Trong bài viết trước với tiêu đề: “Hàng trăm xe tăng phương Tây giúp Ukraine giành lợi thế trước Nga?”, chúng ta đã biết rằng, số lượng hàng trăm xe tăng tương đối hiện đại mà các nước phương Tây cam kết ủng hộ sẽ giúp lực lượng mặt đất Ukraine gia tăng thêm khá nhiều sức mạnh trong việc chống lại lực lượng tăng-thiết giáp hùng hậu của Nga, với nòng cốt là MBT T-72B3, T-90MS.
Sẽ có ít nhất 3 loại xe tăng phương Tây có thể phục vụ trong Quân đội Ukraine là Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh. Có lẽ trong thời gian tới AMX-56 Leclerc của Pháp sẽ được bổ sung. Như vậy, lực lượng xe tăng của Ukraine sẽ gồm có ít nhất 4 loại xe tăng phương Tây và 2 loại xe tăng chủ lực của Ukraine là T-64 và T-80.
Nhận định về việc phương Tây sẽ cung cấp hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cho Ukraine sẽ gây ra những ảnh hưởng thế nào đến sức tấn công của quân Nga và cục diện chiến trường Donbass, giới quân sự Nga cho rằng, cần có những đánh giá thực sự nghiêm túc.
Khó khăn của Ukraine khi nhận xe tăng phương Tây
Ngay trong cộng đồng chuyên gia quân sự phương Tây, không phải ai cũng tán thành ý tưởng cung cấp xe tăng cho Ukraine. Bởi không quốc gia NATO nào có thể cung cấp một số lượng lớn đủ dùng cho Ukraine, còn cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau sẽ khiến nước này gặp khó khăn.
Vấn đề đầu tiên là trọng lượng quá nặng khiến xe tăng phương Tây khó tác chiến trên nền đất yếu của Ukraine. Ví dụ như M1 Abrams là một cỗ xe tăng hạng nặng với trọng lượng chiến đấu hơn 60 tấn và liệu sẽ hoạt động như thế nào với "khả năng chịu lực thấp" của đất đen Ukraine?
Đã có thông tin trong các cuộc diễn tập gần đây của NATO ở các nước vùng Baltic, xe tăng Mỹ bị mắc kẹt chặt trong các vùng đầm lầy.
Vấn đề thứ hai là xe tăng phương Tây rất phức tạp về mặt kỹ thuật, đòi hỏi kíp xe lành nghề và dịch vụ bảo trì có trình độ.
Cựu cố vấn của người đứng đầu Lầu Năm Góc, Đại tá Quân đội Hoa Kỳ nghỉ hưu Douglas McGregor lưu ý một trong những vấn đề khiến Quân đội Ukraine gặp khó khăn với Abrams là động cơ tua-bin khí của nó có mức tiêu thụ nhiên liệu rất cao và dễ lọt bùn, cát và những thứ khác...
Xe tăng phương Tây có trọng lượng rất nặng và yêu cầu kỹ thuật rất cao |
Ngay cả thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Colin Kahl cũng thừa nhận M1 Abrams là một cỗ máy “rất không kinh tế, có yêu cầu bảo dưỡng cao, quá phức tạp đối với Ukraine và không giúp được gì cho họ”.
Sửa chữa hỏng hóc xe tăng ngay trên chiến trường là điều khó khả thi, việc vận chuyển những chiếc xe bị hỏng ở hậu phương Ukraine qua biên giới, đến các căn cứ quân sự ở Ba Lan hoặc Đức là rất tốn kém và mất thời gian, còn các xe bị hỏng trên chiến trường thì hầu như là không thể.
Vấn đề thứ ba là việc có quá nhiều loại trang bị khác nhau sẽ gây khó khăn cho công tác chi viện hậu cần, ví dụ như đạn pháo xe tăng Challenger 2 không phù hợp với các xe tăng NATO khác, mặc dù cùng cỡ nòng. Do đó, việc cung cấp đạn cho nhiều loại xe tăng là điều rất khó khăn.
Thêm nữa, việc có quá nhiều loại trang bị khác nhau cũng làm khó cho công tác bảo đảm kỹ thuật. Các trang, thiết bị phương Tây, mặc dù phần lớn thống nhất, nhưng vẫn cần quy trình bảo trì định kỳ và sửa chữa khác nhau.
Vấn đề thứ tư là khả năng chỉ huy và phối hợp hiệp đồng trên chiến trường. Các hệ thống thông tin chỉ huy xe tăng phương Tây và thông tin liên lạc giữa xe tăng với các lực lượng khác trên chiến trường cũng có tính tương thích rất cao, sẽ là vấn đề lớn đối với lục quân Ukraine.
Hiệu ứng lớn từ xe tăng phương Tây đối với Ukraine
Giới quân sự Nga cho rằng, mặc dù hiện đại nhưng xe tăng phương Tây cũng không phải là thần thánh trên chiến trường, chúng có thể dễ dàng bị những lực lượng quân sự bán chuyên nghiệp bắn cháy bằng những vũ khí chống tăng có từ thời chiến tranh lạnh.
Ví dụ như hàng chục xe tăng M1 Abrams và Leopard đã bị bắn cháy ở Yemen hay Syria, những nơi mà lực lượng phiến quân Houthi và các nhóm khủng bố, đối lập vũ trang Syria sử dụng những vũ khí chống tăng từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, con số hơn 100 xe tăng hiện đại được cung cấp là một sự trợ giúp nghiêm túc và rất đáng chú ý, nếu xét đến việc bên cạnh đó, Lực lượng Vũ trang Ukraine còn được viện trợ thêm các xe bọc thép chở quân hiện đại như M2 Bradley, Stryker…
Nga lo ngại Ukraine tổ chức các lữ bộ binh cơ giới theo kiểu Mỹ |
Theo ông Andrei Kartopolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết, mối nguy hiểm đối với Nga không phải là tính năng của các xe tăng phương Tây, mà xuất phát từ khả năng hình thành các mũi nhọn xung kích từ số tăng-thiết giáp này.
Kiev đang có những kế hoạch thành lập các lữ đoàn đột kích mới trang bị các phương tiện bọc thép phương Tây. Lữ đoàn sẽ bao gồm các tiểu đoàn cơ giới trang bị xe bọc thép M2 Bradley của Mỹ, xe bọc thép chở quân Stryker; tiểu đoàn xe tăng và tiểu đoàn pháo 155 mm.
Việc tái cơ cấu lực lượng và phương tiện theo hướng cơ động nhanh, hỏa lực mạnh theo kiểu phương Tây sẽ khiến Quân đội Nga phải đối đầu với “đội quân NATO” thực sự.
Theo các nhà phân tích, Lực lượng vũ trang Ukraine có kế hoạch thành lập 2 hoặc quả đấm xung kích và mở các đợt phản công bất ngờ vào đầu mùa hè. Sự xuất hiện của các lữ bộ binh cơ giới mới ở tiền tuyến Donbass thực sự là điều không thể xem nhẹ.
Số lượng này có thể không giúp Ukraine nhanh chóng lấy lại các vùng đất đã mất nhưng có thể giúp quân đội nước này bất ngờ đột phá đánh chiếm lại một vài cứ điểm quan trọng ở các vùng Nga đang kiểm soát ở phía nam, ví dụ như Kherson, Zaporizhzhia (Zaporozhye)… hoặc đột kích phá vỡ vòng vây của quân Nga tại một số thị trấn then chốt ở Donetsk hay tái chiếm lại một vài thành phố ở Lugansk.
Điều này sẽ khiến cục diện chiến sự ở Donbass lâm vào tình thế giằng co không có lợi cho Nga, Moscow không thể nhanh chóng hoàn thành mục tiêu giữ vững các vùng đang kiểm soát và đánh chiếm hoàn toàn Donetsk, giải phóng toàn bộ vùng Donbass.
Khả năng xuất hiện các lữ bộ binh cơ giới mới của Quân đội Ukraine đã khiến Nga bắt đầu có dấu hiệu thay đổi phương châm tấn công và phương án tác chiến ở mặt trận Donetsk.
Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.