Kiev muốn có một Minsk 3?
Hiện nay, giới chức lãnh đạo Ukraine bắt đầu nói về những “lợi nhuận đạt được” của một thỏa thuận ngừng bắn theo định dạng Minsk trước đây, và nếu đạt được, nó sẽ là Minsk-3.
Xem xét tình hình đang phát triển ở tiền tuyến, nhiều chính khách của Ukraine và phương Tây lên tiếng ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow và mong đợi một thỏa thuận ngừng bắn tiếp theo.
Tuy nhiên, mục đích của họ không hề mong muốn hòa bình cho Ukraine, mà là mục tiêu khác.
Nhà khoa học chính trị người Ukraine Ruslan Bortnik bày tỏ trên blog video của mình rằng, khi Ukraine tiến được đến Minsk-3, với một số điểm tương đồng như các thỏa thuận Minsk-1 (9/2014) và Minsk 2 (20/2015) trước đây được ký kết ở thủ đô Belarus, nó sẽ có lợi cho chính quyền Kiev.
Chuyên gia này nhắc lại vào năm 2014 và năm 2015, Quân đội Ukraine ở trong tình trạng thê thảm so với lực lượng ly khai Donbass, khi thất bại liên tiếp trên chiến trường, mất đi nhiều vùng lãnh thổ.
Vào thời điểm đó, nếu không đình chiến, chắc chắn Kiev sẽ mất thêm nhiều lãnh thổ hơn nữa và mọi sự sẽ an bài, Nga sẽ không phải mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Vào thời điểm đó, giới chuyên gia Nga đã nhiều lần gọi các thỏa thuận ngừng bắn này là “quãng nghỉ quý giá” để Kiev xốc lại đội hình, củng cố lực lượng, nhận thêm viện trợ để tiếp tục chiến tranh.
Và sau 8 năm “đình chiến tương đối”, đến năm 2022, Lực lượng vũ trang Ukraine đã hầu như lột xác hoàn toàn, họ có được vũ khí cũng như trang thiết bị hiện đại do phương tây cung cấp, đồng thời cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong huấn luyện chiến đấu.
Mặc dù ở thời điểm hiện nay Quân đội Ukraine vẫn chưa phải là đối thủ của Lực lượng Vũ trang Nga nhưng họ vẫn đang tiến bộ từng ngày và tiếp tục chuyển mình theo hướng xây dựng một quân đội tiên tiến, hiện đại, tinh gọn và có khả năng cơ động cao theo kiểu phương Tây.
Nga sẽ không chấp nhận ngừng bắn?
Với những phân tích trên, chuyên gia Ruslan Bortnik kết luận rằng, một thỏa thuận ngừng bắn hiện nay là cần thiết và có lợi đối với phía chính quyền Kiev, vì Lực lượng Vũ trang Nga hiện đang chiếm ưu thế trên chiến trường, trong khi Quân đội Ukraine đang dần kiệt lực trên tất cả các mặt trận.
Ngừng bắn ở thời điểm này vừa giúp Kiev giữ được các vùng lãnh thổ còn lại, vừa có thêm thời gian quý báu để xây dựng lại quân đội, chuyển đổi dứt khoát và mạnh mẽ sang mô hình NATO, khắc phục những điểm yếu chí mạng về khả năng tác chiến so với Moscow.
Nhưng vấn đề cực kỳ quan trọng là “Lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Ukraine đã bị phá vỡ và trong tương lai Kiev có thể nhận được những vũ khí hiện đại hơn nữa, tầm bắn xa hơn nữa, mà đó chính là yếu tố then chốt khiến Nga chiếm ưu thế tuyệt đối trước Ukraine.
Theo giới phân tích Nga, một thỏa thuận “hòa bình” như vậy sẽ có lợi cho Kiev, và chắc chắn sẽ không làm Moscow hài lòng, bởi Lực lượng Vũ trang Nga hiện đang chiếm ưu thế trên chiến trường, còn Quân đội Ukraine đang ở trong tình thế khó khăn chưa từng có.
Có thể nói rằng, đây là thời điểm thuận lợi nhất để Moscow đạt được 2 mục đích cơ bản của mình khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt là giành quyền kiểm soát toàn bộ 4 vùng lãnh thổ đã tuyên bố sáp nhập (Lugansk, Donetsk, Zaporozhye, Kherson) và phá hủy tiềm lực quân sự của Ukraine.
Nếu để cho đối phương có thời gian nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, tiếp nhận thêm vũ khí trang bị, đặc biệt là các vũ khí tầm xa của Mỹ và NATO thì sau này Nga sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được mục đích của mình, thậm chí là sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Với những yếu tố đã nêu trên, chắc chắn Moscow sẽ không chấp thuận ngừng bắn trong thời điểm hiện nay, khi Lực lượng Vũ trang Nga chưa đạt được những mục tiêu ban đầu khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt.