Nigeria: Giáo sư đại học - “Miếng mồi ngon” của những kẻ bắt cóc

GD&TĐ - Giới học thuật ở Nigeria cho biết đang trải qua tột cùng của “sợ hãi và lo lắng” sau hai vụ bắt cóc gần đây, khi các giảng viên đại học ở nước này trở thành nạn nhân của những kẻ thủ ác.

Giảng viên Kelvin Izevbekhai của Đại học Igbinedion bị bắt cóc và sát hại
Giảng viên Kelvin Izevbekhai của Đại học Igbinedion bị bắt cóc và sát hại

Tội ác gây chấn động

Theo thông tin từ truyền thông địa phương, hôm 19/5, Ủy viên Cảnh sát bang Edo, ông Mohammed DanMallam đã xác nhận, nạn nhân Kelvin Izevbekhai - một giảng viên tại Đại học Igbinedion, đã bị sát hại bởi nghi phạm. Theo cảnh sát, nhóm tội phạm này đã bắt cóc một xe buýt chở hành khách, trong đó có ông Izevbekhai. Nhiều thông tin cho rằng, vị giảng viên này đã bị bắn chết trên đường cao tốc Bénin-Lagos khi đang cố gắng trốn thoát khỏi những tay súng.

Trước đó vào ngày 5/5, Giáo sư Olayinka Adegbehingbe, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học Obafemi Awolowo ở thành phố Ile-Ife, đã bị bắt cóc khỏi xe riêng khi đang đi trên đường cao tốc Ife-Ibadan. Sau đó, vị giáo sư đã được thả do những kẻ bắt cóc đồng ý giảm số tiền chuộc từ 30 triệu NGN (83.000 USD) xuống còn 6 triệu NGN (hơn 16.000 USD).

Trước bối cảnh này, nhiều trang tin của Nigeria cho rằng, ngay cả những khu vực được coi là an toàn nhất của đất nước cũng đang phải hứng chịu bạo lực. “Mỗi ngày, báo cáo về các vụ bắt cóc, cướp có vũ trang, thổ phỉ, ẩu đả với nông dân, khiến người dân Nigeria dần trở thành bầy cừu mà không có người chăn”, tờ Guardian viết.

Liên đoàn Cán bộ Học viện các trường đại học (ASUU) và chi nhánh của Đại học Obafemi Awolowo (OAU) đã nhanh chóng đưa ra lời phát biểu trước vụ bắt cóc Giáo sư Adegbehingbe. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Punch, Chủ tịch ASUU, Tiến sĩ

Adeola Egbedokun cho biết, vụ việc đã khiến giáo giới cũng như sinh viên rơi vào tình trạng sợ hãi và lo lắng. “Nhiều khả năng, sự cố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của các nhân viên trong trường và đình trệ các hoạt động tại trường đại học này”, ông Egbedokun chia sẻ.

Theo ASUU, mặc dù nạn bắt cóc không còn quá xa lạ tại Nigeria, nhiều người dân nước này lo sợ rằng, bạo lực sẽ sớm xuất hiện ở cả những khu vực từng được coi là an toàn. “ASUU OAU cho rằng, bắt cóc vẫn thường diễn ra ở Nigeria. Tuy nhiên, vấn nạn này xuất hiện ở bang Osun - một trong những nơi yên bình nhất

Nigeria, là một vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại”, Liên đoàn nhấn mạnh. Mặt khác, ASUU cũng lên án gay gắt hành động của những kẻ bắt cóc Giáo sư Adegbehingbe và hy vọng các cơ quan an ninh của đất nước sẽ làm hết sức để đưa kẻ chủ mưu và đồng bọn ra ánh sáng.

Tổng thống phản ứng

Hai vụ án liên quan đến các học giả cùng nhiều vụ bắt cóc khác đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria Audu Ogbeh, Tổng thống đã vô cùng lo ngại khi nhiều công dân nước này đang kiếm sống nhờ vào “ngành công nghiệp bắt cóc”. “Những sai lầm của ngày hôm qua đang khiến chúng ta phải trả giá cho hôm nay. Con cái chúng ta tốt nghiệp từ các trường đại học và không thể tìm được một công việc tốt.

Vì vậy, những đứa trẻ đã chuyển sang một “ngành công nghiệp mới”, gây ra nỗi sợ hãi trong lòng tất cả mọi người, bao gồm cả bắt cóc, cướp giật và các hình thức phạm tội khác. Liệu đất nước này có thể chịu đựng được bao lâu trong những trường hợp như vậy? Liệu chúng ta sẽ tồn tại bằng cách nào, khi bắt cóc trở thành một nghề mới và một công việc kinh doanh mới?”, thay mặt Tổng thống, ông Audu Ogbeh cho biết. Nói về giải pháp cho vấn nạn này, Bộ trưởng Ogbeh khẳng định, các nhà chức trách đang nỗ lực trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân.

Trong một cuộc phỏng vấn với Truyền hình Nigeria vào đầu tuần trước, Tổng thống Buhari cho rằng an ninh chưa được thắt chặt là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực. “Những kẻ gây ra tội ác này đến từ một nơi nào đó ở Nigeria, những người cùng khu phố chắc chắn sẽ biết đến chúng. Các nhà lãnh đạo địa phương và cảnh sát cần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi. Chức vụ và đồng phục của họ không phải để gây ấn tượng với bất kỳ ai. Thay vào đó, việc quan trọng mà cảnh sát cần làm là bảo vệ người dân”.

Tổng thống cũng khẳng định, lực lượng an ninh Nigeria đã khiến đất nước thất vọng. Mặt khác, theo ông Buhari, hiệu quả làm việc của lực lượng quân đội có sự giảm sút, kể từ khi ông rời khỏi vị trí chỉ huy quân sự. “An ninh của đất nước đã thực sự đi xuống so với khi tôi còn chỉ huy”.

Nhiều nguồn tin cho rằng, vì những kẻ bắt cóc nhằm vào môi trường đại học nên Tổng thống Nigeria đã bất bình lên tiếng. Hầu hết người dân đều ủng hộ các chính sách của Tổng thống trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp và khiến bắt cóc không còn là “công việc hấp dẫn”. Tuy nhiên, không ít người lo sợ rằng, những biện pháp này là chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề.

Vấn đề kinh tế - xã hội

Theo Tiến sĩ Adewale Suothy thuộc Khoa Nghiên cứu quốc tế Đại học Olabisi Onabanjo, bang Ogun, bắt cóc là một vấn đề kinh tế và xã hội. Ông Suothy cho rằng, nền kinh tế hiện nay của Nigeria đã khiến nhiều nguồn lực của đất nước rơi vào tình trạng thất nghiệp, dẫn đến bạo lực ở khắp nơi trên cả nước.

Nữ Tiến sĩ Christiana Usondu, quản lý của Trung tâm Dạy nghề Thời đại mới ở Lagos cũng thể hiện sự đồng tình với ý kiến rằng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không hề có những kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức trong thị trường lao động hiện nay. Bà Usondu khẳng định đã “tranh luận tới cùng” tại nhiều diễn đàn khác nhau về chương trình giảng dạy mới, cung cấp cho sinh viên đại học những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết trong thế kỷ đổi mới và trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển.

“Chỉ có như vậy, chúng tôi mới có thể tạo ra một lực lượng lao động không còn bị thu hút bởi “nền công nghiệp bắt cóc”. 9% ngân sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề là không đủ để thực hiện giáo trình mới”, nữ Tiến sĩ nói về khó khăn cốt lõi trong việc triển khai chương trình giáo dục thay thế.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.