Nền tảng xây dựng công dân số

GD&TĐ - Để tiếp cận thông tin, các trường học đã chủ động khai thác không gian mạng để lồng ghép giáo dục cho học sinh về văn hóa – đạo đức, an ninh mạng và trách nhiệm công dân.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đội cộng tác viên truyền thông fanpage của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) được Đoàn trường giao “chỉ tiêu” mỗi ngày sưu tầm, biên tập và đăng ít nhất một tin người tốt việc tốt; mỗi tuần ít nhất 3 câu chuyện mang thông điệp ý nghĩa, có sự lan tỏa tích cực. Với quan điểm nếu tăng số lượng tin tốt lên thì tin xấu trên mạng xã hội sẽ giảm đi.

Fanpage Tuổi trẻ Trường THPT Hoàng Hoa Thám có hơn 6.000 lượt theo dõi, là kênh thông tin chính thống được học sinh nhà trường thường xuyên truy cập và chia sẻ. Đây còn là cổng thông tin giải đáp thắc mắc của học sinh, tư vấn hướng nghiệp và giáo dục. Việc cập nhật thường xuyên các tin tốt, Đoàn trường đã góp phần đẩy lùi những thông tin sai lệch, tiêu cực trên mạng xã hội, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh.

Nhiều học sinh ở bậc THCS bắt đầu sử dụng điện thoại di động, thậm chí là điện thoại thông minh để làm phương tiện liên lạc với phụ huynh và bạn bè. Có thể các em vì quy định của nhà trường, không sử dụng điện thoại trong lớp học nhưng gần như học sinh nào sử dụng điện thoại thông minh đều có tài khoản mạng xã hội. Không thể cấm học sinh sử dụng mạng xã hội, các trường học đã sớm có hoạt động để định hướng, giúp các em phát huy mặt tốt của trang mạng xã hội mà phổ biến nhất là Facebook và sử dụng một cách có hiệu quả, đúng phát luật. Tận dụng tất cả tiện ích của mạng xã hội để lan tỏa đến học sinh ý thức cộng đồng, tuyên truyền những hình ảnh đẹp, tấm gương tốt…

Hầu hết, thầy cô giáo trẻ đều sử dụng Facebook và thường có kết nối với học sinh. Khi đó, mạng xã hội trở thành một kênh giao tiếp, có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm, biết được các em nói gì, làm gì trên không gian ảo ấy. Nhiều trường học đã khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập. Thực tế có trường lập trang Facebook cho một môn học nào đó và qua đó các em cũng như giáo viên trao đổi rất thoải mái về môn học.

Năm học nào Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cũng tổ chức hội thảo cho về chuyên đề xây dựng công dân số. Trong đó, gợi ý nhiều cách thức để học sinh tận dụng không gian mạng phục vụ học tập, biết phân biệt tin giả và tin thật, có trách nhiệm với từng nút like, share cũng như những bình luận của bản thân. Đã có không ít câu chuyện đau lòng mà nguyên nhân là do một bộ phận học sinh thiếu kỹ năng khi tham gia mạng xã hội đã dẫn đến vi phạm pháp luật. Có những vụ bạo lực học đường bắt nguồn từ bình luận cạnh khóe, trêu chọc, thậm chí là xúc phạm, lăng mạ trên mạng.

Việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trên không gian mạng phụ thuộc nhiều vào hành vi của mỗi người sử dụng. Thế nhưng, ít nhất nó phải bắt đầu bằng việc học sinh được trang bị những nền tảng tối thiếu để không rơi vào tình huống vi phạm pháp luật. Tận dụng không gian mạng để triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên cũng là phương cách để ngành Giáo dục xây dựng nền tảng cho những công dân số tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ