Nga đã thoát mác ‘Quân đội to xác, chỉ dựa vào hạt nhân’?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua thực tế xung đột Nga-Ukraine, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu quân đội Nga đã thoát mác “to xác, lạc hậu, chỉ dựa vào hạt nhân” hay chưa.

Nga đã thoát mác ‘Quân đội to xác, chỉ dựa vào hạt nhân’?

Một bài viết của tác giả Richard A.Bitzinger trên tờ “Đại Kỷ Nguyên” (The Epoch Times) cho biết rằng, việc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã kéo dài hơn 1 năm qua đã chứng tỏ rằng, những huyền thoại ca ngợi việc Nga đã chuyển đổi và hiện đại hóa thành công lực lượng vũ trang của mình trong khoảng một thập niên qua là những sự thổi phồng quá đáng.

Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhiều nhà phân tích phương Tây đã ca ngợi rằng quân đội Nga là một lực lượng được trang bị vũ khí thông thường rất tốt, được thành lập với những quân nhân chuyên nghiệp và có tính sẵn sàng chiến đấu cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng đắn và khách quan?

Quân đội Nga không mạnh như tưởng tượng?

Mặc dù Nga đã giành được thắng lợi trước Gruzia trong “Chiến tranh 5 ngày” vào tháng 8/2008 (còn được gọi là “Chiến tranh Nam Ossetia 2008”), nhưng nhiều hạn chế và thiếu sót của Quân đội Nga đã được các chuyên gia quân sự trong và ngoài nước chỉ ra.

Do đó, Moscow đã tiến hành cuộc cải tổ quân đội lớn mang tên “Diện mạo mới”, với 3 trọng tâm là Điều chỉnh học thuyết quân sự; Cải cách hệ thống chỉ huy và tổ chức biên chế; Tái trang bị cho quân đội; nhằm xây dựng một Lực lượng Vũ trang theo hướng tinh gọn, hiện đại.

Cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia đã giúp Quân đội Nga nhận thấy nhiều điểm yếu
Cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia đã giúp Quân đội Nga nhận thấy nhiều điểm yếu

Sau những màn thể hiện ấn tượng khi tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, nhiều chuyên gia quân sự thế giới đã nhận định rằng, Quân đội Nga đã chuyển hướng từ một lực lượng vũ trang “to xác, lạc hậu, chỉ dựa vào vũ khí hạt nhân” sang một quân đội tinh nhuệ, hiện đại hóa và hiện nay có khả năng cung cấp cho Moscow “một công cụ quân sự đáng tin cậy để theo đuổi các mục tiêu chính sách quốc gia”.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Quân đội Nga đã không đạt được mục tiêu ban đầu là chiếm được thủ đô Kiev của Ukraine trong vài ngày đầu tiên của cuộc chiến và buộc phải rút lui một cách đáng tiếc khỏi vùng phía bắc Ukraine, chuyển hướng sang vùng Donbass ở phía đông và khu vực phía nam, giáp Crimea.

Những thành công tiếp theo của Moscow trong việc chiếm được hầu hết bốn khu vực ở phía nam và phía đông Ukraine, sau đó sáp nhập các khu vực này vào lãnh thổ của mình đã bị một cuộc đại phản công của Ukraine ngăn cản vào cuối năm ngoái và cục diện giằng dai từ đó đến giờ.

Điều này đã thể hiện rằng, các nhà phân tích ở cả Moscow và phương Tây đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự về các vũ khí thông thường của Nga, không hiểu được các công nghệ mới đã thay đổi về căn bản các thước đo về hiệu quả quân sự trên chiến trường như thế nào.

Đầu tiên là chiến thuật quân sự của Nga, ban đầu dựa vào các cuộc tấn công bằng xe tăng bọc thép hạng nặng, về căn bản là ưu tiên sử dụng một lực lượng “cơ bắp”. Giới lãnh đạo quân sự Moscow đã nghĩ rằng, những chiếc xe tăng Nga có thể đơn giản là ủi phẳng con đường tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine, nhưng Điện Kremlin đã nhanh chóng vỡ mộng.

Đoàn xe tăng Nga bị quân đội Ukraine bắn cháy ở thị trấn Brovary, cách Kiev 13km, hôm 09/3/2022

Đoàn xe tăng Nga bị quân đội Ukraine bắn cháy ở thị trấn Brovary, cách Kiev 13km, hôm 09/3/2022

Cách tiếp cận này nhanh chóng bị bẻ gẫy bởi các chiến thuật đánh du kích phi tập trung của Quân đội Ukraine, với nòng cốt là kho vũ khí chống tăng khổng lồ từ thời Liên Xô để lại.

Sau này, khi các nước phương Tây cung cấp thêm các tổ hợp chống tăng hiện đại, mạnh mẽ và có độ chính xác cao hơn, đặc biệt là các loại tên lửa chống tăng Javelin của Hoa Kỳ và NLAW của Anh-Thụy Điển, thì quân Nga đã buộc phải rút khỏi khu vực phía bắc của Ukraine, chuyển hướng tấn công về phía đông và khu vực miền nam.

Hai bên sử dụng rộng rãi các loại UAV trên chiến trường

Một điểm khác khiến cuộc xung đột Nga-Ukraine được giới chuyên gia quân sự chú ý là việc Quân đội Ukraine đã khiến Lực lượng Vũ trang Nga phải khốn đốn khi sử dụng thành công máy bay không người lái có vũ trang chống lại các phương tiện chiến đấu chủ lực của lục quân Nga.

Nguồn cung cấp bất ngờ và đáng ngạc nhiên cho những chiếc máy bay không người lái vũ trang này như vậy là Thổ Nhĩ Kỳ với chiếc Bayraktar TB2, vốn đã bắt đầu được chú ý sau khi nó chứng minh hiệu quả trong cuộc xung đột giữa Armenia với Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh năm 2020.

Thời điểm bắt đầu chiến sự Nga-Ukraine, TB2 đặc biệt hiệu quả trong việc phóng các loại đạn không đối đất, tấn công các nhóm quân Nga, phá hủy tăng-thiết giáp, bệ phóng rocket nhiều nòng, tên lửa đất đối không và thậm chí cả các tàu tuần tra, tàu vận tải của Nga trên Biển Đen.

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Gecitkale gần Famagusta, thuộc Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ tự xưng, vào ngày 16/12/2019

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Gecitkale gần Famagusta, thuộc Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ tự xưng, vào ngày 16/12/2019

Vào khi đó, Moscow đã hoàn toàn bất ngờ trước các hoạt động hiệu quả của máy bay không người lái mà Kiev sử dụng. Nga chính là nước đi sau trong ý tưởng sử dụng các loại máy bay không người lái trinh sát, UAV vũ trang, nhưng họ có tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng lớn hơn Ukraine nên đã đảo ngược tình thế.

Nhờ vào sự trợ giúp của những chiếc Su-35, Moscow trao đổi với Iran để mua hàng ngàn chiếc UAV từ Tehran. Một trong những loại nổi tiếng nhất là máy bay không người lái tự sát (kamikaze) Shahed-136, một thiết bị bay không người lái (UAV) trông giống một cách đáng ngờ với chiếc UAV Harpy của Israel.

Trên thực tế, công nghệ chế tạo Harpy của Israel có thể đã được lọt vào tay Iran thông qua Trung Quốc, quốc gia đã mua hàng trăm chiếc Harpy trong những năm 1990, hoặc là từ Nam Phi. Theo giới quân sự, Nga hiện đang sản xuất Shahed-136 theo giấy phép của Iran, với tên gọi Geran-2.

Ngoài ra, Nga cũng tập trung nhân lực, vật lực sản xuất hàng loạt loại máy bay không người lái đã thành công và đẩy mạnh hoàn thiện các loại UAV đang phát triển, sau đó tung vào Ukraine hàng loạt UAV trinh sát, tự sát và tấn công khác nhau như Orlan, Lancet, Zala KUB, Forpost-R, Inokhodets/Orion-E…

Sự thích nghi nhanh chóng và tiềm lực lớn hơn đã khiến Moscow lật ngược tình thế, các UAV Nga đã áp đảo những phương tiện tương tự của Ukraine vốn hạn chế hơn về nguồn cung, dẫn đến việc các lực lượng Nga đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trên các mặt trận, điển hình là ở Donbass.

UAV Geran-2 của Nga là phiên bản nội địa hóa của Shahed-136 Iran, xuất hiện trong cuộc tấn công Kiev vào ngày 17/10/2022

UAV Geran-2 của Nga là phiên bản nội địa hóa của Shahed-136 Iran, xuất hiện trong cuộc tấn công Kiev vào ngày 17/10/2022

Thực tế chiến trường đã cho thấy, khi UAV Nga áp đảo UAV Ukraine thì lực lượng tấn công trên bộ của Nga đã chiếm ưu thế, dần dần chiếm được các mục tiêu đã định, trong khi Ukraine bị thiệt hại nặng về phương tiên chiến đấu, thất bại trong các chiến dịch phản công tái chiếm lãnh thổ.

Sự lên ngôi của UAV trong chiến tranh hiện đại

Do đó, giới quân sự cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine là minh chứng rõ ràng cho vai trò trung tâm trọng yếu của các máy bay không người lái trong một cuộc chiến tranh thông thường. Từ đây, sẽ có hai xu hướng chính có tác động to lớn đến các cuộc chiến trong tương lai.

Đầu tiên là sự phổ biến các loại máy bay không người lái tác chiến dùng trong các hoạt động phức tạp tầm xa hơn sẽ vẫn tiếp diễn.

Sự phong phú về mặt lựa chọn và sức hấp dẫn của các máy bay không người lái có vũ trang, tương đối rẻ từ các nhà cung cấp mới sẽ tác động đến việc mua UAV trên khắp thế giới, với việc các quốc gia đang xếp hàng để mua các loại UAV vốn đã được kiểm chứng qua cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ví dụ, công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng sản xuất máy bay không người lái Bayraktar TB2, đã bán các loại UAV hạng trung và hạng nhẹ cho 27 quốc gia. Hồi năm 2022, 98% thu nhập của công ty này đến từ việc xuất khẩu những loại UAV trinh sát và tấn công chiến thuật.

Cuộc chiến tương lai sẽ xuất hiện hình thái tấn công của bầy đàn UAV

Cuộc chiến tương lai sẽ xuất hiện hình thái tấn công của bầy đàn UAV


Diễn biến thứ hai là việc sử dụng UAV chiến thuật rẻ tiền cho các hoạt động hỗ trợ tác chiến tầm gần. Đặc biệt, các quân đội nghèo hơn có khả năng chuyển sang sử dụng máy bay không người lái thương mại giá rẻ (chẳng hạn như loại DJI do Trung Quốc chế tạo) để giám sát và trinh sát, phát hiện ra pháo binh và các hoạt động thông tin khác.

Đồng thời, sự phong phú và hiệu quả của máy bay không người lái sẽ làm tăng tầm quan trọng của khả năng chống UAV, ở cấp độ chiến thuật và tác chiến, với các hệ thống vũ khí và công nghệ có thể gây nhiễu, vô hiệu hóa và cuối cùng là bắn hạ phi cơ không người lái của đối phương.

Với việc cả Quân đội Nga và Ukraine hiện đang sử dụng các hệ thống chống UAV cá nhân, đặc biệt là Nga còn có cả các tổ hợp tác chiến điện tử chống UAV, các quốc gia quan tâm đến việc mua công nghệ tương tự sẽ xem các hệ thống như vậy hoạt động hiệu quả như thế nào trong cuộc chiến này, để từ đó thay đổi tư duy tác chiến, xác định lại hệ thống chiến thuật, cùng với việc tái cơ cấu trang bị trong quân đội, từ các cấp nhỏ nhất.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ cho thấy sự lên ngôi của máy bay không người lái, mà còn chứng kiến sự hồi sinh của một loại trang bị hạng nặng tưởng đã hết thời, đó là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT).

Về nội dung này, chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết sau.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ

Ứng dụng nano berberin để tạo các chế phẩm chăm sóc răng miệng.

Nano berberin ức chế vi khuẩn gây sâu răng

GD&TĐ - Ứng dụng nano berberin để tạo các chế phẩm chăm sóc răng miệng, do có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn S.mutans - tác nhân chính gây sâu răng.