Ai “bôi bẩn” phố phường Hà Nội?

GD&TĐ - Những quán ăn vỉa hè từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và mưu sinh của nhiều người dân Hà Nội. Đất chật, người đông, nhiều hộ đã tận dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, trong đó có hàng ăn uống. 

Ai “bôi bẩn” phố phường Hà Nội?

Song, thực tế tại rất nhiều quán ăn, nạn xả giấy, rác bừa bãi xuống vỉa hè khiến bộ mặt của Thủ đô trở nên nhếch nhác, lộn xộn, mất mỹ quan...

Tùy tiện xả rác

Thực tế cho thấy, việc lấy vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh hàng ăn uống không chỉ có tại khu vực trung tâm Thủ đô mà có ở hầu hết các quận, huyện. Tại bất kỳ con phố nào, thậm chí là đầu các ngõ, ngách, gần các cổng trường học, bệnh viện... đều có quán ăn, hàng rong vỉa hè. Có quán chỉ hoạt động vào buổi sáng (từ 6 giờ đến 9 giờ); có nơi lại chuyên phục vụ ăn tối, ăn đêm (hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ), hay quán ăn trưa phục vụ công chức, người lao động...

Với đặc tính bám vỉa hè để kinh doanh, không gian thoáng, đồ ăn uống đa dạng, giá cả phải chăng... thì quán ăn vỉa hè là sự lựa chọn của nhiều người. Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đa số các chủ cửa hàng ăn uống bố trí sọt đựng rác, song nhiều thực khách vẫn chưa ý thức bỏ rác vào sọt, trong khi chủ hàng ngại không nhắc nhở, nên tình trạng xả rác bừa bãi diễn ra khá nhiều ở các hàng ăn vỉa hè hiện nay.

Có mặt lúc 19 giờ 30 (ngày 8/12) tại ngã tư phố Phủ Doãn - Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), chúng tôi thấy cả đoạn vỉa hè dài gần 10m, ban ngày là nơi hàn ống xả và sửa chữa xe máy nhưng buổi tối biến thành hàng ăn, dù đơn giản chỉ là loạt bàn ghế nhựa kê ra. Nhưng quán ăn đêm ở đây khá đắt khách, người này vừa ăn xong đứng lên đã có người khác đứng chờ chen chân ngồi vào.

Mặc dù chủ hàng đã bố trí sọt rác để ngay dưới gầm bàn, song rất nhiều người sau khi lấy giấy ăn lau đũa, thìa... là vứt ngay xuống đất. Quán đông, chủ hàng không quản và nhắc khách vì lo nếu nhắc nhở sẽ mất khách, nhân viên lại chỉ dọn trên mặt bàn sau khi khách ăn xong. Do đó, chỉ sau một vài loạt khách đến ăn, cả đoạn vỉa hè “trắng xoá” bởi giấy ăn do khách vứt xuống.

Dạo một vòng qua một số tuyến phố có nhiều hàng ăn đêm vỉa hè trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... chúng tôi nhận thấy, cửa hàng bố trí toàn bộ số bàn ghế ra vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi. Lượng khách đến ăn tại các quán rất đông, song toàn bộ giấy ăn, xương, rác thải khác... đều được vứt xuống đất, thậm chí tràn cả xuống cả lòng đường, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Không những xả rác bừa bãi ra vỉa hè, lòng đường, lượng dầu mỡ, mắm, muối, rau cỏ... rơi vãi ra vỉa hè trong quá trình khách ăn uống đã làm cho cả đoạn vỉa hè luôn trong tình trạng nhớp nhúa, trơn trượt gây phản cảm.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Với nhiều quán ăn, hàng rong vỉa hè, chỉ sau khi hết hàng, hay lúc vãn khách, việc thu dọn giấy ăn, rác thải mới được quét dọn. Song, cũng có nhiều hàng quán lại gây thêm những vất vả cho công nhân vệ sinh môi trường (VSMT) khi dọn hàng không thu gom rác thải.

Theo đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, hàng rong, quán ăn vỉa hè tồn tại tràn lan trên các tuyến phố của Thủ đô. Hoạt động của các quán ăn này chủ yếu ở những mốc thời gian nhất định: Đầu giờ sáng, trưa, chiều tối. Việc khách hàng sử dụng giấy ăn lau bát, đũa rồi vứt ngay xuống chân diễn ra phổ biến. Trong khi đó, công nhân VSMT chủ yếu chỉ đi thu dọn bên ngoài lề đường, trên vỉa hè (trong phạm vi hàng ăn) thì chủ hàng chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, phần lớn chủ hàng cũng chỉ quét dọn sau khi bán xong, hoặc có nơi họ bỏ bừa không quét dọn. Không chỉ khiến công nhân VSMT nhiều việc hơn, nhiều hàng quán sắp xếp phương tiện (ô tô, xe máy) của khách đến ăn ngay dưới lòng đường, khiến việc triển khai cơ giới hoá thu gom rác gặp không ít khó khăn.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa bàn của Hà Nội cho thấy, nơi nào cũng biết việc bán hàng quán vỉa hè, hàng rong là vi phạm trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông, tuy nhiên việc xử lý không dễ. Điển hình là vi phạm tại khu vực Bệnh viện Phụ sản T.Ư - đây là địa bàn giáp ranh giữa 3 phường: Hàng Bông, Trần Hưng Đạo, Hàng Trống (Hoàn Kiếm), do vậy phường này ra quân dẹp, hàng rong lại chạy sang phường kia bán.

Chính việc chưa có phối hợp chặt chẽ giữa các phường trong việc xử lý đã khiến tình trạng hàng rong, quán ăn uống buổi trưa, tối tại đây trở nên nhếch nhác, lộn xộn mất mỹ quan đô thị.

Nhằm khắc phục tình trạng hàng rong, quán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xả rác thải gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đồng thời bảo đảm VSATTP, các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại cần có biện pháp xử lý triệt để, cùng các chế tài xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho chủ quán và người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường tại các quán ăn trên toàn địa bàn gây mất mỹ quan đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ