Nếumột ngày, bạn không bị ai đó làm phiền nữa...

GD&TĐ - Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu trong đời sống, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội. Tuy nhiên, vì không muốn làm phiền và bị làm phiền... nhiều người lại ngừng giao tiếp, cắt đứt mối liên hệ xung quanh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Làm phiền, nếu là điều chính đáng và trong khả năng có thể thì nó vẫn mang những ý nghĩa tích cực nhất định!

Nhiều người cho rằng, mọi việc chỉ nên tin vào mình, dựa vào sức mình mà không nên phiền hà tới người khác. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra mình cô đơn, gò bó. Họ cảm thấy cái ranh giới, khoảng cách giữa mình với mọi người sao quá xa rộng. Trong khi đó, nhiều người lại chọn cách không ngại khi nhờ vả người khác hay chấp nhận bị làm phiền. Họ coi đó là cách để giúp đỡ lẫn nhau, cách đem đến cho nhau nhiều lợi ích và ý nghĩa thiết thực.

Làm phiền người khác hay để người khác làm phiền cũng là cách giúp chúng ta trưởng thành. Trong cuộc sống, không phải ai cũng có trí tuệ cao siêu, tột bậc đến mức có thể tự mình giải quyết mọi việc. Đôi lúc cần phải có sự qua lại, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Chính điều này sẽ giúp mỗi người hóa giải được những khó khăn, ách tắc, có cơ hội vươn xa hơn; đồng thời củng cố, kết nối, bồi đắp tình cảm cho các mối quan hệ thêm bền chặt, sâu sắc.

Nếu một ngày, bạn không bị con cái làm phiền nữa: Con không nhờ bạn chải tóc, mặc đồ; không nhờ bạn chở đến trường; không nhờ bạn giải thích giúp con về một bài toán khó, một đề văn lạ, một hiện tượng tự nhiên, xã hội mà con đang tò mò… thì cũng có nghĩa là con đã trưởng thành và rời xa vòng tay của bạn rồi.

Tôi có hai cô con gái lên 7 và lên 10 tuổi. Mỗi khi đang tập trung làm việc, thỉnh thoảng, chúng lại chạy vào, tíu tít: Khi thì “mẹ ơi tại sao…”; “mẹ giúp con…”; lúc lại “mẹ ơi, con bị đau…”, “mẹ ơi, con muốn ăn…” khiến tôi đôi lúc cảm thấy bị làm phiền và khó chịu. Thế nhưng nghĩ đến tương lai, chỉ khoảng mười năm nữa thôi, hai con sẽ lớn lên, đi học xa nhà, rồi thì có gia đình và lập nghiệp ở một nơi khác… tôi lại thấy lo xa, thấy trân trọng những lúc như thế này.

Nếu một ngày, bạn không bị cha mẹ làm phiền nữa! Cha không nhờ bạn lấy ly nước, mẹ không nhờ bạn mua cái bánh. Cha mẹ không nhờ bạn dìu đỡ lên bậc thềm cao, không nhờ bạn chở đi chợ, đi thăm lại những người – những nơi thân quen nữa… thì khi ấy, có thể cha mẹ đã không còn ở trên đời này.

Bởi thế, nếu hiện tại ai đó hãy còn được cha mẹ làm phiền, nhờ vả, được ở bên cha mẹ mỗi khi họ cần thì đó đã là niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Nếu một ngày bạn không bị người bạn đời của mình làm phiền nữa! Họ không nhờ bạn là bộ quần áo trước khi đi làm, không nhờ bạn mua một món ăn ngon, không nhờ bạn những việc quan trọng… thì nghĩa là người họ làm phiền, người họ tin tưởng tuyệt đối, muốn gửi gắm tất cả tin yêu có thể chẳng còn là bạn nữa.

Bởi vậy, nếu bạn có bị người bạn đời của mình làm phiền thì xin hãy mở lòng bao dung, biết trân trọng. Bởi họ đang muốn được bạn quan tâm và cũng là cách họ quan tâm đến bạn, là tình yêu họ dành cho bạn vậy.

Nếu một ngày, bạn không bị những bạn bè của mình làm phiền nữa! Trong các cuộc vui buồn của họ không có bóng dáng của bạn. Họ giấu bạn những dự định, hoài bão đang ấp ủ; họ không trả lời điện thoại, email hoặc không nhắn tin lại cho bạn… thì nghĩa là giữa hai người đã có khoảng cách, chẳng còn gắn bó hay trở nên quan trọng với nhau nữa.

Thế nên, đôi lúc bị bạn bè làm phiền, chúng ta hãy cứ vui cười và gật đầu nhận lời, nếu việc nhờ vả ấy nằm trong khả năng của bạn. Có như vậy, tình bạn mới càng trở nên đáng quý, bền lâu.

Một ngày, bạn không bị ai đó làm phiền nữa… có thể họ đã không còn hoặc không cần bạn nữa rồi. Và nếu bạn tự tách mình ra khỏi các mối quan hệ xã hội bởi không muốn làm phiền thì cuộc đời bạn sẽ chẳng có gì khác ngoài sự tẻ nhạt, cô đơn! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.