Cả nước như một cơ thể sống
Trong phần phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 25/7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã nêu ra 5 vấn đề trong thời gian qua và cũng là bài học tổng kết giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.
Theo đại biểu, cả nước như một cơ thể sống, cách ly mà không tách rời Chống dịch nhưng không thái quá cực đoan. Thời gian qua, nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo trong công tác phòng chống Covid-19 trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ của dịch bệnh. Từ đó hạn chế tối đa đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, cũng có những nơi áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Có địa phương không cho nông sản đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng khi đến tỉnh cuối cùng gần điểm giao hàng thì xe lại phải quay đầu, mỗi tỉnh mỗi quy định…
“Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời. Vấn đề làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế” - đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch, nữ đại biểu cho rằng, những biện pháp mạnh tay vừa qua đã khắc phục tình trạng coi thường, nhờn các quy định.
Đã có nhiều biện pháp chế tài được đặt ra bao gồm cả xử lý kỷ luật về Đảng, cũng như công vụ như: cắt chức Bí thư Đảng bộ - Giám đốc tại công ty Hanico, hay rút khỏi danh sách ứng cử HĐND như tại Hà Nam. Thậm chí khởi tố nhiều vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh... Thái độ dứt khoát cùng các biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe. Ghi nhận ại các trạm y tế phường, số người ra khai báo y tế tăng mạnh…
Viện dẫn, ngày 21/5 vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị không được công khai danh tính và lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân; đại biểu đoàn Bắc Kạn trao đổi: Trước đây việc công khai lịch trình di chuyển đã khiến nhiều bệnh nhân trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn, thậm chí là “ném đá” trên mạng xã hội. Gây tổn thương, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của gia đình họ. Đây không phải cách để chúng ta vượt qua dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao của tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia giữa các địa phương. Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên đưa lực lượng công an, quân đội vào phòng chống dịch.
“Hình ảnh những chiến sỹ áo xanh ngày đếm bám chốt ở biên cương, công an các cấp thì siết chặt quản lý địa bàn để bảo đảm nghiêm yêu cầu chống dịch, lực lượng y tế chưa bao giờ được đặt vào tình trạng khẩn cấp như hiện nay” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.
Phép thử đối với tinh thần kỷ luật
Cuối cùng, đại biểu nhắc đến bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị. Khi nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ trong thời gian phòng chống dịch nhưng phong trào tương thân tương ái đóng góp cho công tác phòng chống dịch lại nở rộ khắp nơi.
Mới đây nhất là Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 càng cho thấy được tấm lòng của người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch. “Covid-19 thực sự là phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định.
Theo nữ đại biểu, khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngày càng thấm sâu vào từng người dân, doanh nghiệp. Do đó, quyết định của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết định kịp thời và hợp lòng dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, Chính phủ đã có gói hỗ trợ 26.000 tỉ và được đánh giá khá tốt khi cắt giảm được thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Trong lĩnh vực dịch vụ, trợ giúp là một việc nhưng căn cơ là phải áp dụng “hộ chiếu Vaccine” càng sớm càng tốt. Hộ chiếu này không chỉ hiểu là giành cho hành khách quốc tế, mà còn cho cả người dân Việt Nam. Khi chúng ta có được tỉ lệ dân cư tiêm đủ 2 mũi vaccine thì đó là động lực quan trọng để nền kinh tế có thể phục hồi quay trở lại.