(GD&TĐ) - Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là “cuộc chiến đấu” cuối cùng trong bậc THPT cũng là trong đời học sinh phổ thông của mỗi em học sinh.
Lễ khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng coi thi THPT và bổ túc THPT huyện Bắc Hà(Lào Cai). ảnh gdtd.vn |
Tấm bằng tốt nghiệp THPT là một mốc son quan trọng trên chặng đường học tập dưới mái trường phổ thông, sẽ giúp các em có cơ hội tiếp tục chiếm lĩnh tri thức nhân loại trong các Nhà trường chuyên nghiệp những năm tới, hoặc có thể có những em sẽ bước vào đời ngay với hành trang quý báu đó.
Trong Quy chế thi, khoản 3 điều 22 có quy định: “Trước khi tiến hành buổi thi đầu tiên, Hội đồng coi thi phải tập trung toàn bộ thí sinh… để tổ chức khai mạc kì thi”. Có lẽ không nên hiểu phải khai mạc thi vào sát trước giờ thi (vì sẽ gặp nhiều khó khăn). Thế thì nên khai mạc thi từ chiều hôm trước vì trước ngày thi, cuộc họp toàn thể Hội đồng thường chỉ diễn ra gói gọn trong buổi sáng, buổi chiều các giáo viên coi thi chơi. Nếu bố trí khai mạc thi vào buổi chiều hôm họp phiên họp đầu tiên của toàn thể Hội đồng sẽ có nhiều ưu điểm sau:
- Thời gian khai mạc có nhiều.
- Khai mạc xong, học sinh học quy chế để mai đỡ quên.
- Học quy chế xong, học sinh thong thả xem lại lịch thi, vật dụng được phép mang vào phòng thi, các em biết phòng thi của mình ở chỗ nào (vì lúc đó theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng coi thi mới niêm yết xong sơ đồ Hội đồng thi, danh sách thí sinh ở các phòng thi).
- Sáng hôm sau, học sinh nhà xa trường, trời mưa, không dễ đi xe, … cũng không lo muộn để đến dự khai mạc từ lúc 6 giờ 30 sáng.
- Tháng 6 hàng năm ở các tỉnh miền núi phía bắc là mùa mưa nên hay có mưa, nếu khai mạc thi từ buổi chiều hôm trước ngày thi mà gặp mưa thì sẽ dễ xử lí hơn so với buổi sáng thi môn đầu tiên. Nhiều trường không có hội trường to, phải khai mạc ngoài trời, gặp mưa rất vất vả.
- Phóng viên muốn quay phim, phỏng vấn giám thị, học sinh để tuyên truyền, đưa tin về kì thi cũng thoải mái thời gian và không vi phạm quy chế thi.
Vũ Thanh Thông