Không cần đòn hạt nhân
Tuyên bố được ông Putin đưa ra hôm 7 tháng 6 trong phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF): "Chúng ta không cần vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng cuối cùng nếu hiểu rõ và trông cậy vào cốt cách của con người Nga".
Ông Putin khẳng định Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp đặc biệt.
"Tất cả đều có trong học thuyết hạt nhân. Một trong những trường hợp được đề cập là xuất hiện mối đe dọa với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tôi tin rằng điều này chưa xảy ra", ông Putin nói.
Đây được cho là tín hiệu rõ ràng nhất từ Tổng thống Putin rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Ukraine.
Ông chủ Điện Kremlin nói rằng học thuyết hạt nhân không hoàn toàn cố định và có thể được điều chỉnh nếu cần thiết, tùy thuộc vào tình hình thế giới. Ông để ngỏ khả năng Nga tiến hành thử hạt nhân, nhưng nói rằng điều này chưa cần thiết bởi các hệ thống máy tính "có khả năng mô phỏng mọi thông tin".
Cũng theo Tổng thống Putin, lực lượng Nga đã kiểm soát thêm 880 km2 lãnh thổ, trong đó có 47 làng và khu định cư, kể từ đầu năm, đang dần đẩy lùi đối phương khỏi vùng Donbass và những khu vực lân cận.
Ông nói khi được hỏi Moskva sẽ đàm phán thế nào nếu phương Tây vi phạm các thỏa thuận: "Rất khó để đàm phán với những bên lừa dối trong từng hành động, họ nói một đằng và làm một nẻo, đó là điều đáng buồn.
Cựu lãnh đạo của một quốc gia lớn ở châu Âu từng nói với tôi rằng mọi thỏa thuận đều phải dựa trên nền tảng chiến thắng hoặc thất bại quân sự. Nga tất nhiên sẽ giành thắng lợi".
Nga gần đây liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc chiến toàn cầu, khi phương Tây đang tìm cách chặn đà tiến quân của Nga ở Ukraine.
Các lãnh đạo phương Tây và Ukraine hạ thấp cảnh báo của Moskva về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân với Nga, nhưng nhiều lần cho rằng nước này có thể tấn công các thành viên NATO nếu giành chiến thắng ở Ukraine.
Tại Điều 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga quy định tổng thống Nga có thể cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân đáp trả khi xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga.
Học thuyết hạt nhân Nga cũng quy định tổng thống Nga với vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang có toàn quyền ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân.
Hôm 5 tháng 6, Tổng thống Putin đã bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng Nga đang "khua thanh gươm hạt nhân".
Ông Putin còn chỉ ra rằng Mỹ là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh, khi ném bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.
NATO bất lực
Đánh giá về cán cân chiến sự tại Ukraine hiện nay, ông Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo quân sự Mỹ cho biết, NATO không thể đối đầu với Nga hoặc ngăn chặn thất bại của Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.
Chuyên gia Scott Ritter nói với hãng thông tấn TASS, các quốc gia thành viên NATO có quyền quyết định có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để chống lại Nga hay không bất chấp việc Mỹ nói không với tên lửa ATACMS dù đã chuyển chúng cho Ukraine.
"NATO với tư cách là một tổ chức quân sự lớn nhưng đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn hơn với Nga", chuyên gia Ritter chỉ ra
Ông đề cập đến thực tế là cho đến nay NATO đã thực hiện chính sách tránh leo thang xung đột Ukraine nhưng đồng thời ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện với Nga.
Cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Michael Maloof cho biết, mấu chốt của vấn đề là các quốc gia thành viên NATO chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến với Nga.
"Tất cả các quốc gia NATO sẽ phải chuyển đổi nền kinh tế của họ từ nền kinh tế dịch vụ sang nền kinh tế sản xuất toàn diện thời chiến. Và họ không có khả năng làm điều đó. Họ không thể duy trì được. Họ sẽ phải mất nhiều năm mới làm được điều đó.
Tôi nghĩ bạn sẽ thấy các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và những người khác có lẽ sẽ bắt đầu lên tiếng ở đây để nói rằng, bạn biết đấy, chúng ta đã có đủ điều này rồi. Tôi nghĩ Ý đã bắt đầu gây ồn ào theo hướng tương tự như Đức", Maloof nói.
Các chuyên gia tin rằng việc Ukraine ủng hộ việc sử dụng vũ khí cấp NATO xuất phát từ sự tuyệt vọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương trước những thất bại quân sự liên tiếp của quân đội Kiev trên nhiều chiến tuyến.