Nét tương đồng trong hệ thống giáo dục Pháp và Nga

Nét tương đồng trong hệ thống giáo dục Pháp và Nga

“Cày” suốt ngày ở trường

Ở trường THCS và THPT Pháp, học sinh học từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Riêng vào thứ Tư, học sinh chỉ đến trường một buổi. Nhìn chung, người Pháp rất quan tâm đến chất lượng giáo dục và lo lắng các quốc gia láng giềng sẽ vượt họ trong bảng xếp hạng thế giới. Vì vậy trẻ em phải “học quần quật” suốt ngày ở trường.

Tiết học dài hơn

Một tiết học ở trường phổ thông Pháp không phải kéo dài 45 phút như phổ biến trên thế giới mà là 55 - 60 phút. Hơn nữa, học sinh không có giờ ra chơi để có thể trò chuyện với các bạn cùng lớp và chạy dọc hành lang. Giữa các tiết học, học sinh chỉ được giải lao 5 phút đủ để chuyển từ phòng này sang phòng khác. Học sinh phàn nàn rằng, không có thời gian đi vệ sinh. Tuy nhiên, vào giờ ăn trưa các em được nghỉ khoảng 2 giờ để ăn uống và dạo chơi.

Quay cóp là tội lỗi

Nếu phát hiện học sinh sử dụng “phao”, giáo viên sẽ báo cáo với phụ huynh, ghi vào sổ liên lạc cá nhân và áp dụng hình phạt theo ý chủ quan của giáo viên. Giáo viên có thể tịch thu điện thoại, bắt học sinh viết giấy cam đoan như: “Em hứa sẽ không bao giờ quay cóp nữa” hoặc trừ điểm. Trong kỳ thi tốt nghiệp, nếu học sinh cóp bài có thể bị tịch thu giấy phép lái xe và thậm chí bị đuổi khỏi trường.

Khác nhau về kỳ thi

Học sinh cuối cấp phổ thông ở Pháp cũng trải qua một kỳ thi như kỳ thi quốc gia thống nhất ở Nga, nhưng khó gấp nhiều lần, nó được gọi là BAC (thi tú tài). Trong khi học sinh Nga chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là tiếng Nga và Toán, học sinh Pháp thi 13 môn, ngoài ra, một số môn phải thi hai lần: Nói và viết. Mặc dù khó như vậy, 90% học sinh Pháp vượt qua kỳ thi BAC, hơn nữa, nó cho phép vào học trường đại học đã chọn mà không cần bất kỳ cuộc thi nào khác.

Thường xuyên cập nhật tình hình học tập của con

Vào cuối mỗi học kỳ, các phụ huynh Pháp nhận được email với một báo cáo chi tiết về thành tích của con. Giáo viên lập các biểu đồ kết quả học tập chi tiết của học sinh so với các giai đoạn trước. Ngoài ra, trong lớp có các bảng xếp hạng ẩn danh (cũng được gửi cho phụ huynh), cho biết điểm trung bình của lớp và kết quả của học sinh so với các bạn cùng lớp.

Thang điểm khác thường, nhưng rất chính xác

Học sinh “lớp 1” ở Pháp (trái) và học sinh lớp 1 ở Nga (phải)
Học sinh “lớp 1” ở Pháp (trái) và học sinh lớp 1 ở Nga (phải)
Pháp sử dụng thang điểm 20. Nếu như ở các trường của Nga, tiêu chí chấm điểm không phải lúc nào cũng rõ ràng (một lỗi nhỏ có thể làm mất toàn bộ điểm), thì giáo viên Pháp có nhiều điều kiện hơn để đánh giá bài làm của học sinh. Tuy nhiên, đạt 20 điểm là điều không dễ, điểm 16 - 17 có thể được coi là rất giỏi. Để đạt được điểm như vậy, việc viết sạch và không có lỗi là chưa đủ. Học sinh phải đưa ra một ý tưởng thông minh hoặc một cách giải bài tập bất ngờ nào đấy. Người Pháp không hài lòng lắm với thang điểm này và cho rằng học theo thang điểm 5 dễ dàng hơn nhiều.

18 tuổi mới có thể trở thành học sinh lớp 1

Với người chưa biết, hệ thống trường phổ thông Pháp giống như một khu rừng rậm. Trẻ em học tiểu học từ năm 6 tuổi và kéo dài 5 năm. Sau đó học THCS 4 năm. Đáng chú ý là từ trung học, các lớp được đánh số ngược: Học sinh 11 tuổi lên lớp 6, sau đó đến lớp 4, 3 và vào năm 18 tuổi, học sinh trở thành học sinh lớp 1. Trường THPT được gọi là lyceum. Ở đây, học sinh học 2 - 3 năm (tú tài hay tú tài toàn phần), tùy theo loại hình trường.

Kỳ nghỉ hè không thống nhất

Theo quy định, học sinh Pháp học ít nhất 36 tuần một năm (học sinh Nga – 34 - 35). Tổng cộng, sinh viên và học sinh có 5 kỳ nghỉ mỗi năm: 1 tuần vào tháng 10, 2 tuần vào Giáng sinh, 2 tuần vào tháng 2 và 2 tuần vào lễ Phục sinh. Vào mùa hè, khác với học sinh Nga, học sinh Pháp chỉ được nghỉ 2 tháng. Ngoài ra, cả nước Pháp được chia thành 3 khu vực, mỗi khu vực có quy định riêng về thời gian nghỉ hè. Điều này được thực hiện để tránh ùn tắc giao thông vào mùa hè.

Học sinh gương mẫu được nâng điểm

Ở Pháp, trong kỳ thi tú tài, nếu do dự không biết nên cho điểm như thế nào, giáo viên sẽ giở học bạ của học sinh xem các nhận xét về hạnh kiểm. Một học sinh ngoan, gương mẫu có mọi cơ hội để được nâng điểm. Còn những học sinh nghịch ngợm, cho dù giỏi giỏi giang, vẫn có thể dễ dàng bị hạ thấp điểm.

Học sinh và phụ huynh ghét bài tập về nhà

Giáo viên Pháp hầu như không giao bài tập về nhà. Học sinh tiểu học làm bài tập về nhà trung bình 10 phút mỗi ngày, khoảng 1 giờ với học sinh trung học. Nhưng ngay cả số thời gian ít ỏi như vậy (so với Nga) cũng bị các giáo viên và các nhà giáo dục phản đối. Sách giáo khoa và vở được giữ ở trường, học sinh có thể tự học trong các giờ học không có giáo viên.

Chăm lo cuộc sống riêng tư của học sinh

Tất cả các trường phổ thông ở Pháp đều có một bộ phận gọi là La vie scolaire (“Đời sống học đường”). Đó là các bạn trẻ, chuyên gia tư vấn và gia sư theo dõi việc học sinh đến lớp, liên lạc với phụ huynh, giải quyết các mâu thuẫn và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Giáo viên Pháp chỉ làm mỗi việc giảng dạy.

Cấm tuyệt đối điện thoại di động và các thiết bị điện tử

Những học sinh lướt mạng hoặc tán gẫu với ai đó trên điện thoại có thể bị tịch thu thiết bị và giữ lại sau giờ học. Vì vậy, người Pháp đang nỗ lực giáo dục cho học sinh văn hóa kỹ thuật số và buộc các em giao tiếp trực tiếp với nhau, chứ không nhìn chằm chằm vào màn hình. Ở trường, học sinh bị tịch thu máy tính bảng, đồng hồ thông minh và bất kỳ thiết bị nào có mô-đun giao tiếp.

Không cần mặc đồng phục

Các trường công lập ở Pháp không có đồng phục và bất cứ yêu cầu đặc biệt nào về ngoại hình. Vào ngày đầu tiên của năm học, các nam sinh, nữ sinh mặc quần áo bình thường đến trường mà không cần nghi thức trọng thể. Học sinh không bắt buộc phải đi giày đến lớp.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ