Cách thức triển khai việc chấn chỉnh vỉa hè được đa số người dân đồng tình, ủng hộ nhưng vẫn có ý kiến trái chiều, chưa thống nhất cho rằng việc triển khai còn máy móc, cứng nhắc, chưa có phương án bố trí nơi mua bán, giải quyết việc làm cho người bán rong, chỗ đậu xe còn thiếu…
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những bất cập trong việc sắp xếp, bố trí địa điểm bán hàng rong cho những người mưu sinh bằng nghề này. Thực tế hoạt động bán hàng rong trên vỉa hè là một nét đặc trưng, văn hóa hay còn gọi là “kinh tế đường phố” ở các đô thị Việt Nam, nhất là TPHCM.
Gánh hàng rong đã có từ xa xưa, đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận khá lớn người dân ở đô thị, nhất là người nghèo, giúp họ duy trì cuộc sống.
Do đó, việc cấm bán hàng rong trên vỉa hè đã ảnh hưởng tiêu cực, xáo trộn cuộc sống của những người mưu sinh trên đường phố, vỉa hè. Bên cạnh đó, chính vì chưa sắp xếp được chỗ cho người bán hàng rong buôn bán nên cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác chấn chỉnh vỉa hè, lòng đường.
Bởi vì, khi vỉa hè gắn chặt với đời sống thiết thân của họ nên chắc chắn những người bán rong sẽ không dễ gì từ bỏ, sẵn sàng vi phạm trở lại. Minh chứng là nhiều khu phố vỉa hè vừa được dẹp hôm trước thì hôm sau đã bị hàng rong lấn chiếm trở lại như cũ.
Vì vậy, ngoài việc sắp xếp, gom những người bán hàng rong vào buôn bán tại một số địa điểm cố định như cách làm hiện nay, cơ quan chức năng cần xem xét đánh dấu ngay trên vỉa hè những điểm được phép bán hàng rong.
Theo quan sát của chúng tôi thì rất nhiều tuyến đường ở TPHCM có vỉa hè khá rộng, thông thoáng có thể đủ chỗ cho các gánh hàng rong và cả người đi bộ. Ngoài ra, hầu hết các đường phố dù có ngay ngắn, thẳng đều như thế nào thì cũng vẫn có những điểm lồi, lõm tự nhiên hoặc các khoảng trống như điểm giao nhau giữa các khu phố hay không gian bên dưới các công trình công cộng… Những không gian tự nhiên, khoảng trống trên vỉa hè ở các con đường của những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội thì vẫn còn khá nhiều.
Việc gom những người bán hàng rong vào một chỗ cũng bộc lộ khiếm khuyết, vì đã gọi là hàng rong nên phải thường xuyên di chuyển lúc chỗ này, lúc chỗ khác hoặc nằm rải rác thì mới bán được nhiều hàng, có nhiều khách. Vì thế, nếu tập trung vào một chỗ thì khó cho người bán cũng như người mua, thực tế nhiều trường hợp dù đã được bố trí địa điểm cố định nhưng khách hàng vẫn không muốn vào.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần triển khai việc đánh dấu các địa điểm được phép bán hàng rong ngay trên vỉa hè của các tuyến phố. Điều này vừa tạo điều kiện cho những người bán rong có thể mưu sinh, giải quyết việc làm cho người nghèo dựa vào đường phố, vỉa hè. Đồng thời, có thể lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng lâu đời về gánh hàng rong, sinh hoạt ẩm thực vỉa hè của đô thị Việt Nam.