Nếu bạn đang tìm kiếm một loại đồ uống nóng mà chắc chắn sẽ giúp bạn thư giãn thì trà hoa hồng là thứ không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, trà hoa hồng còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ nên phải lưu ý liều lượng thích hợp. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Flower Breeding and Genetics, tất cả các loại hoa hồng đều có thể ăn được. Dẫu vậy, hương vị của chúng khác nhau.
Giá trị dinh dưỡng của trà hoa hồng
Trà hoa hồng được làm từ cánh và nụ của hoa hồng. Chuyên gia dinh dưỡng Veena V (Ấn Độ) cho biết: “Đây là thức uống giàu chất chống oxy hóa, hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, vừa ngọt vừa đắng tùy thuộc vào loại hoa hồng được sử dụng.
Trà hoa hồng được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sử dụng như một loại thuốc truyền thống của đất nước này.”
Mặc dù trà hoa hồng không chứa calo nhưng nó có một số vitamin và chất chống oxy hóa như vitamin A, C và E cùng những loại khác.
Veena giải thích: “Các chất kể trên có xu hướng thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như số lượng cánh hoa được sử dụng hoặc thời gian ủ nó.”
Cách pha trà hoa hồng
Uống trà hoa hồng giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. (Ảnh: ITN) |
Để pha trà hoa hồng, bạn chỉ cần ngâm một nắm cánh hoa hồng khô vào nước nóng khoảng 5-10 phút, lọc lấy nước và thưởng thức. Bạn có thể điều chỉnh số lượng cánh hoa và thời gian ngâm tùy theo sở thích về hương vị và độ đậm của bạn.
Dưới đây là 5 lợi ích sức khỏe của trà hoa hồng:
Trà hoa hồng có thể dưỡng ẩm
Một trong những lợi ích lớn nhất của trà hoa hồng là nó có khả năng dưỡng ẩm cực tốt. Thành phần chính của trà hoa hồng là nước và đây là thức uống tuyệt vời cho những người hay quên uống đủ ly nước lọc trong ngày.
Theo chuyên gia, thiếu nước hoặc mất nước dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu cũng như các vấn đề nghiêm trọng hơn như huyết áp thấp.
Thúc đẩy thư giãn
Một nghiên cứu được công bố trên Heliyon cho biết uống trà hoa hồng còn có thể giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Tương tự như vậy, loại đồ uống này cũng giúp giải quyết chứng rối loạn lo âu do thiếu ngủ gây ra.
Có tác dụng chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa ngăn chặn việc sản xuất các gốc tự do, giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính, xây dựng khả năng miễn dịch.
Cụ thể, trà hoa hồng có chứa chất chống oxy hóa như polyphenol. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecules cho biết, polyphenol có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, cũng như các bệnh tim mạch và tiểu đường.
Giảm đau bụng kinh
Nếu bạn không phải là người thích dùng thuốc giảm đau khi đến kỳ kinh nguyệt thì trà hoa hồng là một lựa chọn thay thế hoàn hảo.
Một nghiên cứu được trích dẫn trên Tạp chí Hộ sinh & Sức khỏe Phụ nữ, đã đánh giá tác dụng của trà hoa hồng đối với 130 thanh thiếu niên ở Đài Loan.
Họ được uống 2 tách trà hoa hồng mỗi ngày trong 12 ngày, một tuần trước kỳ kinh nguyệt. Họ làm theo điều này trong 6 chu kỳ kinh nguyệt. Nhóm nghiên cứu thấy rằng trà hoa hồng giúp giảm đau bụng kinh.
Cải thiện chất lượng da
Trà hoa hồng còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ nên phải lưu ý liều lượng thích hợp. (Ảnh: ITN) |
Hoa hồng là một trong những thành phần phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc da. Cánh hoa hồng có chất chống oxy hóa và chống viêm, giúp làn da trông trẻ hơn cũng như khỏe mạnh hơn. Nó cũng có đặc tính chống vi khuẩn giúp ngăn ngừa mụn trứng cá.
Tác dụng phụ tiềm ẩn của trà hoa hồng
Chuyên gia cho biết, uống quá nhiều trà hoa hồng có thể dẫn đến chứng khó tiêu hoặc có tác dụng nhuận tràng nhẹ do tác dụng lợi tiểu của nó.
Trà hoa hồng có chứa caffeine không?
Không giống như các loại trà khác và hầu hết đồ uống nóng, trà hoa hồng không chứa caffeine. Đây là lý do tại sao nó là sự thay thế tuyệt vời cho các đồ uống nóng khác. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn chỉ sử dụng cánh hoa hồng.
Trà hoa hồng có thể uống hàng ngày được không?
Trà hoa hồng có thể được tiêu thụ hàng ngày với mức độ vừa phải, nhưng điều cần thiết là phải lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe, đặc biệt nếu bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào hoặc đang mang thai.
Không có liều lượng tiêu chuẩn cho trà hoa hồng nhưng tiêu thụ 1-2 cốc mỗi ngày thường được coi là an toàn cho hầu hết mọi người.
Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu với lượng nhỏ hơn và theo dõi phản ứng của cơ thể. Luôn xem xét khả năng dung nạp của từng cá nhân và tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu không chắc chắn.