Nếu không còn rừng cổ tích

GD&TĐ - Trên khắp thế giới, biến đổi khí hậu đang phá hủy các khu rừng. Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu tại châu Âu - môi trường sản sinh các tác phẩm thần tiên được yêu thích nhất toàn cầu, sẽ rơi vào hạn hán. Một số loại cây quen thuộc từ xưa đến nay không còn thích nghi. Cảnh quan của các tác phẩm cổ tích, từ “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn” đến “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Công chúa Tóc mây” sẽ biến mất khỏi thực tế. Khi không còn không gian thích hợp, truyện thần tiên của anh em Grimm sẽ trú ở đâu?

Rừng vừa là hiểm họa lẫn cơ hội thay đổi số phận của nhân vật cổ tích
Rừng vừa là hiểm họa lẫn cơ hội thay đổi số phận của nhân vật cổ tích

Nguy cơ biến đổi

Nếu từng đọc truyện cổ tích thế giới, bạn chắc chắn biết rừng đóng vai trò quan trọng thế nào. Khi biến đổi khí hậu gây mất mát động thực vật, đó không chỉ là mất mát về vật chất mà còn trên cả lĩnh vực văn hóa tinh thần.

Hầu hết các câu chuyện thần tiên của Grimm đều có rừng, nhờ rừng chở che cũng như thúc đẩy diễn tiến. Người mẹ nhẫn tâm của Hansel và Gretel sẽ biết bỏ hai đứa con của mình ở đâu nếu không có rừng?

Giả sử không có rừng rậm như mê cung chắn tầm mắt, ngăn lối đi, cặp đôi anh em này mất bao nhiêu phút để tìm được đường về nhà? Nếu ngôi tháp nhốt Công chúa Tóc mây hay ngôi nhà của Bảy chú lùn nằm ngay giữa đồng không mông quạnh, không cần phải tốn đến năm giây để họ bị phát hiện.

Không chỉ dung lượng truyện giảm đột ngột mà cả ý nghĩa, cốt truyện, giá trị đạo đức, hình thức ma thuật cũng chẳng còn chốn dung thân.

Rừng đóng vai trò tối thượng trong truyện cổ tích

Rừng đóng vai trò tối thượng trong truyện cổ tích

Bởi biến đổi khí hậu, sắp tới, những loài cây như vân sam Na Uy, loài thực vật chiếm phần lớn Rừng Đen ở Đức, cái nôi của truyện cổ tích, sẽ tuyệt chủng.

Bạn có thể chưa từng tới Rừng Đen song đã luôn biết nó thông qua “Hansel và Gretel”, “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn”, “Công chúa Tóc Mây”, “Người đẹp ngủ trong rừng” và “Cô bé Lọ Lem”.

Tất nhiên, các nhà nghiên cứu nhanh chóng đưa ra giải pháp thay thế có khả năng. Đó là đổi vân sam bằng chi lãnh sam và cây linh sam Douglas, những loài cây chịu hạn tốt hơn vân sam.

Rừng Đen sẽ không biến mất mà chỉ chuyển sang phiên bản khác. Nhưng, sẽ thế nào nếu không loài cây nào có thể thay thế vân sam trong tiềm thức?

Hầu hết truyện cổ tích đều được đặt trong bối cảnh rừng

Hầu hết truyện cổ tích đều được đặt trong bối cảnh rừng

Vai trò của rừng trong cổ tích

Robert Pogue Harrison (Thổ Nhĩ Kỳ) từng viết trong Forests: The Shadow of Civilization (Rừng: Bóng tối của nền Văn minh) vai trò của rừng trong trí tưởng tượng là mang đến “bí ẩn và nghịch lý”.

Như một nhân vật sống, rừng vừa nguy hiểm lại vừa linh thiêng. Nếu rừng là địa điểm ẩn náu của tội phạm, lãnh địa vô luật, nó cũng là nơi che chở, bảo vệ người lương thiện hay anh hùng đấu tranh vì công lý, chống tham tàn…

Cả trong tôn giáo, thần thoại lẫn văn học, rừng đều xuất hiện như giao lộ quyết định con đường tiếp theo của nhân vật. Từ đây, họ sẽ lầm lạc hay vững bước.

Vào rừng cũng giống như đào sâu vào góc tăm tối nhất trong linh hồn mỗi người. Ở đó, chúng ta phải đối mặt với bản chất xấu xa bị ẩn giấu, hiểu sâu hơn về chính mình, từ đấy xác định sự thật về Con Người.

Vào rừng là cách đánh mất bản thân, cũng là cách tìm lại bản ngã. Ở rừng, nhân vật trải khó khăn, thách thức, có thể trở nên dũng cảm, tốt đẹp hơn, cũng có thể trở nên gian ác, xấu xa hơn.

Trong hầu hết truyện cổ tích, rừng đóng vai trò là nơi cung cấp bài kiểm tra về luân lý, đạo đức thông qua cách thức hành động khi gặp nguy hiểm.

“Rừng cao thượng và tai hại, đầy bí ẩn, ma thuật, khủng bố, quái dị, nơi có thể xảy ra bất cứ chuyện gì”, Maria Tatar, nhà văn viết cho thiếu nhi của Đức khẳng định. Một mặt, rừng là nơi đe dọa, đất sống của quái vật, ví dụ con sói đang chờ chực ăn thịt Cô bé quàng khăn đỏ hay mụ phù thủy toan tính hãm hại anh em Hansel và Gretel, nhưng nó cũng là nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi trú ẩn.

Bạch Tuyết nhờ rừng mà thoát khỏi tai mắt của mẹ kế nham hiểm. Quân lính của hoàng hậu không dám vào rừng tìm kiếm cũng vì sợ những con quái vật được đồn đãi sống trong Rừng Đen.

Trong The Brothers Grimm: From Enchanted Forests to the Modern World (Anh em Grimm: Từ Rừng huyền hoặc đến Thế giới Hiện đại) của Jack Zipes (Mỹ) chỉ ra “Rừng là nơi các quy tắc xã hội không còn được tuân thủ”, ẩn chứa sự thật không thể phủ nhận về phong tục, tập quán bất thành văn.

Tại rừng, nhân vật thay đổi nhận thức, định hướng hành động. Rừng đóng vai trò như thần thánh, chúa trời, vĩ đại và huyền bí nhất. Tại đó, không ai có quyền lực lớn hơn rừng.

Song, sức mạnh của rừng không phải để áp chế, ép buộc. Nó mang đến cơ hội thay đổi cuộc sống và số phận cho người ẩn náu. Nói cách khác, rừng vừa là cơ quan quyền lực tối cao vừa là nhà cung cấp dịch vụ tuyệt vời.

Không thể thay thế

Tất nhiên, Anh em Grimm không sáng tạo các truyện thần tiên. Họ thu thập nó từ khắp Châu Âu, Châu Á, sau đó đặt trong bối cảnh Rừng Đen của Đức. Vốn dĩ, truyện cổ tích luôn được lượm lặt từ các mảnh vụn tại môi trường chúng sản sinh.

Grimm cần một địa điểm làm biểu tượng và chọn rừng. Rừng Đen của Đức nổi tiếng là khu rừng ma quái, đen tối, không thể đi qua. Nó khiến người bước vào mất phương hướng, không cách nào tìm đường về nhà, quá sức phù hợp cho diễn tiến của truyện cổ tích.

Giả sử truyện cổ tích không diễn ra trong bối cảnh rừng, nơi nào sẽ thích hợp với chúng? Đặt trong bối cảnh thành phố hiện đại, tình tiết truyện cổ tích không thể vận động. Ngay cả trong Once Upon a Time (Ngày xửa ngày xưa), bộ phim truyền hình cổ tích Mỹ lấy các thị trấn ngày nay làm nền, nhân vật vẫn thường xuyên đi về khu rừng gần đó.

Không gì đối lập với thành thị, trật tự, công nghệ, bó buộc ấn tượng hơn rừng. Cây cối mọc vô tổ chức tương phản với văn minh đô thị. Chúng không chỉ lọc sạch chất ô nhiễm mà còn đem lại phương pháp giải quyết cho các vấn đề do chủ nghĩa công nghiệp tạo ra.

Rừng là nơi nhân vật cổ tích tìm hướng đi tương lai

Rừng là nơi nhân vật cổ tích tìm hướng đi tương lai

Công chúa Tóc Mây lẫn Bạch Tuyết sẽ bị phát hiện tức khắc nếu không có rừng

Công chúa Tóc Mây lẫn Bạch Tuyết sẽ bị phát hiện tức khắc nếu không có rừng

Đặt trong bối cảnh sa mạc là hoàn toàn vô vọng. Ở sa mạc, không có gì khác ngoài ánh sáng và bóng tối. Trái với nó, rừng tràn ngập các sắc thái. Nó làm mờ những khác biệt, khiến vô tri vô giác trở nên sống động, vạch hữu hạn và vô hạn, vẽ cơ thể và linh hồn, tạo thị giác và âm thanh.

Đồng cỏ, thảo nguyên, hang động, đại dương… cung cấp khá nhiều yếu tố tương tự rừng. Nó cho phép sự xuất hiện của các sinh vật bất thường, bóng tối, cảm giác mơ hồ… Song, không cái nào trong số chúng có thể thay thế rừng.

Ngay biển cả, cái chiếm đến ¾ Trái đất cũng có lịch sử và biểu tượng riêng. Nếu không phải nàng tiên cá hay thủy quái, nhân vật không thể tận dụng bối cảnh đại dương.

Theo quan điểm của người Đức, rừng là đại diện tuyệt vời nhất. Bất cứ ai cũng được phép vào rừng hay đi bộ xung quanh. Rừng là tài sản công cộng, không thuộc quyền sở hữu của riêng người nào. Với vai trò cảnh quan thực tế được tái sử dụng cho mục đích huyền thoại, rừng trở thành không gian tượng trưng đa sắc.

Cây cối trong rừng đóng vai trò kết nối với tâm linh, siêu nhiên. Rừng thực được xem như bản thể khác của xã hội, bởi cuộc sống luôn đầy quái vật xung quanh lương thiện nhân.

Ngay cả khi rừng vân sam thuận lợi đổi thành rừng linh sam, sự khác biệt không chỉ ở tên của loài cây chủ đạo. Vân sam có xu hướng mọc dày, rậm hơn linh sam. Các nhánh vân sam cong lên trời. Nó tạo cảm giác thách thức. Toàn cây giống như hình chóp dài, thẳng đứng dù mỏng manh, tăng cảm giác dũng cảm đương đầu.

Ngược lại, linh sam nhánh hơi rủ, đầu ngọn tròn, dáng vẻ có chút lả lướt, mùi hương thơm ngọt ngào chứ không hắc như vân sam. Sự khác biệt về trực quan lẫn khứu giác này, tuy không đáng kể, vẫn thay đổi cảm quan về cánh rừng, từ đó thay đổi cảm giác khi đặt trong bối cảnh truyện cổ tích.

Hiện tại không phải lần đầu tiên Rừng Đen phải đối diện với thảm họa vì ô nhiễm môi trường do người gây ra. Những năm 1980, mưa axit từng phá hủy một nửa số thực vật của nó. Không có bất cứ khu rừng nào miễn ảnh hưởng với biến đổi khí hậu.

Tại Mỹ, nhiệt độ nóng lên toàn cầu đang mở rộng phạm vi hoạt động cho bọ cánh cứng phá hoại phía bắc, gây cháy ngoài kiểm soát tại California. Trên khắp thế giới, những hòn đảo đang dần biến mất, bờ biển bị thay đổi, lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn, bão tăng cường, nhiều loài động thực vật bị tuyệt chủng…

Nếu rừng là thử thách để nhân vật truyện cổ tích đánh mất hoặc tìm lại bản thân thì biến đổi khí hậu là thử nghiệm thực tế để chúng ta nhìn ra tội lỗi của nhân loại trước mẹ thiên nhiên hào phóng.

Vì tham lam, ích kỷ, chỉ quan tâm hưởng thụ, chúng ta đang từng ngày cắn vỡ cái nôi của mình. Khu rừng nào sẽ còn lại khi truyện cổ tích trơ trọi tìm kiếm bối cảnh trong nóng lên toàn cầu? Các nhân vật đáng thương sẽ trốn vào đâu khi không còn nơi chở che khỏi quái vật, lòng người hiểm độc?

Theo Lithub.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ