Theo kế hoạch, UBND thị xã Sa Pa sẽ tổ chức tuần lễ hội đền Mẫu Thượng năm 2022 từ 1-3/4, với sự tham gia của các Thanh Đồng, Cung Văn của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng văn hóa Việt Nam cùng hơn 100 nghệ sĩ diễn viên chuyên nghiệp.
Lễ hội được tổ chức với 7 hoạt động chính, gồm: Các chương trình nghệ thuật đặc sắc tâm linh và văn hoá; Festival “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lần II”; Canaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu”; Hội chợ Ẩm thực và nông sản Sa Pa; Diễu hành Kiệu rước; Lễ tế dân gian và dâng Mâm lễ; Lễ dâng hương đền Mẫu Thượng. Chương trình được tổ chức tại Sân Quần thị xã Sa Pa và tại các Di tích lịch sử văn hóa (LSVH) cấp tỉnh: Đền Mẫu Sơn, Đền Mẫu Thượng, Đền Hàng Phố - thị xã Sa Pa và Cung Mẫu (Quần thể tâm linh trên đình Fansipan).
Tuần lễ hội đền Mẫu Thượng Sa Pa 2022 sẽ chính thức khai mạc vào 19 giờ 30 phút ngày 2/4, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn như: Nghệ thuật khai từ “Rừng gọi”; chương trình sử thi nghệ thuật “Sa Pa - Linh thiêng cõi Mẫu”; chương trình nghệ thuật “Sa Pa - Những sắc màu văn hóa”. Chương trình có sự tham gia của trên 100 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh và Đội văn nghệ dân gian các dân tộc thị xã Sa Pa.
Ngoài ra, từ ngày 1-3/4 sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động hấp dẫn như: Chương trình Festival “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lần II”; hoạt động quy tụ các thanh đồng, cung văn do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng văn hóa Việt Nam tham gia thực hành các giá chầu theo tín ngưỡng thờ Tứ phủ; Carnaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu”, Carnaval dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu và chất liệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc của 6 dân tộc trên địa bàn thị xã Sa Pa (Mông, Dao, Tày, Giáy, Kinh và Xá Phó) phát triển thành loại hình nghệ thuật đường phố vui nhộn, hoạt náo và gây hiệu ứng tương tác với khán giả và du khách với các đoàn rước.
Bà Hoàng Thị Vượng – Trưởng phòng văn hoá thông tin thị xã Sa Pa cho biết: “Công tác chuẩn bị của toàn bộ chuỗi sự kiện cơ bản đã hoàn thành, kỹ lưỡng cả về điều kiện phòng chống dịch Covid, điều kiện thiên nhiên và nội dung chương trình. Các chương trình nghệ thuật và màn rước diễu đang được tập luyện rất kỹ lưỡng tại cơ sở và điểm tập kết. Nội dung cũng đã được duyệt sơ bộ, riêng hoạt động hội chợ đã thống nhất về mặt hàng truyền thống tiêu biểu đặc trưng của từng xã phường để trưng bày”.
“Đặc biệt hơn trong chuỗi sự kiện lần này, chương trình có liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Ban tổ chức đã mời hàng trăm Cung Văn, Thanh Đồng uy tín trên cả nước cùng tham dự và thực hành tín ngưỡng trong chương trình. Mục tiêu chính của chương trình nằm trong chủ trương hướng tới, Du lịch tâm linh được đưa vào là mô hình du lịch chính trong tương lai”, bà Vượng chia sẻ thêm.
Sự kiện là một trong những hoạt động trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Năm mùa của thị xã Sa Pa. Qua đó, nhằm giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Sa Pa giàu đẹp.
Sự kiện cũng nhằm khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa dân tộc Sa Pa. Mục tiêu vừa phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vừa quảng bá, thu hút khách du lịch đến với thị xã Sa Pa.