Hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng

Hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng

Cái kết đẹp lạ kỳ

- Chiến tranh biên giới đã lùi xa, cơ duyên nào thôi thúc ông đi tìm người lính trong bức ảnh?

- Khi nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc, các phương tiện truyền thông, báo chí trong và ngoài nước ghi lại nhiều video, hình ảnh xúc động phản ánh trung thực, khách quan cuộc chiến.

Với góc nhìn của một giáo viên Lịch sử, tôi cho rằng, bức ảnh chụp anh bộ đội gầy gò vác khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cột mốc số 0Km Lạng Sơn là đẹp nhất, ấn tượng nhất. Đây là biểu tượng cho trách nhiệm, tinh thần, ý chí của những người lính với Tổ quốc, cho khí phách của cả dân tộc trước sự xâm lăng của quân thù. Tuy nhiên, trong những năm qua, chưa có câu trả lời chính xác người lính trong tấm ảnh này là ai? Tôi thật sự rất trăn trở và quyết tâm đi tìm sự thật.

- Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về hành trình “đi tìm người trong ảnh”?

- Tôi có thể nói ngắn gọn: “Nhân duyên từ 1 cuốn sách”, còn ý tưởng từ một status trên Facebook. Ngày 18/2/2019, tôi đã đăng status ngắn trên trang cá nhân với thông điệp nhờ những bậc cao niên, cựu chiến binh, nhà khoa học giúp đỡ tìm ra người trong tấm ảnh này.

Sau đó, tôi dành nhiều thời gian, công sức kết nối, liên lạc qua rất nhiều nguồn tin từ các tổ chức, Hội Cựu chiến binh, báo chí và cuối cùng đã tìm ra điều mà tôi đã tâm tư hàng chục năm với một tấm ảnh lịch sử.

Người trong tấm ảnh nổi tiếng đó là ông Trần Huy Cung (còn gọi là Trần Duy Cung), quê ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, là người lính thuộc biên chế của Trung đoàn 540, Sư đoàn bộ binh 327 của Quân đoàn 14. Ông đã mất năm 2015 và vợ con, cháu ông đang sống tại phường Tân Phước, Thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Từ phải qua: Tổng Biên tập báo VTC News Ngô Văn Hải; Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Cung; anh Trần Văn Dũng (con trai ông Trần Huy Cung); Thầy giáo Trần Trung Hiếu; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại cuộc hội ngộ đặc biệt.
 Từ phải qua: Tổng Biên tập báo VTC News Ngô Văn Hải; Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Cung; anh Trần Văn Dũng (con trai ông Trần Huy Cung); Thầy giáo Trần Trung Hiếu; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại cuộc hội ngộ đặc biệt.

- Tìm hiểu và sưu tầm tư liệu báo chí về Chiến tranh Biên giới, ông và các cộng sự muốn gửi gắm thông điệp gì tới thế hệ trẻ?

- 2019 đánh dấu 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019). Trên các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều bài viết, thước phim trong và ngoài nước đề cập khá toàn diện, đầy đủ với nhiều góc độ khác nhau về cuộc chiến này.

Từ một ý tưởng bằng status ngắn trên trang cá nhân của tôi, dự định sẽ sưu tầm, tập hợp, chọn lọc các bài viết xúc động nhất, khách quan nhất trên góc nhìn báo chí để biên tập thành một cuốn sách.

Sau khi nêu ý tưởng, tôi đã tiến hành với Đại tá - Nhà văn Đặng Vương Hưng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân; Luật sư Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị; Đại tá Ngô Văn Học cùng một số tướng lĩnh, cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sau một thời gian biên tập, ý tưởng nhân văn này đã trở thành hiện thực, cuốn sách do tôi tham gia biên tập với tên gọi “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1979) - Góc nhìn báo chí” do Nhà xuất bản Thông tin Truyền thông xuất bản ra mắt vào tháng 5/2019.

Trên bìa của cuốn sách, chúng tôi đã chọn một số hình ảnh tiêu biểu, trong đó có tấm ảnh chụp người chiến sĩ gầy gò ôm khẩu phóng lựu B41 tựa trên cột mốc 0Km Lạng Sơn. Đây chính là món quà nhỏ mà tôi thay mặt ban biên tập đã dành tặng gia đình ông Cung. Tôi trực tiếp gửi qua đường bưu điện đến gia đình một ngày trước ngày giỗ ông Cung.

Khi thực hiện cuốn sách này, chúng tôi không tham vọng tái hiện một cách đầy đủ, toàn cảnh cuộc chiến khốc liệt và đau thương này. Chúng tôi xem cuốn sách là góp phần tri ân các cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc; đó là món quà quý kính tặng thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân và xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyện vọng chính đáng

- Công chúng từng được biết đến một thông tin khác về nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng này. Ông có thể chia sẻ thêm để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này?

- Đầu năm 2018, trên kênh YouTube lan truyền video về người đàn ông tên Hà tự nhận là người chiến sĩ ôm khẩu súng phóng lựu B41 bên cột mốc Lạng Sơn Km0. Clip này được đặt tên “Vô tình gặp người chiến sĩ ôm B41 năm xưa tại Lạng Sơn 0Km”.

Người đàn ông ngồi trên chiếc ô tô 4 chỗ tự giới thiệu tên là Hà, cựu chiến binh của Tiểu đoàn 11, Thị đội Lạng Sơn. Ngay sau khi clip được đăng tải trên mạng, rất nhiều người lầm tưởng ông Hà là người trong tấm ảnh nổi tiếng ấy và chia sẻ về trang Facebook của mình. Tôi và nhiều người đã tìm hiểu, xác minh và khẳng định: Ông Hà hoàn toàn không phải là người trong tấm ảnh nổi tiếng đó.

Đó là một sự ngộ nhận, một trò đùa không thể chấp nhận được, một sự xúc phạm với chính các đồng đội của mình (nếu ông Hà là cựu binh của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Lạng Sơn).

Sau khi nhận thông tin mà tôi viết trên Facebook cùng với video “ngộ nhận” của người không rõ danh tính đó như một “mệnh lệnh” thúc giục chúng tôi phải tìm mọi cách trả lại sự thật cho lịch sử.

Ông Ngô Văn Hải, anh Trần Văn Dũng (con trai ông Trần Huy Cung) và Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Cung.
Ông Ngô Văn Hải, anh Trần Văn Dũng (con trai ông Trần Huy Cung) và Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Cung. 

Ông Ngô Văn Hải - Tổng Biên tập Báo điện tử VTC NEWS đã chỉ đạo phóng viên nhanh chóng thực hiện hành trình tìm kiếm và xác minh thông tin này, tiến hành tiếp cận các nhân chứng, thân nhân gia đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình và Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Trần Huy Cung.

Cuộc chiến đã lùi xa, nhiều tài liệu bị thất lạc; nhiều nhân chứng lịch sử không còn. Để từng bước tìm ra các đầu mối thông tin về người trong tấm ảnh đó, PV của VTC NEWS đã tìm kiếm, khảo chứng nhiều nguồn tư liệu ảnh từ TTXVN, báo Tiền Phong, Nhân dân, Quân đội nhân dân, kết nối với cả các phóng viên ảnh nước ngoài chỉ để xác minh 1 người trong tấm ảnh lịch sử.

Sau sự nỗ lực của nhiều người, điều chúng tôi cần đã có, dù rất vất vả, gian nan và có lúc tưởng chừng rơi vào tình trạng bế tắc hoàn toàn.

- Ông có thể chia sẻ về điều khiến ông trăn trở nhất trong hành trình cùng các cộng sự kiếm tìm nhân vật của tấm ảnh lịch sử này không?

- Điều khiến tôi và các cộng sự day dứt nhất khi tìm ra danh tính nhân vật trong tấm ảnh nổi tiếng đó là một người lính đến tận lúc về với đất mẹ vẫn chưa được tham gia vào hội cựu chiến binh như mong muốn. Theo lời kể của bà Tô Thị Huê - vợ ông Cung và 2 người con trai là anh Trần Văn Dũng, anh Trần Văn: Ông Cung sinh năm 1946 tại Tiền Hải - Thái Bình.

Đến năm 1964, ông nhập ngũ, tham gia chiến trường Quảng Trị. Đến khoảng năm 1969, ông Cung xuất ngũ về làm thợ cơ điện tại Nhà máy Mì sợi Thái Bình. Năm 1979, khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới phía Bắc xâm lược nước ta, lệnh tổng động viên được ban ra, ông Cung quyết định tái ngũ.

Theo Giấy chứng minh QĐNDVN do Thủ trưởng đơn vị là Trung tá Ngô Công Nội ký (gia đình ông còn lưu giữ), ông Cung thuộc biên chế của Trung đoàn 540, Quân đoàn 14. Ngày 18/2/1979, Trung đoàn 540 thuộc Sư đoàn bộ binh 327 được Quân khu 3 điều động từ Quảng Ninh tăng cường cho mặt trận Lạng Sơn.

Ngày 24/2/1979, Sư đoàn 327 được biên chế sang Quân đoàn 14 (phiên hiệu Binh đoàn Chi Lăng). Quân đoàn 14 gồm 5 sư đoàn bộ binh (F3, F327, F337, F338, F347) ra đời một tuần sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tấm ảnh chụp ông Trần Huy Cung đang ôm súng phóng lựu B41 tì trên cột mốc Lạng Sơn 0Km được chụp khoảng đầu tháng 3/1979.

Hoàn thành nhiệm vụ, ông Cung về lại Nhà máy Mì sợi Thái Bình công tác. Được ít lâu, ông lại được điều chuyển về làm thợ cơ điện ở Nhà máy Xay Tiền Hải. Về hưu năm 1993, cuộc sống khó khăn, ông cùng gia đình chuyển cả vào Vũng Tàu sinh sống.

Khi ra quân và chuyển nghành, ông Cung đem tất cả hồ sơ, giấy tờ nộp tại Nhà máy Mì sợi Thái Bình. Không may cho ông, toàn bộ hồ sơ giấy tờ ông nộp vào nhà máy bị thất lạc hết. Thứ sót lại có thể chứng minh ông Cung từng tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược là giấy chứng minh quân nhân do Trung tá Ngô Công Nội ký ngày 30/8/1980, chứng nhận ông Cung thuộc biên chế Quân đoàn 14.

Ngoài ra ông còn có một Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì có công lao trong Kháng chiến chống Mỹ, do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 6/12/1996 do “Đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Thế nhưng từng đó giấy tờ cũng không đủ để ông được tham gia vào hội cựu chiến binh như mong muốn.

- Ông có đề xuất gì để gửi gắm sự tri ân, tôn vinh nhân vật của bức ảnh lịch sử vô tình bị lãng quên suốt 40 năm?

- Tôi mong muốn các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông, bảo tàng, Hội KHLS Việt Nam khi đăng hay trưng bày tấm ảnh này trên sách báo, trong bảo tàng cần có chú thích rõ người trong bức ảnh. Mong rằng các cơ quan chức năng của Nhà nước, quân đội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH làm quy trình tôn vinh, khen thưởng với ông Trần Huy Cung.

Điều mà chúng tôi mong đợi là sau khi có các văn bản đề nghị của báo chí, Hội KHLS Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền thì Hội Cựu chiến binh phường Tân Phước, Thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cần phải ghi nhận ông Trần Huy Cung là một cựu chiến binh, bởi ông từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc .

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ