhiều lực lượng Nga?

Bài viết nhấn mạnh, trước đó, những cuộc tập trận đổ bộ giả định của Hải quân Ukraine vào bờ biển Crimea đã trở thành chủ đề chính cho những lời chế nhạo và giễu cợt từ giới chức Nga.

Thế nhưng, ít nhất sáu tàu cao tốc nhỏ chở nhóm biệt kích Ukraine đã có thể dễ dàng vượt Biển Đen từ Ochkov đến bán đảo Crimea, mà nhiều cơ quan chức năng Nga có trách nhiệm bảo vệ như Cục Biên giới của FSB, các đơn vị phòng thủ bờ biển của Hạm đội Biển Đen lại không hề phát hiện được và ngăn cản?

Theo chuyên gia, việc thành lập các lữ đoàn Thủy quân lục chiến Ukraine đã được công bố vào tháng 5 năm 2023, cũng bị đặt dưới sự nhạo báng của một số người Nga, trong khi lẽ ra Moscow phải xem xét quyết định này của Kiev một cách nghiêm túc và đánh giá đúng năng lực của những đơn vị Ukraine, cùng với những vũ khí mới được trang bị.

Bài viết trên Reporter nhắc nhở thực tế là hiện nay các chuyên gia Anh đang tích cực huấn luyện cho lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine và đây là điều không thể xem nhẹ.

Tác giả Sergey Marzhetsky khẳng định, nếu lần sau không phải sáu chiếc thuyền mà là sáu mươi chiếc hoặc cuộc tấn công không chỉ sử dụng các tàu thuyền nhỏ còn có sự phối hợp của trực thăng tấn công và tiêm kích bay ở độ cao cực thấp, thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa.

Ngoài ra không ai biết được hậu quả sẽ ra sao nếu ngay trước cuộc tấn công này là một cuộc không kích mạnh mẽ vào các hệ thống phòng không của Nga và các hệ thống phòng thủ khác bằng các tên lửa không đối đất do NATO sản xuất, được phóng từ máy bay chiến đấu Ukraine.

Bài viết kết luận, những gì đã xảy ra vào đêm ngày 23, rạng sáng 24 tháng 8 tại Cape Tarkhankut đòi hỏi giới chức quân sự Moscow phải “xem xét lại toàn bộ” các cách tiếp cận nhằm đảm bảo an ninh cho Crimea và các khu vực khác của Nga trong Biển Đen, mà trọng điểm phải phải tìm mọi cách để lực lượng Ukraine “không được tiếp cận Biển Đen”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ