Tuyển sinh thành công và chất lượng đầu vào ổn định
Tính đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã hoàn thành công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới 2015 - 2016, đón chào các tân sinh viên - “sản phẩm” đầu tiên từ Kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Trường Đại học Vinh, trong năm học này đã đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với hơn 5.000 sinh viên của 43 mã ngành. Nói về công tác tuyển sinh đầu vào của nhà trường, lấy kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm dữ liệu xét tuyển, GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng ĐH Vinh - cho biết:
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã tuyển đủ chỉ tiêu, chất lượng đầu vào ổn định, phổ điểm khá cao, cao nhất là các ngành sư phạm. Những thí sinh đạt điểm cao nhất ở các khoa đạt điểm từ 25 – 27 điểm. Cho đến thời điểm này, có thể nói, Kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh của nhà trường đã thành công và đạt được kết quả tốt đẹp”.
Nhìn lại Kỳ thi THPT quốc gia 2015, GS.TS Đinh Xuân Khoa đánh giá: Đây là kỳ thi giảm được rất nhiều áp lực thi cử cho thí sinh và người nhà, và trên tổng thể, tiết kiệm được chi phí cho toàn xã hội.
Thực chất, Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã gộp ít nhất 4 kỳ thi lại làm một: Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học đợt 1, thi đại học đợt 2 và thi cao đẳng, cùng sử dụng chung 1 dữ liệu để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ trên cả nước.
Về cách thức tổ chức kỳ thi, GS.TS Đinh Xuân Khoa nhận định: Mặc dù Kỳ thi THPT quốc gia 2015 lần đầu tiên được tổ chức, nhưng nó không hoàn toàn mới mẻ, mà kế thừa được những gì có lợi nhất của kỳ thi 3 chung trước đó, để tổ chức kỳ thi quốc gia sử dụng cho nhiều mục đích. Có được điều này là sự chuẩn bị lâu dài từ trước đến nay cũng khái quát từ thực tiễn đến lý luận.
Phần xét tuyển đại học, kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia, được sử dụng làm dữ liệu chung, chính xác, khách quan và tin cậy để các trường ĐH, CĐ tổ chức xét tuyển đầu vào. Hệ thống phần mềm của Bộ giúp đảm bảo cơ sở dữ liệu, đăng ký, nộp rút hồ sơ được an toàn thống nhất.
Đối với Trường Đại học Vinh, trong đợt 1 xét tuyển, trường tuyển được 80% chỉ tiêu, đợt 2 số học sinh đến nhập học chiếm 50% so với số lượng hồ sơ đăng ký.
Qua đó, nhận thấy, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và lấy dữ liệu xét tuyển ĐH, CĐ đã giảm được lượng hồ sơ ảo, nhất là trong đợt tuyển sinh đầu tiên.
Với tư cách chủ trì Cụm thi số 25 tại Nghệ An và Hà Tĩnh, cụm thi có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất với hơn 37.000 thí sinh dự thi, Trường ĐH Vinh vừa là đơn vị tham gia vào khâu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2015, vừa chịu ảnh hưởng của khâu xét tuyển ĐH, ông Đinh Xuân Khoa cho ý kiến:
Để tổ chức tốt hơn Kỳ thi THPT quốc gia cho năm sau, ngành Giáo dục cần chuẩn bị tốt hơn hạ tầng công nghệ thông tin, để đảm bảo cho các thí sinh tham gia xét tuyển ĐH, CĐ được thuận lợi, nhanh chóng, và không gặp sự cố.
Đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ 2015 có tình trạng quá tải trong việc đăng ký hồ sơ, dẫn đến sự phân tâm nhất định trong xã hội, nhưng ở đợt 2, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh kịp thời, phù hợp nên quá trình xét tuyển diễn ra thuận lợi, ổn định hơn.
Mặt khác, giữa các trường ĐH, CĐ cũng phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, phối kết hợp với nhau để “phân làn” thí sinh đăng ký xét tuyển, theo nhu cầu và yêu cầu tuyển sinh của mình.
Tạo động lực cho sự thay đổi trong các cơ sở giáo dục
Lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, về mặt kỹ thuật vẫn cần những thay đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, mục đích của kỳ thi là tốt đẹp, tạo quyền chủ động cho thí sinh, cũng như tăng cơ hội, nhiều lựa chọn cho thí sinh vào ĐH, CĐ hoặc học nghề. Đồng thời, qua đó, tạo chuyển biến trong giáo dục bậc phổ thông và phân tầng giáo dục bậc ĐH, CĐ - GS.TS Đinh Xuân Khoa khẳng định.
Theo đánh giá chung của giáo viên sau Kỳ thi THPT quốc gia, cấu trúc đề thi vừa đảm bảo kiến thức cơ bản, vừa phân loại học sinh khá giỏi.
Hơn nữa, kỷ luật trường thi được thực hiện nghiêm túc, các trường hợp vi phạm quy chế thi được xử lý nghiêm khắc, giúp cho kỳ thi năm nay đảm bảo tính khách quan và công bằng, tạo sự tin tưởng cho thí sinh và phụ huynh.
Đồng thời, với cấu trúc đề thi như thế này, sẽ giúp các trường ở bậc phổ thông định hướng lại việc dạy và học. Một mặt, hướng học sinh học đều, không học lệch, hoặc chỉ học mỗi năm lớp 12. Giảm rõ rệt tình trạng dạy thêm, học thêm, mở lò luyện thi tràn lan như những năm trước.
Mặt khác, khuyến khích các em tìm hiểu các kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội… học kỹ năng sống, tăng cường trải nghiệm của bản thân. Từ đó, giúp học sinh có phông kiến thức nền nhất định để định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau THPT.
Còn đối với các trường ĐH, CĐ, với hình thức thi và xét tuyển như thế này, các trường bị thụ động trong công tác tuyển sinh. Và để thu hút học sinh đăng ký nộp hồ sơ, các trường ĐH phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật thiết bị… Từ đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường để tạo sức thu hút học sinh.
Trong xu thế hiện nay, khi coi giáo dục đào tạo như là một dịch vụ công, thì phụ huynh và thí sinh chính là khách hàng của ngành, và làm nên thương hiệu của trường.
GS.TS Đinh Xuân Khoa cho biết: Trường ĐH Vinh trong 3 năm gần đây giữ ổn định không tăng quy mô tuyển sinh, mục đích tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
Kết quả của kỳ thi và kết quả của việc xét tuyển đại học chính quy của nhà trường đã khẳng định thương hiệu Trường Đại học Vinh - Trường ĐH trọng điểm quốc gia.
Nhưng đồng thời, bản thân trường cũng tiếp tục nỗ lực đổi mới hơn nữa, để cạnh tranh với các trường ĐH khác trên cả nước, thu hút lượng sinh viên đầu vào có chất lượng.
Đó là cơ sở để trường phấn đấu trở thành thành viên của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á, với hệ thống đào tạo liên ngành chất lượng cao, hiện đại.