Ngày nay, người Việt vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp văn hóa ấy, chỉ có điều, giới họa sĩ đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo để giá trị truyền thống có thể tiệm cận được với đông đảo người thưởng ngoạn.
Để chào đón Tết Kỷ Hợi, triển lãm mang tên “Tết Around The World” với 10 bức tranh do họa sĩ Dương Hoàng thiết kế trên bao lì xì, đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả yêu hội họa. Những phong bao lì xì có hình người Việt gói bánh chưng, tục mừng tuổi... lồng ghép với rừng Amazon, nhà hát Opera Sydney... là điểm nhấn thú vị của triển lãm do ILA tổ chức.
Nét vẽ của từng tác phẩm được họa sĩ phác họa trẻ trung, tái hiện không khí ngày Tết. Bố cục hội họa khai thác ở góc nhìn toàn cảnh tạo nên không gian tươi mới, bao quát nhưng vẫn nổi bật các chi tiết của Tết Việt cùng các địa điểm nổi tiếng trên thế giới.
Ví như hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài đỏ đứng cạnh tượng Nữ thần tự do (Mỹ), cô gái Tây Bắc với điệu nhảy dân gian lồng ghép với đền thờ Parthenon (Hy Lạp). Các phong tục cổ truyền như gói bánh chưng, đưa ông Táo về trời... cũng được sáng tạo “sánh đôi” cùng các địa điểm như rừng Amazon (Brazil), tượng Merlion (Singapore).
Bên cạnh hình vẽ, màu sắc cũng là điểm nhấn cho bộ sưu tập “Tết Around The World”. Tông màu chủ đạo thể hiện nét rực rỡ của ngày hội truyền thống. Đại diện ILA cho biết, dự án mong muốn mang tiếng Anh, văn hóa của nhiều nước trên thế giới đến với Việt Nam. Đây là thông điệp mà trung tâm xây dựng trong gần 20 năm qua.
Triển lãm các tác phẩm của “Tết Around The World” là cơ hội để các học viên, phụ huynh tìm hiểu dự án nghệ thuật đầy tính sáng tạo về Tết. Không dừng lại ở hình thức mỹ thuật, dự án còn khơi gợi cho các bạn nhỏ tính ham học hỏi với trích dẫn tiếng Anh về địa danh, cùng hoạt động văn hoá ở từng bao lì xì.
Ngoài ra, bộ lì xì “Tết Around The World” sản xuất để gây quỹ cho dự án ý nghĩa của ILA Cộng đồng - ILA Community Network mang tên “Build A School”. Trung tâm mong muốn góp phần xây dựng một ngôi trường tiểu học tại thị xã Tập Ngãi (Trà Vinh).
Một sự kiện nổi bật khác trong giới hội họa gần đây phải kể đến triển lãm “Tranh Tết” diễn ra tại Nhà sách Cá Chép, số 115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. 57 tác phẩm của 33 họa sĩ đã hội tụ trong triển lãm cuối năm.
Họ đều là những họa sĩ có tên tuổi trong nền hội họa đương đại, như Thành Chương, Phạm Hà Hải, Phạm An Hải, Lê Trí Dũng, Đoàn Thị Thu Hương, Phạm Bình Chương, Quách Việt Hà…
Vẽ tranh con giáp vào dịp đón Tết từ lâu đã trở thành nét đẹp được nhiều họa sĩ Việt lưu giữ, tiếp nối. Người yêu nghệ thuật, chơi tranh cũng muốn có tác phẩm đẹp về mùa xuân, năm mới, linh vật của năm treo trong nhà.
Việc các họa sĩ có một triển lãm chung về linh vật năm Kỷ Hợi không chỉ mang tới cái nhìn phong phú về tranh con giáp, mà còn là cơ hội để người sưu tầm, chơi tranh có dịp lựa chọn những tác phẩm ý nghĩa dịp Tết.
Với những phong cách riêng biệt, con giáp của năm 2019 được thổi hồn bằng những hơi thở nghệ thuật độc đáo. Có những họa sĩ mượn phong cách tranh dân gian Đông Hồ để hướng tới một năm Hợi no đủ, đầm ấm, như bộ tranh “Sung mãn” và “Sung túc” của họa sĩ Lê Trí Dũng hay bộ tranh “Xuân Kỷ Hợi” và “Bình Địa Mộc” của họa sĩ Quách Việt Hà… Chất liệu cũng được sử dụng rất phong phú, như sơn dầu, màu nước, sơn mài…
Một nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật bày tỏ, triển lãm tranh không chỉ đem đến những tác phẩm đặc sắc, độc đáo về con giáp năm Kỷ Hợi, mà còn cho người xem được thưởng thức và đối thoại với bức tranh theo cách của riêng mình, không phụ thuộc vào chủ quan sáng tác của người nghệ sĩ.
Có thể nói, bằng những nét độc đáo riêng, triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi đã góp thêm sắc xuân cho không gian nghệ thuật Việt; đồng thời đem đến những cái nhìn mới, những chiêm nghiệm thú vị cho khán giả về con giáp “Hợi” khi bước chân vào ngưỡng cửa 2019.
Gìn giữ kho báu dân gian
Trước khi nền văn minh phương Tây du nhập thì tranh dân gian Việt Nam luôn chiếm vị thế chủ đạo. Tranh Tết thường đa dạng về thể loại và thường đi kèm những thông điệp, lời chúc một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý... Khi xã hội phát triển, sự hội nhập của văn hóa phương Tây đã làm cho thú chơi tranh dân gian phần nào bị mai một.
Tranh in sẵn tràn ngập thị trường với nhiều mức giá, bên cạnh đó, thị hiếu thưởng ngoạn hội họa cũng theo thời gian mà thay đổi khiến cho dòng tranh Tết mất chỗ đứng. Thậm chí, các nhà nghiên cứu văn hóa từng trăn trở về việc người Việt sẽ đánh mất một thú chơi tao nhã.
Người xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” ý nói đến những thú chơi hàng đầu trong dịp Tết truyền thống của người Việt từ bao đời nay.
Nhắc đến tranh Tết thì nổi bật nhất phải là các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh làng Sình (Huế)... May mắn là vài năm gần đây, thú chơi tranh dân gian vào dịp Tết có xu hướng quay trở lại. Tuy không còn được rộn ràng và phổ biến như trước, nhưng cũng đã đủ chứng minh nét đẹp truyền thống đã ăn sâu và trở thành một tập quán đẹp thì không dễ gì thay đổi. Đồng thời chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của dòng tranh truyền thống.
Bên cạnh việc gìn giữ và nâng niu giá trị truyền thống, các họa sĩ còn thể hiện sự sáng tạo của họ khiến thị trường tranh Tết 2019 trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.