Lịch Tết 2018 đậm chất văn hóa dân gian

GD&TĐ - Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến hết năm nhưng mùa lịch Tết đã bắt đầu chuyển động. Các nhà sản xuất và doanh nghiệp bắt đầu đưa ra nhiều mẫu lịch mới, độc đáo và bắt mắt. Liệu thị trường lịch Tết Mậu Tuất năm 2018 sẽ có những bước “chuyển mình” lạc quan hơn?  

Lịch Tết 2018 đậm chất văn hóa dân gian

Đa dạng sắc màu cuộc sống trên lịch

Vừa qua, tại Triển lãm “Sắc màu sáng tạo”, những bộ lịch độc đáo đã được trao giải là những báo hiệu khởi sắc về sự đa dạng của lịch Tết năm 2018.

Điều đặc biệt là mỗi bộ lịch mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam với cái nhìn mới mẻ, hiện đại, sâu sắc. Bộ lịch Những chú chó thân quen, đơn vị Xuân Phương Nam sản xuất là tập hợp từng câu chuyện đẹp, xúc động về các chú chó trên thế giới được chuyển tải vào trang lịch để tạo ra giá trị cuộc sống mỗi ngày cho người dùng.

Bộ lịch Đồng dao là những câu đồng dao của nước Việt được thể hiện trên lịch mới mẻ, hiện đại, gần gũi quen thuộc với người Việt.

Bên cạnh đó, bộ lịch Truyện cổ dân gian Việt Nam gồm 53 câu truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích và truyện ngụ ngôn Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của độc giả. Trong đó, những câu chuyện cổ tích như Thần trụ trời; Lạc Long Quân; Âu Cơ; Thánh Gióng; Thánh Tản Viên; Trầu cau; Sọ dừa... đều được in trên lịch.

Công ty Song Hành tổ chức ra mắt lịch Bloc Hành trình di sản Việt. Trong 365 trang lịch, người xem sẽ bắt gặp hàng loạt di tích văn hóa, danh thắng cùng các di sản văn hóa phi vật thể như quần thể Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An... Đó còn là hình ảnh các khu dự trữ sinh quyển được xếp vào hạng lớn của thế giới như rừng ngập mặn Cần Giờ, mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm....

Nét văn hóa truyền thống trong mỗi nếp nhà

Lịch treo tường từ lâu là nét đẹp văn hóa, thể hiện cho đời sống tinh thần sâu sắc của mỗi người dân Việt. Không chỉ là sản phẩm hàng hóa giúp con người dễ dàng theo dõi được ngày tháng, một đồ trang trí nhà đẹp mắt trong những ngày Tết, mà còn là sản phẩm văn hóa truyền thống, chứa đựng những câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ hay, ý nghĩa răn dạy người đời cũng như một dấu ấn trang trí trong ngôi nhà mùa xuân. Vì thế, dù các công nghệ có phát triển đến mức nào đi chăng nữa thì việc sở hữu cho mình những mẫu lịch Tết vẫn chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong mỗi nếp nhà.

Trong sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh của công nghệ thông tin, các phương tiện điện tử hiện đại như điện thoại thông minh... lịch giấy cũng ít được quan tâm; vì thế, các nhà làm lịch cũng đã đầu tư công phu về mỹ thuật trong việc cho ra các tờ lịch có hình ảnh đẹp mắt, nội dung ý nghĩa có thể ôn lại mỗi ngày về các giá trị truyền thống của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Hảo, ngày nay, lịch không chỉ là sản phẩm cung cấp thông tin về thời gian, mà còn là sản phẩm văn hoá đẹp, sang trọng để mỗi gia đình bài trí mỗi dịp năm mới đến. Vì thế, cần có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp từ khâu thiết kế đến gia công ra thành phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Trung Vũ cho biết, lịch năm nay hướng nhiều đến những nét truyền thống văn hóa dân gian của người Việt. Người xem có thể tìm thấy trong bộ lịch này những câu chuyện cổ tích, những trò chơi dành cho các em bé như chi chi chành chành, chồng nụ chồng hoa... như một sự lưu giữ, nhắc nhở, đồng thời mang đến cho người xem những bức tranh sinh động về các trò chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, như gợi nhớ về truyền thống, nguồn cội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.