Thầy trò lớp 12 dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời điểm này, thầy trò lớp 12 các trường đang đẩy mạnh ôn thi, luyện đề để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) tốc lực ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) tốc lực ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ.

Hệ thống hóa kiến thức

Chỉ còn khoảng một tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức diễn ra. Đây là giai đoạn 'nước rút' để các sĩ tử ôn tập, rèn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Sự đồng hành của thầy cô, gia đình là rất cần thiết nhằm giúp các em vững vàng về tâm thái trước khi "vượt vũ môn".

Thầy Trần Quý Hợi - giáo viên môn Vật lí tại Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cho hay, thời điểm này các em được thầy cô hướng dẫn hệ thống lại kiến thức đã học để ôn tập. Học sinh cùng nhau trao đổi, thảo luận và tìm ra những cách giải của những dạng bài tập khác nhau. Từ dạng bài mới sẽ rèn thêm về tư duy cho các em.

Thầy Trần Quý Hợi đang ôn tập môn Vật lí cho học sinh.

Thầy Trần Quý Hợi đang ôn tập môn Vật lí cho học sinh.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Ngoại thương theo tổ hợp Toán - Vật lí - Tiếng Anh, Trần Yến My - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Sóc Sơn tự sắp xếp khung giờ ôn tập hợp lý trong ngày để nâng cao hiệu quả thi.

Buổi sáng em thường dành thời gian cho các môn về lý thuyết như Tiếng Anh; chiều và tối sẽ ôn các môn tự nhiên như giải đề Toán, Vật lí. My cũng chịu khó lên mạng để trau dồi thêm vốn từ vựng Tiếng Anh cho mình.

Trở về từ Kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố với giải Nhất môn Vật lí, Hoàng Đình Long - học sinh Trường THPT Sóc Sơn đặt nguyện vọng 1 vào ngành Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ôn tập trên lớp, nam sinh này cũng thường xuyên luyện đề tham khảo từ các tỉnh/thành khác để củng cố thêm kỹ năng làm bài.

Cô Nguyễn Thị Nhung và học sinh lớp 12D1 trong giờ luyện đề môn Toán.

Cô Nguyễn Thị Nhung và học sinh lớp 12D1 trong giờ luyện đề môn Toán.

Về các giải pháp ôn tập tốt môn Toán, cô Nguyễn Thị Nhung - giáo viên Trường THPT Sóc Sơn sẽ chia và hệ thống lại các mảng kiến thức để ôn tập cho học sinh khối 12. Sau khi ôn từng mảng, cô mới cho các em tổng hợp đề thi để đảm bảo tính toàn diện.

"Hệ thống bài tập ôn cho học sinh có đầy đủ các mức độ từ cơ bản đến nâng cao, học sinh sẽ làm từ dễ đến khó. Lớp 12D1 của tôi có khoảng 70% các em học lực Khá trở lên. Việc phân loại học sinh được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả ôn tập cho các em" - cô Nhung chia sẻ.

Củng cố kiến thức thực tế

Cô Chu Thị Thanh Hải ôn tập môn Giáo dục công dân trên lớp cho học sinh.

Cô Chu Thị Thanh Hải ôn tập môn Giáo dục công dân trên lớp cho học sinh.

Với môn Giáo dục công dân, cô Chu Thị Thanh Hải - giáo viên Trường THPT Sóc Sơn đang tập trung ôn tập và luyện đề cho học sinh. Đây là phân môn thuộc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) có khá nhiều câu hỏi thực tế, thí sinh cần phải có lượng kiến thức thực tế phong phú mới có thể giải được.

Ví dụ, các câu hỏi liên hệ thực tế về những hành vi việc làm của nhân vật trong đề thi, học sinh phải nhận biết được đó có vi phạm pháp luật hiện hành hay không?

Các em học sinh chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Các em học sinh chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

"Các em phải đọc kĩ đề, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để nhận biết từng dạng câu hỏi và trả lời. Ngoài ra, học sinh cũng cần hiểu và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bản thân mình ở đời sống thực tế. Với những hành vi sai trái, các em cũng cần mạnh dạn lên án, tố cáo để ngăn ngừa chúng", cô Thanh Hải lưu ý.

Theo cô Đoàn Thị Hà - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội), nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn bám sát cấu trúc định dạng đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT công bố mới đây, kết quả thi khảo sát do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức để phân loại học sinh và có kế hoạch ôn tập tốt.

Giờ học Lịch sử của cô Đoàn Thị Hà và học sinh khối 12 trên lớp.

Giờ học Lịch sử của cô Đoàn Thị Hà và học sinh khối 12 trên lớp.

Để làm tốt bài thi Lịch sử, các em cần biết nhận định các vấn đề được nêu ra trong câu hỏi thi, khoanh vào những từ khóa chính và vận dụng kiến thức đã học để tìm ra đáp án đúng. Không chỉ vậy, học sinh nên biết cách loại trừ đáp án không liên quan đến nội dung câu hỏi để lựa chọn đúng đáp án.

"Khâu luyện đề vô cùng quan trọng với các em. Qua các đợt khảo sát, những em đạt từ 7 điểm trở lên đều được giáo viên động viên, củng cố kiến thức kỹ năng để có thể đạt được mức điểm 8 - 9. Đặc biệt, học sinh cũng chủ động trao đổi, học nhóm cùng nhau để tìm ra phương pháp học đúng đắn cho mình. Qua mỗi lần như vậy, các em có thêm nhiều kỹ năng để xử lý đề thi một cách tốt nhất", cô Đoàn Thị Hà lưu ý thêm.

Cô Nguyễn Thị Diệu Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn trao đổi, ngoài học trên lớp, học sinh khối 12 còn ôn luyện trên truyền hình do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Nhà trường cũng chú trọng phân loại học sinh theo sức học để tiến hành bố trí giáo viên, lộ trình ôn tập cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ