Nên kiên định mục tiêu vì học sinh

GD&TĐ - “Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã thể hiện mục tiêu vì học sinh, tôn trọng lợi ích của từng học sinh. Dù có một số điểm còn trục trặc, nhưng mục tiêu đó vẫn phải kiên định, không nên giao động” 

Nên kiên định mục tiêu vì học sinh

Đó là lời gửi gắm của GS Hồ Ngọc Đại, người dám đổi mới và vì thế luôn ủng hộ sự đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Quy định trong xét tuyển ĐH thể hiện sự tôn trọng đối với từng học sinh

Khi nhận định về những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một chủ trương tốt; cách làm cũng tốt. Tiêu chuẩn cuối cùng phải là vì lợi ích của học sinh, tôn trọng sự chọn lựa của cá nhân học sinh, tạo cơ hội cho học sinh chọn lựa.

Có thể nói kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã làm được những điều đó. Tuy nhiên, nên tách rõ hai việc: Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và sử dụng kết quả của kỳ thi THPT ấy.

 GS Hồ Ngọc Đại

Nói riêng về cách sử dụng kết quả thi, năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sau khi biết kết quả thi, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh chọn lựa, như: 

Công khai phổ điểm, tổng điểm theo từng khối thi; yêu cầu các nhà trường công khai danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển, cho phép thay đổi nguyện vọng… Từ đó, tránh được tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, thí sinh điểm thấp hơn lại đỗ như từng xảy ra ở các kỳ thi trước

“Tôi tôn trọng tư tưởng và cách xử lý thực tiễn của Bộ GD&ĐT. Điểm thi đã có, việc dùng điểm như thế nào là quyền của thí sinh. Đó là cách cư xử thể hiện sự tôn trọng đối với từng học sinh mà Bộ đã làm được. Việc này là đúng với chủ trương, cần kiên quyết bảo vệ, dù có trục trặc nữa cũng cần bảo vệ, bởi lợi ích cuối cùng của giáo dục là vì lợi ích của từng học sinh.

Tôi còn nhớ, một lần Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phát biểu trước Quốc hội: “Trước đây, chúng ta dạy một lớp 40 học sinh, bây giờ chúng ta phải dạy 40 học sinh trong một lớp”. Điều đó có nghĩa là phải chú ý đến từng học sinh, tôn trọng lợi ích từng học sinh một. Đường lối ấy nên bảo vệ đến cùng” – GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.

Việc Bộ GD&ĐT cho thí sinh 4 nguyện vọng và được phép thay đổi nguyện vọng trong cả đợt xét tuyển đầu tiên, theo GS Hồ Ngọc Đại là việc làm nhân văn. Tuy nhiên, giáo sư cũng cho rằng, việc định hướng chọn trường, chọn ngành, học sinh nên làm từ sớm và có trách nhiệm, tránh tình trạng giao động, chuyển từ trường này sang trường khác trong thời điểm tuyển sinh.

Cần chuẩn bị kỹ hơn việc truyền thông

"Chuyện có một số trục trặc khi triển khai cái mới là không tránh khỏi. Nhưng, nên hoan nghênh cách làm mới của Bộ GD&ĐT. Nếu có ý kiến đóng góp nên theo hướng để tiếp tục làm tốt hơn, chỉn chu hơn nữa, chứ không phải để phá bỏ nó, thay cách làm khác" - GS Hồ Ngọc Đại.

Khi nói đến việc một bộ phận phụ huynh bức xúc trong đợt xét tuyển vào ĐH, CĐ đầu tiên do phải đi lại nhiều lần rút – nộp hồ sơ, GS Hồ Ngọc Đại lý giải:

Có hai lý do: Thứ nhất là do dân mình quen “tiêu tiền mặt”, tức là khi muốn mua hàng phải cầm tiền mặt đến tận nơi, nhìn thấy hàng tận mắt. Tương tự như vậy, thí sinh, phụ huynh muốn thay đổi nguyện vọng phải cầm hồ sơ đến tận trường, trao tận tay mới yên tâm. Còn qua mạng, qua bưu điện nhiều người vẫn chưa tin.

Thứ hai là phản ứng tự nhiên với những điều mới lạ, nếu xưa nay chưa làm thế bao giờ, nay làm khác là e ngại. “Phản ứng kiểu này chính tôi cũng đã gặp phải nhiều lần. Nhưng mình phải bảo vệ cái mình cho là đúng” – GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Góp ý thẳng thắn với Bộ GD&ĐT, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, những trục trặc xảy ra do còn có những chuẩn bị chưa thực sự kỹ về công luận. “Tôi xem ti vi, thấy việc nộp thuế qua mạng được quảng cáo rất nhiều lần, với nhiều hình thức rất phong phú. Từ đó càng thấy việc đổi mới thi cử của Bộ Giáo dục – Đào tạo cần truyền thông nhiều hơn nữa” – Ông nói.

Bài học rút ra từ kỳ thi này, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng tình trong dư luận, để dư luận hiểu rõ cái mới, GS Hồ Ngọc Đại cũng cho rằng: Để học sinh tự chọn là đúng vì thí sinh tốt nghiệp lớp 12 cũng đã 18 tuổi, cần có trách nhiệm với sự lựa chọn ấy sớm hơn, kỹ càng hơn.

Bên cạnh đó, phải dùng công nghệ thông tin, công nghệ mới để thực hiện việc xét tuyển. “Chúng ta không phải lo các học sinh vùng sâu, vùng xa thiếu điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, một là vì các em đã lớn tuổi và thứ hai, các trường THPT thường đóng ở trung tâm huyện” – GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm.

Với kỳ thi sang năm, giáo sư bày tỏ niềm tin “chắc chắn sẽ khác”, vì học sinh đã không còn bỡ ngỡ như năm nay.

Riêng với một số điều còn chưa được như ý trong đợt xét tuyển vừa qua, giáo sư cho rằng: Chuyện có một số trục trặc khi triển khai cái mới là không tránh khỏi. Nhưng, nên hoan nghênh cách làm mới của Bộ GD&ĐT. Nếu có ý kiến đóng góp nên theo hướng để tiếp tục làm tốt hơn, chỉn chu hơn nữa, chứ không phải để phá bỏ nó, thay cách làm khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ