Có thể nói, sau bao nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng chống dịch bệnh của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, người dân tin tưởng “bão dịch” Covid-19 đã “giảm nhiệt” và không còn ở mức “báo động đỏ”. Bằng chứng là, Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 21/2, đã 8 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Trong số 16 trường hợp dương tính với Covid-19, 15 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân còn lại đang tiến triển khả quan; hiện còn 28 trường hợp nghi ngờ vẫn đang được theo dõi, cách ly… Kết quả khả quan này khiến nhiều người đặt vấn đề: Có nhất thiết phải kéo dài thời gian nghỉ học cho HSSV để tiếp tục phòng tránh dịch bệnh.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã đặt vấn đề cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào đầu tháng 3. Riêng TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3/2020. Tuy nhiên, bao giờ cho học sinh đi học trở lại vẫn còn là câu hỏi nhận được nhiều ý kiến trả lời khác nhau. Theo ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng đã khuyến nghị, với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho HSSV đi học trở lại.
Thực ra, theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho HSSV nghỉ học… Vì thế, nếu chúng ta tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thực hiện chương trình giáo dục… Bộ GD&ĐT đang xem xét phương án cho HSSV đi học trở lại từ ngày 2/3 tới.
Trao đổi với giáo viên, HSSV, không ít người bày tỏ muốn quay trở lại bục giảng để tiếp tục công việc giảng dạy và học tập. Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên kéo dài thời gian nghỉ học khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đối với học sinh THPT, có thể tổ chức cho các em đi học trở lại ngay tuần tới.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần bình tĩnh, không nên nóng vội quyết định. Mọi quyết định cần được dựa trên cơ sở khoa học và bám sát với tình hình thực tiễn của dịch bệnh Covid-19. Tất nhiên, chúng ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp nhất.
Song dù là phương án nào đi chăng nữa vẫn phải bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ. Các cơ sở giáo dục cần triển khai các giải pháp vệ sinh môi trường, tiêu trùng, sát khuẩn và hạn chế một số hoạt động ngoại khoá, tập trung đông người…
Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, chúng ta chỉ có thể khiến xã hội, phụ huynh yên tâm đưa con trở lại trường học, khi thực sự làm tốt các công tác đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống dịch bệnh; đồng thời phải công khai minh bạch quy trình kiểm soát và đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở trường.