Nét đẹp các dân tộc Sa Pa qua Canaval đường phố

GD&TĐ - Nằm trong chuỗi sự kiện trong Lễ hội đền Mẫu Thượng 2022, Canaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu” được tổ chức với nhiều ý nghĩa.

Các nghệ nhân cùng diễn viên biểu diễn Then, múa với đàn tính trên nền nhạc dân tộc Tày
Các nghệ nhân cùng diễn viên biểu diễn Then, múa với đàn tính trên nền nhạc dân tộc Tày

Canaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu” là sự tri ân công đức của Thánh Mẫu. Đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống  trong lễ hội, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương, đất nước, qua màn biểu diễn đặc sắc của các nghệ nhân đồng bào các dân tộc Sa Pa.

Các đoàn nghệ nhân và diễn viên biểu diễn chương trình Canaval đường phố
Các đoàn nghệ nhân và diễn viên biểu diễn chương trình Canaval đường phố

Dựa trên những giá trị lịch sử, văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu và chất liệu dân gian dân tộc độc đáo của 6 dân tộc trên địa bàn huyện Sa Pa (Mông, Dao, Tày, Dáy, Kinh và Xã Phó). Loạt 6 xe mô hình trong chương trình Canaval đường phố được trang trí độc đáo, mang tính hình tượng và biểu trưng nhất của từng dân tộc (như khèn, gùi của người Mông, thổ cẩm hoa của người Xa phó, trống khèn người Dao đỏ...)

Xe mô hình của đồng bào dân tộc Dao đỏ mang biểu tượng Trống, kèn Pí lè.
Xe mô hình của đồng bào dân tộc Dao đỏ mang biểu tượng Trống, kèn Pí lè.

Nghề làm trống của người Dao đỏ Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tháng 11/2020.

Người Dao Đỏ Sa Pa còn nổi tiếng với dịch vụ tắm lá thuốc rất tốt cho sức khỏe. Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ có màu sắc rất rực rỡ. Đàn ông Dao Đỏ thường để tóc dài sau đó búi sau gáy hoặc búi chổm trên đầu. Y phục mặc thường ngày là quần áo ngắn hoặc dài với màu chàm, màu đen. Trang phục của phụ nữ người Dao Đỏ thì đa dạng hơn bởi quan niệm một bộ trang phục đẹp phải bao gồm 5 màu sắc và màu đỏ là màu chủ đạo.

Các nghệ nhân cùng diễn viên người Dao biểu diễn múa chuông, thổi kèn Pí lè truyền thống
Các nghệ nhân cùng diễn viên người Dao biểu diễn múa chuông, thổi kèn Pí lè truyền thống

Trang phục truyền thống của người Xa Phó mang ý nghĩa gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. gồm có hai phần: áo và chân váy. Cổ áo khoét hình vuông, thân áo được chia làm hai mảng, mảng trên (từ cổ đến ngang ngực) được đính hạt cườm thành các hình hoa văn đối xứng chạy dài xuống thân áo. Mảng dưới chủ yếu là thêu hoa văn hình cánh bướm, mái che và hoa văn zic zắc, ngoài ra còn kết hợp với hình cây thông, ngọn núi, ngôi sao… gam mầu chủ yếu là vàng, xanh và đỏ. Những hoa văn này mang ý nghĩa gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Xa Phó.

Xe mô hình mô phỏng cuộc sống thường ngày của người Xa Phó như làm vườn, thêu thổ cẩm và múa dân vũ.

Xe mô hình mô phỏng cuộc sống thường ngày của người Xa Phó như làm vườn, thêu thổ cẩm và múa dân vũ.

Trang phục của người Giáy có sự khác biệt giữa nam và nữ. Trang phục nam có áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Trang phục nữ phổ biến là loại áo ngắn xẻ nách. Cổ áo có đường viền xẻ nách từ vai trái sang phải, với đường viền và trang trí khác nhau và thường tương phản với màu nền áo.

Các nghệ nhân cùng các diễn viên biểu diễn múa gậy, múa khăn thổ cẩm và chuông trên nền nhạc dân tộc Xa phó
Các nghệ nhân cùng các diễn viên biểu diễn múa gậy, múa khăn thổ cẩm và chuông trên nền nhạc dân tộc Xa phó

Bộ trang phục người Mông ở Sa Pa, cả nam và nữ, khá tương đồng, màu đen là màu chủ đạo, chủ yếu được may bằng vải lanh. Người Mông Sa Pa có những đặc sản không thể quên: uống rượu bên nồi thắng cố, cùng thổi điệu khèn, điệu sáo và hãy hòa mình vào thiên nhiên.

Người dân tộc Tày được biết đến với điệu hát then truyền thống, mang đậm dấu ấn người dân tộc Tày ở nước ta. Hát then gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào dân tộc Tày. Ngày 13/12/2019, Nghi lễ Then của Người Tày đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xe mô hình của đồng bào Giáy
Xe mô hình  của đồng bào Giáy

Canaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu” được tổ chức với ý nghĩa là tri ân công đức của Thánh Mẫu, nhằm tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, mang giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao quyền năng, vai trò của người mẹ trong đời sống; đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống  trong lễ hội, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương, đất nước, hướng  mọi người  tới giá trị  chân - thiện – mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ