Nét đẹp “uống nước nhớ nguồn”

GD&TĐ - Những năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đầy tính nhân văn đã trở thành nét đẹp tại nhiều cơ sở giáo dục.

Học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Miết.
Học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Miết.

Làm tốt những hoạt động này sẽ tác động sâu sắc đến sự hình thành, phát triển nhân cách và tố chất văn hóa của học sinh.

Lan tỏa truyền thống đẹp

Quảng Trị là địa phương có bề dày lịch sử cùng truyền thống yêu nước và cách mạng. Chia sẻ của ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, hoạt động đền ơn đáp nghĩa vừa là trách nhiệm mang tính đạo lý, vừa là nét văn hóa được ngành GD&ĐT Quảng Trị đề cao, thường xuyên duy trì và được triển khai, nhân rộng nhiều mô hình mới.

Hàng năm, Sở GD&ĐT đưa hoạt động đền ơn đáp nghĩa vào các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên; coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng “dạy người”. Nhờ quán triệt tốt, được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều nội dung, hình thức phong phú, trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp.

Phòng GD&ĐT Hải Lăng là điểm sáng của ngành GD&ĐT Quảng Trị trong công tác này. Ông Võ Văn Minh cho biết: 19/19 trường tiểu học và THCS tại Hải Lăng tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc địa chỉ đỏ, gia đình chính sách. Toàn huyện có 1.324 cán bộ giáo viên, nhân viên; đóng góp gần 250 triệu đồng/năm nhằm chăm sóc, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người có công với cách mạng.

Chia sẻ thêm về các cơ sở giáo dục triển khai tốt hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị nhắc đến Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Miết, trường thành lập Ban Chỉ đạo, có kế hoạch hằng năm tổ chức từ bố trí người chăm sóc ăn ngủ cho mẹ; đến viết tiểu sử, lập chuyên mục về mẹ trên website của trường.

Nhà trường cũng phối hợp cơ quan y tế địa phương thường xuyên khám, theo dõi sức khỏe cho mẹ. Hàng tháng, cán bộ, giáo viên luân phiên đến nhà mẹ làm vệ sinh, giặt giũ, chăm sóc vườn cây, học sinh đến trò chuyện hỏi han. Các giáo viên trong trường thay nhau đến nấu cơm cho mẹ 3 bữa/ngày…

Trường THPT thị xã Quảng Trị cũng triển khai hiệu quả hoạt động đền ơn đáp nghĩa thông qua các buổi sinh hoạt tập thể dưới cờ, họp hội đồng, hoạt động hướng nghiệp giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm. HS nhà trường tham gia lao động vệ sinh thường xuyên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Chương trình giáo dục truyền thống của trường được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, hội thi văn hóa học đường, hoạt động truyền thông sinh động của địa phương. Ngoài ra, trường cũng huy động hàng trăm triệu đồng bổ sung vào nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa và hoạt động từ thiện - xã hội...

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Trường THPT Vĩnh Long là đơn vị có nhiều hoạt động nổi bật về hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Loan, nhà trường nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ; thực hiện tốt công tác chính sách với gia đình liệt sĩ mà ngành phân công phụng dưỡng: Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Tám, ở xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm. Bên cạnh nhiều hoạt động phong phú, hằng quý, nhà trường tổ chức đi thăm, tặng quà mẹ với số tiền 12 triệu đồng do học sinh, giáo viên hỗ trợ phụng dưỡng trong 1 năm học và nhiều phần quà ý nghĩa…

Học sinh Trường THPT Vĩnh Long thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Tám.
Học sinh Trường THPT Vĩnh Long thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Tám.

Làm tốt “dạy người” từ các hoạt động tri ân

Theo cô Đỗ Thị Kim Loan, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa trong trường học có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc. Đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động này giúp học sinh được trải nghiệm từ những việc làm thực, giàu tính nhân văn.

Cô Đỗ Thị Kim Loan cũng cho rằng: Để tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa tránh hình thức, bảo đảm hiệu quả giáo dục, nhà trường cần thực hiện tốt tuyên truyền, nâng cao nhận thức hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục tri ân nguồn cội. Lồng ghép hoạt động giáo dục này qua các môn học: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, Văn học; đặc biệt là tuyên truyền trong buổi sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt chủ nhiệm.

Còn theo ông Võ Văn Minh, hoạt động đền ơn đáp nghĩa giúp thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị lớn lao lịch sử để lại. Biết tri ân, biết tôn kính thế hệ đi trước là một nét đẹp về đạo đức, về văn hóa của con người. “Chúng tôi coi đây là động lực không nhỏ giúp học sinh rèn luyện tốt, học tập tốt để trở thành công dân có ích. Từ nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng và tình cảm đẹp”, ông Minh cho hay.

Thực tế cho thấy, hiệu quả của giáo dục truyền thống, ý nghĩa của các hoạt động đền ơn đáp nghĩa có ảnh hưởng rất lớn, tác động sâu sắc đến hình thành, phát triển nhân cách và các tố chất văn hóa của học sinh.

Khẳng định điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho rằng: Điều quan trọng là các đoàn thể trong nhà trường, thầy cô giáo phải biết khơi dậy ngọn lửa ấm áp trong lòng học trò, để khi chăm sóc những hàng bia mộ, khi nghe các cựu chiến binh kể chuyện, khi phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các em được dấy lên niềm tự hào, lòng biết ơn chân thành và biết hướng đến những giá trị sống đẹp đẽ, cao thượng.

Để hoạt động đền ơn đáp nghĩa hiệu quả hơn nữa, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh phương châm: “Định hướng đúng, nội dung thiết thực, tổ chức có chiều sâu. Phải căn cứ điều kiện cụ thể, như văn hóa vùng miền, nguồn lực, căn cứ yêu cầu, nhu cầu của đối tượng... để xác định trọng tâm của hoạt động đền ơn đáp nghĩa - đó là bảo đảm thiết thực về nội dung. Cần sự phối hợp nhiều ngành, địa phương liên quan; có sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình, phổ biến cách làm; cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia nhiệt tình, tâm huyết, tự giác và có trách nhiệm - đó là tổ chức có chiều sâu”.

Ông Minh tin tưởng, bằng kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của thầy trò, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống nói chung, hoạt động đền ơn đáp nghĩa nói riêng tại Quảng Trị sẽ ngày càng được duy trì, thực hiện hiệu quả.

Em Nguyễn Phương Nhi, HS lớp 5A, Trường Tiểu học Hướng Phùng (Quảng Trị), chia sẻ: Em cùng các bạn trong liên đội được thầy cô giáo cho tham gia hoạt động đưa cơm cho Mẹ, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đến chơi và nghe Mẹ kể chuyện khi rảnh rỗi. Em rất vui, hạnh phúc và cố gắng thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.