Nên tôn trọng cách xưng hô trong gia đình

Xưng hô ngoài công dụng nói lên vai vế, thứ bậc trong gia đình. Nó còn là một nét văn hóa cần gìn giữ.

Nên tôn trọng cách xưng hô trong gia đình

Người Việt ta có cách xưng gọi với người đối thoại khá rạch ròi, rõ ràng, ý nhị và văn hóa. Rất nhiều trường hợp, người nghe sẽ hiểu hoặc đoán được mối quan hệ, vai thứ giữa hai người. Nhất là người Nam bộ. Ví dụ: “Cậu đi chợ mua dùm chị vài ký trái cây” (là cách xưng hô của chị gái với em trai). Hay một cách xưng gọi thân mật, bình dân khác: “Dượng mày mời đám mà anh bận đi không được” (là lời anh vợ nói với em rể)...

Trong quá trình người Việt xuôi về phương Nam đã hình thành lối xưng hô theo thứ như anh hai, chị ba… kể cả người không có mối quan hệ ruột thịt vẫn gọi theo thứ như vậy. Người ta không gọi tên trực tiếp, ví dụ như anh Tấn, chị Hồng… vì như thế là hỗn, nhất là trẻ nhỏ nhất định sẽ bị cha mẹ quở mắng. Bây giờ thói quen văn hóa giao tiếp ấy đang dần mất đi. 

Cách xưng hô không những giúp ta phân biệt được thứ tự, vai vế mà còn chứng tỏ sự văn minh lịch sự

Cách xưng hô không những giúp ta phân biệt được thứ tự, vai vế mà còn chứng tỏ sự văn minh lịch sự

Chừng ba bốn thập niên trước, với em mình, khi còn nhỏ, anh chị trong nhà thường gọi là em, thậm chí mày tao hay thằng này con nọ. Nhưng khi người em lập gia đình, tức thì anh chị gọi em mình bằng chú hoặc cậu (em trai), dì hoặc cô (em gái). Hay anh chồng gọi em dâu bằng thím, chị chồng gọi em dâu bằng mợ… cho dù có mặt hay vắng mặt.  

Gọi như vậy sẽ nói lên sự tôn tri trật tự trong một gia đình có nền nếp, gia phong. Mặt khác đó cũng là sự xác tín rằng em mình đã trưởng thành nhằm cân nhắc trong ứng xử. Bên cạnh, xưng gọi như vậy cũng là cách gián tiếp dạy con cháu trong nhà biết cách xưng gọi cho nghiêm túc, phải phép. 

Người cha hay người mẹ khi con sai quấy cũng gọi con mình bằng con, xưng cha, mẹ chứ không “mày tao mi tớ”. Họ tin rằng xưng hô như vậy, họ sẽ kiềm chế được cơn nóng giận thái quá, không gây tổn thương cho con mình một cách đáng tiếc. 

Vợ chồng cãi vã nhau mà vẫn một mực xưng anh - em, tui - mình thì câu chuyện chắc chắn sẽ ít căng thẳng hơn.

Vợ chồng cãi vã nhau mà vẫn một mực xưng anh - em, tui - mình thì câu chuyện chắc chắn sẽ ít căng thẳng hơn.

Gần đây người viết có chứng kiến cảnh một người đàn ông chừng tuổi bốn mươi, cãi vã với cô gái chừng ngoài hai mươi, ở trạm xe buýt. Qua câu chuyện, đoán biết họ hoàn toàn xa lạ. Sự xung đột đến “cao trào” mà “hai đàng” vẫn còn xưng gọi anh, em. Và cũng chính vì họ không dẫm lên “đường ranh” văn hóa xưng gọi nên họ có một kết thúc có hậu, không đi đến cuộc “khẩu chiến” hay ấu đả tồi tệ.

Tất nhiên không phải trong hoàn cảnh nào, trường hợp gì cũng đều xưng gọi “ngọt ngào” được. Có khi con người ta cũng nổi giận theo cung bậc trạng thái, cảm xúc mà không giữ được, hoặc không cần giữ cách xưng gọi. Rồi “vãi ra” mày, tao, hắn, nó, lũ khốn, đám gian manh… cũng là lẽ thường tình. Song, dù sao vẫn còn ý thức được cách xưng gọi như người đàn ông và cô gái vừa kể trên, hay đi theo “chủ nghĩa” “chín bỏ làm mười” của ông bà ta dạy thì mọi điều sẽ tốt hơn.

Tiếc thay thế hệ trẻ bây giờ quá nhiều người xem nhẹ cách xưng gọi. Người lớn hơn mình năm bảy tuổi, lại có ăn học đàng hoàng, có địa vị xã hội vẫn bị họ san bằng vai thứ. Cứ mày, tao. Nói chuyện với bậc chú bác thì ngữ điệu ngang phè, “nói trỏng” như bạn bè, không hề phân biệt “chiếu trên chiếu dưới” gì cả. Ấy là chưa nói đến mỗi ngày, trong xã hội càng có nhiều người trẻ, nói chuyện với người lớn tuổi bằng cô chú vẫn “tui với ông, tui với bà”, có khi còn chửi thề một cách rất hồn nhiên. Thật đáng lo ngại! 

Cách xưng hô trong giao tiếp tưởng bình thường nhưng thật ra rất hệ trọng.

Cách xưng hô trong giao tiếp tưởng bình thường nhưng thật ra rất hệ trọng.

Cách xưng hô không những giúp ta phân biệt được thứ tự, vai vế mà còn chứng tỏ sự văn minh lịch sự, trong nhiều trường hợp cách xưng hô còn giúp chúng ta tỏ thái độ ôn hòa, nhã nhặn, giảm bớt căng thẳng trong tranh cãi. Tỷ như, hai vợ chồng cãi vã nhau mà vẫn một mực xưng anh - em, tui - mình thì câu chuyện chắc chắn sẽ ít căng thẳng hơn. 

Quả thật, cách xưng hô trong giao tiếp tưởng bình thường nhưng thật ra rất hệ trọng.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ