Những tranh cãi ở phương Tây về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) cho Ukraine đã kết thúc. Theo đó, Anh sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng hiện đại nhất Challenger-2, Mỹ sẽ chuyển giao xe tăng M1 Abrams, nhiều nước châu Âu hứa trao Leopard 2, còn Pháp đang cân nhắc giúp Kiev xe tăng Leclerc.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cuối cùng cũng đã chính thức thông báo về việc chuyển 31 xe tăng Abrams tới Kiev nhưng không nói rõ đó là phiên bản nào. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc còn lưu trữ ít nhất 3.700 chiếc Abrams M1A1 và M1A2 biến thể đời đầu trong các căn cứ lục quân.
Việc sản xuất hàng loạt Abrams M1 bắt đầu vào năm 1980. Sau đó, xe tăng được nâng cấp nhiều lần, trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tiên tiến, pháo hiện đại hóa, vỏ giáp gia cố bằng uranium nghèo, tổ hợp bảo vệ chủ động hoặc thiết bị để tăng khả năng sống sót trong điều kiện đô thị.
Phiên bản sửa đổi xuất khẩu M1A2 thay vì động cơ tua-bin khí có động cơ diesel và hộp số tương tự như xe tăng Leopard 2 của Đức.
Phiên bản mới nhất trong dòng xe tăng Abrams là loại M1A2 SEP V3, được biên chế cho Lục quân Hoa Kỳ vào năm 2020. Nhưng có lẽ Washington sẽ không cung cấp cho Kiev phiên bản tiên tiến nhất này.
Washington cũng nhấn mạnh, các thiết bị cho Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ không sớm xuất hiện, vì chỉ riêng việc vận chuyển đã mất vài tháng và cần thời gian để huấn luyện các đội xe. Trước đây, Lầu Năm Góc từ chối cung cấp xe tăng của mình, một phần cũng là do sự phức tạp của việc bảo trì và vận chuyển.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây cũng đã phê chuẩn việc chuyển giao 1 đại đội (14 xe tăng) Leopard 2A6. Trước đó, công ty quốc phòng Rheinmetall tuyên bố sẵn sàng gửi Leopard 2 tới Ukraine với các biến thể 2A4, 2A5 và 2A6, nhưng nhiều phương tiện cần phải sửa chữa.
Một trong những nhà khai thác chính loại xe này là Ba Lan. Quân đội của họ có 250 chiếc Leopards và Warsaw sẵn sàng cung cấp khoảng một chục chiếc cho Kiev. Nhưng đồng thời, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cũng không quên yêu cầu các đối tác EU... bù lỗ bằng tiền.
Tây Ban Nha cũng sẵn sàng chia sẻ xe tăng của mình. Mặc dù vài tháng trước, Madrid từ chối, giải thích điều này là do tình trạng kỹ thuật kém của đội xe. Hiện quân đội Tây Ban Nha có 327 xe tăng Leopard 2 phiên bản A4 và A6. Số lượng xe được chuyển vẫn chưa được biết đến.
Ngay cả Bồ Đào Nha có số lượng xe tăng ít ỏi cũng cũng cam kết đóng góp tới 4 chiếc cho Ukraine. Ngay cả các nước Scandinavi cũng không cam chịu tụt lại phía sau cả các “ứng cử viên NATO”.
Phần Lan, quốc gia có khoảng 200 chiếc Leopard 2 thuộc các phiên bản 2A4 và 2A6, có thể chuyển tới 30 chiếc cho Ukraine. Thụy Điển có kế hoạch tương tự, chuyển giao một phần trong tổng số 120 xe tăng Stridsvagn 122 (phiên bản nội địa của Leopard 2).
Đan Mạch với đội ngũ xe tăng khiêm tốn gồm 44 chiếc cũng cam kết bàn giao một số lượng nhỏ xe tăng cho Ukraine.
Tính tổng cộng, Kiev sẽ nhận được hơn 100 xe Leopard với nhiều phiên bản khác nhau. Bên cạnh đó, các nước này cũng cam kết sẽ huấn luyện các kíp xe Ukraine, cung cấp đạn dược và hỗ trợ công tác bảo trì, sửa chữa, bảo dưỡng.
Ngoài ra, Anh cũng đã hứa sẽ gửi đến cho Kiev hàng chục xe tăng Chalenger-2, còn Pháp cũng đã cam kết tìm nguồn để cung cấp xe tăng xe tăng Leclerc; Hàn Quốc cũng đang bị Mỹ thúc giục chuyển giao 35 xe tăng T-80U và 67 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 mà nước này nhận được từ Nga trong thỏa thuận trả nợ Liên Xô.
Có thể nói rằng, với số lượng hàng trăm xe tăng tương đối hiện đại mà các nước phương Tây cam kết ủng hộ, lực lượng mặt đất Ukraine sẽ gia tăng thêm khá nhiều sức mạnh trong việc chống lại lực lượng tăng-thiết giáp hùng hậu của Nga, với nòng cốt là MBT T-72B3, T-90MS.
Nhận định về việc phương Tây sẽ cung cấp hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cho Ukraine sẽ gây ra những ảnh hưởng thế nào đến sức tấn công của quân Nga và cục diện chiến trường Donbass, giới quân sự Nga cho rằng, cần có những đánh giá thực sự nghiêm túc.
Điều này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong những kỳ sau.