Tạo môi trường giao tiếp trong lành: Ươm mầm nhân cách đẹp

GD&TĐ - Sự việc tân hoa hậu Việt Nam năm 2020 từng có những lời nói “lệch chuẩn” khiến dư luận lo ngại về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, thiếu văn minh trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa, chuẩn mực trong nhà trường.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa, chuẩn mực trong nhà trường.

Xoay quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Cẩm Lan - Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Làm cho tiếng Việt giàu nhưng phải đẹp

- TS nhìn nhận thế nào về hiện tượng lệch chuẩn ngôn ngữ trong giới trẻ hiện nay?

- Nói đến chuẩn ngôn ngữ là nói đến những dạng thức ngôn ngữ đã qua đánh giá, lựa chọn của cộng đồng, được xã hội thừa nhận và sử dụng rộng rãi trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Lệch chuẩn ngôn ngữ là một hiện tượng ngôn ngữ - xã hội mà ở đó, việc sử dụng ngôn ngữ bị coi là không tuân thủ theo chuẩn mực chung được cộng đồng chấp nhận. Hiện tượng lệch chuẩn ngôn ngữ hiện nay có nhiều loại như dùng tiếng lóng một cách bừa bãi (tiếng lóng là những dạng thức ngôn ngữ được sử dụng hạn chế trong một nhóm người nào đó, theo những quy ước riêng để giữ bí mật trong nội bộ nhóm, thường bị xem là những cách dùng thiếu chuẩn mực), sử dụng những dạng thức ngôn ngữ mà chúng ta quen gọi là “ngôn ngữ thời @” (ngôn ngữ mạng) với những sáng tạo vượt xa khỏi những chuẩn mực chung… Một kiểu lệch chuẩn ngôn ngữ khác là sử dụng những từ ngữ gây phản cảm mà giới ngôn ngữ học coi là một bộ phận của “từ ngữ kiêng kị”. Đây là lớp từ ngữ bị coi là không nên dùng, cần kiêng tránh mà người ta thường gọi một cách giản dị là “nói tục, chửi bậy”. Những người dùng lớp từ này thường bị đánh giá là thiếu văn hoá, bất lịch sự, thô lỗ…, trẻ em dùng thì thường bị người lớn trách mắng, phạt, thậm chí bị đánh đòn…

Bản thân cách đánh giá, nhìn nhận của cộng đồng, cách phản ứng của nhiều bậc cha mẹ khi nghe con cái mình sử dụng lớp từ này đã cho thấy tính thiếu chuẩn mực của chúng. Cá nhân tôi, với tư cách là một người nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, tôi ủng hộ tất cả những cách sử dụng nào làm cho tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp hơn. Giàu ở đây là nói đến sự phong phú của những phương tiện biểu đạt bằng ngôn ngữ, điều đó có nghĩa là tất cả những cách thức sáng tạo làm cho tiếng Việt có thêm những phương tiện biểu đạt đều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, giàu nhưng phải đẹp, nghĩa là những cách biểu đạt ấy phải phù hợp với văn hoá Việt, phù hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng, mang lại cảm giác tích cực, những cảm xúc đẹp cho người nghe. Nói như vậy để thấy rằng những cách sử dụng ngôn ngữ lệch khỏi chuẩn mực chung là hiện tượng tôi không bao giờ chia sẻ.

- Có ý kiến cho rằng, giới trẻ dùng tiếng lóng như một cách thể hiện sự sành điệu, sáng tạo cũng như cá tính, quan điểm của bản thân. Mặt khác, đôi lúc, giới trẻ sử dụng tiếng lóng có tính chất tục do có những ấm ức muốn giải tỏa. Nhận định của TS về điều này?

- Một số nghiên cứu trên thế giới về tâm lý học ở trẻ vị thành niên đã nhắc đến một thứ văn hoá của thanh thiếu niên được nhận biết qua phong cách, sở thích trong ăn mặc, đầu tóc, giày dép… và qua cả các yếu tố phi vật chất như ứng xử, phương ngữ, tiếng lóng, loại hình âm nhạc, không gian tụ tập…

Tôi không cho rằng, việc sử dụng tiếng lóng, các lối “nói tục chửi bậy” là hay, là đáng khuyến khích mà ngược lại. Tôi cũng nghĩ cái gọi là văn hoá giao tiếp của thanh thiếu niên là thứ văn hoá giao tiếp còn nhiều điều phải bàn nhưng tôi tôn trọng tính khách quan của những nghiên cứu tâm lý khi các nhà tâm lý học cho rằng thứ văn hoá của thanh thiếu niên ấy cũng mang những đặc trưng rất riêng của một cộng đồng những người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, thích trải nghiệm những gì mới lạ, mà ở đó, họ cũng sẽ có những phương tiện biểu đạt ý nghĩa riêng, những cách thức riêng để thể hiện bản sắc cá nhân và bản sắc nhóm, có những phong cách riêng trong sử dụng ngôn ngữ giao tiếp không theo các chuẩn mực đã được xã hội định hình.

Còn việc giới trẻ sử dụng các lối nói tục, chửi bậy là do có những ấm ức muốn giải tỏa thì theo những khảo sát của chúng tôi, điều đó là một phần của thực tế. Tôi nghĩ, việc hiểu đúng cơ chế phát sinh của hiện tượng nói tục chửi bậy cũng sẽ giúp chúng ta nhìn nhận nó một cách khách quan, bằng một cái nhìn thấu hiểu và bao dung hơn. Các nghiên cứu ngôn ngữ xã hội về từ ngữ kiêng kị trên thế giới và ở Việt Nam đều có chung những nhận định về chức năng của lớp từ này. Đó là khi dùng chúng, người ta như được giải toả những áp lực, giảm thiểu những căng thẳng, dồn nén mà sau đó người ta có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Một nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cũng cho thấy, người ta thường dùng từ ngữ kiêng kị khi biểu thị sự tức giận, khi phủ nhận/bác bỏ, khi xúc phạm đối phương, khi muốn thể hiện sức mạnh và cả khi muốn… mắng yêu ai đó.

Từ những kết quả khoa học ấy, cùng với những quan sát cá nhân, tôi cũng cho rằng việc dùng từ ngữ kiêng kị giúp người ta thể hiện được những cảm xúc mạnh như giận dữ, tức tối, vui sướng, ngạc nhiên… qua đó, con người có thể giải toả bớt những căng thẳng, ức chế để tìm đến cảm giác dễ chịu hơn. Tất nhiên, việc hiểu cơ chế phát sinh của hiện tượng này không có nghĩa là ủng hộ việc sử dụng nó mà chỉ để chúng ta nhìn nhận nó đúng bản chất hơn và có những cách thức điều chỉnh một cách phù hợp và hiệu quả hơn thôi.

Bồi đắp giá trị tình bạn chân thành cho HS.
Bồi đắp giá trị tình bạn chân thành cho HS.

Tôn trọng bản thân và mọi người

- Ngôn ngữ mạng và việc nói pha tiếng Anh vào khi trò chuyện đang lan nhanh trong giới trẻ. Đây phải chăng là sự lai căng ngôn ngữ một cách tùy tiện, cẩu thả mà giới trẻ coi đó là trào lưu?

- Hiện tượng này, những người nghiên cứu ngôn ngữ gọi là hiện tượng trộn mã tiếng Anh hay các tiếng nước ngoài khác trong giao tiếp tiếng Việt. Đây là hiện tượng ngày càng phổ biến trong giao tiếp, không chỉ của giới trẻ mà của rất nhiều người biết và có thể sử dụng tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung.

Hiện tượng trộn mã này chủ yếu xuất phát từ một số động cơ như: Nhu cầu lấp một vài ô trống từ vựng khi không có từ tiếng Việt thích hợp (VD: Clip, piano, bar…); nhu cầu diễn tả những sắc thái tình cảm tế nhị mà tiếng Việt khó diễn tả; nhu cầu giảm nhẹ ý thô tục (VD: body ngon thế); và không loại trừ cả nhu cầu muốn thể hiện bản sắc cá nhân, bản sắc nhóm theo một lối hiện đại, mới lạ, khác biệt. Hiện tượng này cũng có tính hai mặt của nó. Mặt tích cực thể hiện ở chỗ nó giúp cho người nói diễn đạt ngắn gọn hơn, đôi khi tế nhị hơn, đỡ “thô” hơn. Bên cạnh đó, lối nói này cũng tạo sự mới mẻ, lôi cuốn, phong cách, đồng thời kích thích và chủ động hoá việc học tiếng Anh trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng này là có thể làm hạn chế sự phát triển vốn từ ngữ, làm giảm năng lực tiếng Việt của các bạn trẻ, nó còn có thể gây khó hiểu cho người tiếp nhận nếu đó là những từ ngữ tiếng Anh không phổ biến. Đặc biệt, khi các bạn thanh thiếu niên sử dụng chúng một cách tuỳ tiện, lạm dụng, bừa bãi thì chắc chắn việc này sẽ làm giảm thiểu đáng kể sự phong phú và vẻ đẹp của tiếng Việt mà chúng ta đang rất cần phải gìn giữ, trân trọng và nâng niu.

- Không chỉ nói mà giới trẻ còn “vận dụng” ngôn ngữ lệch chuẩn vào việc học tập, làm bài. Nhiều GV nhất là GV dạy môn Ngữ văn phản ánh, nhiều khi đọc bài kiểm tra của HS mà không hiểu các em đang viết gì vì bài thi sử dụng quá nhiều ngôn ngữ ký tự, ký hiệu, thậm chí cả “tiếng lóng”. Xin TS cho biết, việc lạm dụng ngôn ngữ lệch chuẩn ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển nhân cách cũng như kết quả học tập, rèn luyện của HS, SV?

- Ở trường, khi chấm các bài kiểm tra, tôi cũng có bắt gặp đâu đó các lối viết tắt tuỳ tiện, không theo quy định nào và tôi cũng đã luôn có những uốn nắn kịp thời. Tôi không rõ lắm thực tế ở trường phổ thông nhưng nếu đúng như các giáo viên dạy Ngữ văn phản ánh thì có lẽ ở trường đại học, tình trạng này đỡ hơn chăng?

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng hiện tượng sử dụng ngôn ngữ một cách thiếu chuẩn mực trong giao tiếp đời sống, giao tiếp khẩu ngữ đã cần phải điều chỉnh, uốn nắn thì việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực trên các văn bản viết, nếu có, sẽ càng cần phải quan tâm uốn nắn và điều chỉnh kịp thời hơn. Nếu HS làm bài mà GV “không hiểu các em đang viết gì” thì điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tôi nghĩ, cách tốt nhất là các thầy cô giáo nên đặt ra những chế tài thật nặng (đánh vào điểm số) đối với những bài kiểm tra sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực thì chắc chắn HS sẽ thấy ngay hậu quả của “việc lạm dụng ngôn ngữ lệch chuẩn” và các thầy cô sẽ thấy ngay hiệu quả của chế tài mà mình đặt ra.

Ngôn ngữ viết là thứ ngôn ngữ văn hoá, nó phản ánh trình độ, nhận thức và văn hoá của người sử dụng, nó cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự trong sáng và vẻ đẹp của ngôn ngữ nói chung, của tiếng Việt nói riêng. Vì vậy, khi sử dụng ngôn ngữ viết, mỗi người cần có ý thức cố gắng sử dụng đúng chuẩn mực nhất trong khả năng của mình. Đó là cách thể hiện sự tự tôn trọng mình của mỗi người và thể hiện sự tôn trọng đối với người đọc.

- Chúng ta cần làm gì để giáo dục HS sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, thể hiện nét đẹp văn minh, thanh lịch và hiện đại mà vẫn giữ được giá trị truyền thống, cốt lõi của tiếng Việt, thưa TS?

- Để giáo dục HS sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, không chỉ cần đến vai trò của nhà trường mà cả vai trò của gia đình và vai trò của cộng đồng.

Nhà trường có thể đưa vào chương trình giáo dục công dân nội dung giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục cách ứng xử, trong đó có cách ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp. Cần tạo ra một môi trường giao tiếp trong sạch, lành mạnh, thân thiện giữa các thành viên (giáo viên, nhân viên, học sinh). Bên cạnh đó, cần có những chế tài phù hợp để nhắc nhở, xử phạt nếu HS sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực trong giao tiếp khẩu ngữ, đánh vào điểm số để “nhắc nhở” nếu các em sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực trong các bài kiểm tra, bài thi…

Gia đình cũng giữ vị trí đặc biệt đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người từ lúc ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Giáo dục gia đình trong bối cảnh hiện nay càng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thế hệ trẻ. Truyền thống gia đình, những tập tục, nếp sống của gia đình vừa là nội dung vừa là phương tiện giáo dục quan trọng. Những thành viên trong gia đình sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực khi giao tiếp, ứng xử sẽ là tấm gương để con, cháu noi theo và ý thức được “lời ăn, tiếng nói” khi đến trường và ra ngoài xã hội.

Cộng đồng nơi các em sinh sống, các tổ chức đoàn thể xã hội mà các em tham gia hoạt động... đều có ảnh hưởng đáng kể đến nhân cách văn hoá của các em. Đó là nơi thể hiện kết quả giáo dục của gia đình và nhà trường, nhất là về mặt đạo đức và lối sống.

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó cũng mang thuộc tính của những hiện tượng xã hội nói chung, trong đó có thuộc tính khuyếch tán hay lan toả. Các hiện tượng ngôn ngữ, dù tích cực hay tiêu cực, đều dễ lan toả trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thích nghi cũng là một nguyên lý quan trọng trong giao tiếp ngôn ngữ. Đó là những hành vi điều chỉnh cách sử dụng ngôn ngữ sao cho thích hợp với những người đối thoại để có được “tiếng nói chung”. Sự điều chỉnh đó có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực tuỳ thuộc vào đối tượng giao tiếp là ai, sử dụng ngôn ngữ như thế nào. Tất nhiên, sự điều chỉnh không phải xảy ra với tất cả mọi người nhưng nhìn chung là có. Hai nguyên lý này (lan toả và thích nghi) cho thấy ảnh hưởng của môi trường xung quanh là rất mạnh mẽ. Công việc của chúng ta là phải tạo ra những môi trường giao tiếp trong lành mà ở đó các bạn trẻ được thể hiện cá tính, bản sắc một cách tự nhiên, có văn hoá. Những môi trường như vậy sẽ giúp chúng ta có được những nhân cách đẹp cho thế hệ tương lai.

- Xin cảm ơn PGS.TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...