Những chú ỉn bước ra từ tranh Đông Hồ

GD&TĐ - Theo đánh giá của giới mỹ thuật chú lợn trong tranh Đông Hồ là hình ảnh đẹp nhất của loài vật này. Nghệ nhân dòng tranh dân gian đã có cái nhìn chân thực và tinh tế về loài vật nuôi đáng yêu, gần gũi với cuộc sống làng quê, đậm hồn Việt. Trong thời hiện đại, những chú lợn ấy vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo tung tẩy của nhiều họa sĩ.

“Lợn ăn lá ráy” – Tranh Đông Hồ
“Lợn ăn lá ráy” – Tranh Đông Hồ

Biểu tượng sung túc, phồn thực

Dòng tranh dân gian Đông Hồ có từ năm trăm năm trước nổi tiếng với những nét nghệ thuật độc đáo và đặc trưng. Ngắm những bức vẽ đơn sơ, nhỏ bé với đường nét mộc mạc, sắc màu tự nhiên nhưng lại là những tinh hoa chắt lọc được hình thành nên từ một thế giới quan thu nhỏ, ẩn chứa tư duy và triết lý sống của người Việt.

Tranh Đông Hồ vẽ lợn có hai bức: “Lợn ăn lá ráy” và “Lợn nái” (còn có tên gọi Đàn lợn âm dương), hai tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Hình các con vật được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển. “Đàn lợn âm dương” vẽ ra hoạt cảnh tươi vui, những chú lợn con quây quần bên lợn mẹ, mỗi con mỗi dáng vẻ: Con muốn trèo lên lưng, con muốn rúc vào bụng mẹ, các con khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn… tất cả đều có bố cục khoẻ, giản dị, giàu chất trang trí cách điệu, mà đậm đà tính hiện thực.

Bức tranh chứa đựng ước muốn của người nông dân đạt thành quả trong tăng gia sản xuất, về cuộc sống sung túc, đông vui hoà thuận, hạnh phúc, con cháu đầy đàn, no đủ, phồn thực. Bức “Lợn ăn lá ráy” đẹp và rực rỡ, sự cách điệu lạ mắt đặt trong những khoáy tròn âm dương trên lưng. Người thợ vẽ với tâm hồn người nghệ sĩ đã nhìn những xoáy lông trên mình lợn thành cái khoáy âm dương của triết học cổ. Hình tượng lợn trong tranh luôn đầy đặn, béo tốt như ước mơ về thành quả lao động bao đời của người nông dân. Những sắc màu rực rỡ tương đồng với tính phồn vinh, nảy nở, sinh sôi, sung túc, no đủ trong hình ảnh chú lợn béo khỏe chính là một thông điệp, một lời cầu chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn...

“Cả nhà thương nhau - Đàn lợn âm dương”
  • “Cả nhà thương nhau - Đàn lợn âm dương”

Cái độc đáo là nguyên liệu chế tác bức tranh được làm từ thiên nhiên như vỏ sò điệp trộn hồ, than gỗ xoan, than lá tre, lá chàm, hoa hòe, gỗ vang… với màu sắc vừa nhu vừa sáng và họa tiết vừa đơn giản nhưng vừa khéo léo và nội dung có triết lý sâu sắc.

Nghệ nhân Đông Hồ xưa đã quan sát kỹ con lợn phàm ăn, đang sục mõm vào máng, cành lá ráy như động đậy. Tính ước lệ trong tác phẩm vừa độc đáo, mộc mạc lại phảng phất tinh thần, tâm hồn người dân gắn bó với làng quê tạo nên sức sống bền bỉ theo thời gian.

Tranh lợn đương đại

Tết Kỷ Hợi này, họa sĩ Lê Trí Dũng cùng nhiều họa sĩ đã giới thiệu đến công chúng Thủ đô gần 60 bức tranh mang hình ảnh chú ỉn. Tiếp thu tinh hoa dân tộc, mỗi họa sĩ lại có một cách truyền tải sự ảnh hưởng và sự kế tiếp của mình một cách mới lạ và cuốn hút.

Theo nhìn nhận của họa sĩ Thành Chương, “đã là người Việt thì không thể không ảnh hưởng những cốt cách, hồn vía của văn hóa dân gian. Hình ảnh con lợn trong dòng chảy dân gian rất mạnh mẽ. Mô típ này quá đặc trưng, quá tiêu biểu, là biểu tượng về sự no đủ khó có thể thay thế, đi vào thơ ca, ca dao, hội họa... Dòng tranh dân gian đã có những hình tượng hằn sâu trong ký ức, có thoát ra người cầm cọ cũng vẫn phải quay về”. Các họa sĩ luôn tìm tòi, khám phá để những sáng tạo của mình mới trong tạo hình, mới trong biểu hiện chứ không đơn thuần là sự sao chép. Muốn vượt qua sự cũ kỹ phải hiểu được cốt lõi, giữ được tinh thần của cái đẹp thì sẽ không đánh mất giá trị vốn có.

“Tết Tết đến rồi - Đàn lợn âm dương”
  • “Tết Tết đến rồi - Đàn lợn âm dương”

Một năm trước, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một trong 2 nghệ nhân hiếm hoi giữ nghề tranh Đông Hồ  đã cùng Highlands Coffee thực hiện hoạt động tôn vinh nghệ thuật cổ truyền. Bậc thầy làng tranh đã truyền dạy phương pháp chế tác cổ truyền từ cách làm khuôn và chất liệu màu, cách phối màu cho các họa sĩ trẻ. Đem sự kết hợp sáng tạo và sức sống hiện đại vào hội họa, Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh và Phạm Rồng đã phối hợp với nghệ nhân thổi hồn sức sống đương đại, hiện đại hóa nghệ thuật Đông Hồ.

Bộ tranh “Đương đại hoá tranh Đông Hồ” mang ý nghĩa như những thông điệp chúc phúc “Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc” đón mừng năm mới khi ra mắt đã giành được sự yêu thích của công chúng. Nhiều ý kiến đánh giá cao sự đột phá mang tính bắc cầu giữa truyền thống và hiện đại và cái tâm của các họa sĩ trẻ dành cho sự sống còn của làng nghề.

Lấy cảm hứng sáng tạo từ “Đàn lợn âm dương”, họa sĩ Phạm Rồng và đã vẽ ra gia đình lợn được nhân cách hóa với trang phục và lối sinh hoạt hiện đại. Lợn mẹ dẫn đàn con đi mua đồ chơi, quần áo, bánh trái và hoa tươi cùng lợn mẹ trang hoàng, chuẩn bị đón Tết mang đến lời chúc cho một năm mới thịnh vượng, sung túc, tài lộc, phú quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ