Nga-EU thua chiến lược, thắng lợi kép cho Mỹ?

GD&TĐ - Mỹ thúc đẩy xung đột Nga-Ukraine với 2 mục đích: Làm suy yếu EU với tư cách là đối thủ kinh tế và Nga với tư cách là đối thủ chính trị và quân sự.

Nga-EU thua chiến lược, thắng lợi kép cho Mỹ?

Mỹ thống trị thị trường khí đốt LNG thế giới

Bà Angelina Laros, trợ lý giám đốc phân tích năng lượng tại Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hôm 30/3 cho biết, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để duy trì vị thế này.

Tuy nhiên, bà Angelina Laros cũng chỉ ra vấn đề cần giải quyết đối với Mỹ là mặc dù các dự án xây dựng nhà máy Calcasieu Pass với 10 triệu tấn và dây chuyền thứ sáu của Sabine Pass với 5,2 triệu tấn đã hoạt động nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mức tăng trưởng nguồn cung cho thị trường thế giới bị hạn chế do công suất trong nước chưa đáp ứng đầy đủ.

“Chúng tôi là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, nhưng vẫn có những hạn chế về năng lực khai thác và chế xuất trong nước” - bà nói trong bài phát biểu của mình tại Viện nghiên cứu Wilson.

Người đại diện của EIA nhấn mạnh rằng, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu được coi là hạn chế chính trong việc tăng nguồn cung cho các nước SNG (CIS).

Laros nói rằng, vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu LNG của Mỹ là do khả năng cung cấp nhiên liệu theo “khối lượng linh hoạt” và do trên thị trường không còn những hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn theo các hướng cụ thể (chủ yếu là các hợp đồng xuất khẩu của Nga).

Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới
Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới

Đầu tháng 3, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thông báo rằng, châu Âu đã trở thành khách hàng mua LNG chính của Mỹ vào năm 2022, doanh số bán hàng tăng do nguồn cung khí đốt tự nhiên cho EU và Vương quốc Anh gặp vấn đề sau khi khối lượng xuất khẩu qua đường ống của Nga sang khu vực này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm.

Lợi dụng xung đột Nga-Ukraine, chiếm thị phần khí đốt EU từ tay Nga?

Theo giới phân tích, Washington đã tận dụng cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở “Lục địa Già”, trong bối cảnh chính Mỹ xúi bẩy các đồng minh châu Âu tẩy chay dầu mỏ và khí đốt Moscow do cuộc xung đột Nga-Ukraine, để tăng xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của mình với khối lượng chưa từng có.

Mục đích của Mỹ là “đánh chiếm” gần 40% thị phần khí đốt cung cấp cho châu Âu của Nga, hoặc chỉ cần làm giảm một nửa nguồn cung của Nga tới thị trường EU là các tập đoàn năng lượng nước này sẽ thống trị thị trường năng lượng thế giới, thu về món lợi khổng lồ.

Trong bối cảnh dâng trào sự cuồng tín chống Nga trên các phương tiện truyền thông châu Âu, ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ đang hết sức vui mừng, vì xung đột Nga-Ukraine làm các nước EU sợ hãi và đình chỉ khởi động dự án khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nosd Stream 2).

Sau đó, việc Nord Stream 2 bị phá hoại do các vụ nổ càng giúp ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến và xuất khẩu LNG Mỹ có cơ hội vượt qua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp về nguồn cung cấp khí hóa lỏng cho châu Âu.

Mỹ chặn “Dòng chảy phương Bắc 2” để chiếm thị phần khí đốt châu Âu của Nga
Mỹ chặn “Dòng chảy phương Bắc 2” để chiếm thị phần khí đốt châu Âu của Nga


Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhà đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách là ông Dean Baker cho rằng, Mỹ có thể hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi có cơ hội hội độc chiếm thị trường EU, bằng những chuyến tàu chở khí hóa lỏng (LNG) giá cao vượt qua Đại Tây Dương.

Theo đánh giá của ông, giá LNG của Mỹ xuất khẩu sang thị trường EU cao hơn nhiều so với giá bán trong nước và cao hơn rất nhiều so với giá khí tự nhiên vận chuyển qua đường ống của Nga.

Lợi nhuận của các công ty năng lượng Mỹ sẽ tăng mạnh theo mỗi phần trăm thị phần khí đốt mà nước này giành giật được từ tay các nước xuất khẩu năng lượng khác, đặc biệt là đối thủ lớn nhất là Nga.

Kiếm lợi kếch xù, làm suy yếu cả Nga lẫn châu Âu?

Những nhận định của các chuyên gia có thể dễ dàng kiểm chứng bởi chính cáo buộc của một quốc gia châu Âu và cũng là đồng minh lớn nhất của Mỹ trong NATO, là Pháp.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tháng 11/2022 đã từng nói rằng, Paris không thể chấp nhận thực tế là Mỹ bán LNG cho nước này với giá đắt gấp 4 lần so với giá bán cho các công ty của họ.

Pháp không thể cho phép Washington thiết lập sự thống trị kinh tế nhờ châu Âu.

Cả Nga lẫn EU đều là kẻ thất bại trong cuộc xung đột Nga-Ukraine
Cả Nga lẫn EU đều là kẻ thất bại trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Nhờ việc bán tài nguyên năng lượng cho châu Âu mà đến hết quý III năm 2022, Washington đã có thể tạm thời chấm dứt tình trạng suy thoái của nền kinh tế nước này.

Giới chuyên gia nhận định, sự củng cố kinh tế này gần như hoàn toàn nhờ xuất khẩu ròng năng lượng.

Tiến sĩ Mamdouh G Salameh, một nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng toàn cầu, nhận định rằng, nền kinh tế Liên minh châu Âu suy thoái trầm trọng do giá năng lượng tăng, sức mua giảm cũng như chi phí tài chính khổng lồ của việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Các nước châu Âu sẽ phải mua LNG với giá “cắt cổ”, bởi khí tự nhiên đường ống của Nga trong các hợp đồng dài hạn có giá rẻ hơn tới 5 lần so với giá khí đốt trên thị trường châu Âu.

Và cuối cùng, chỉ có Moscow và Brussels là gánh chịu thiệt hại, còn Washington chính là kẻ thủ lợi!

Cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Sergei Ordzhonikidze đã từng nhận định rằng, sự gia tăng căng thẳng xung quanh Ukraine đã được lên kế hoạch trước.

Washington đang giáng cú đòn kép làm suy yếu Moscow về mặt chính trị và quân sự, làm suy yếu châu Âu càng nhiều càng tốt, với tư cách là đối thủ cạnh tranh kinh tế.

Theo các chuyên gia, có thể nói rằng, tác nhân sâu xa của cuộc xung đột Nga-Ukraine và khủng hoảng kinh tế châu Âu hiện nay chính là Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ