Nấu ăn ngon để kéo học sinh đến trường

GD&TĐ - Cùng với việc nỗ lực, vất vả trèo đèo lội suối để vận động học sinh người dân tộc thiểu số đến trường, các thầy cô giáo còn có nhiều cách làm hay để thu hút học sinh, đó là nấu những bữa cơm thật ngon, nghĩ ra những trò chơi để thu hút trẻ.

Các thầy Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia đưa học sinh vượt sông Nậm Mu về trường
Các thầy Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia đưa học sinh vượt sông Nậm Mu về trường

Năm học 2017-2018, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó việc duy trì tỷ lệ chuyên cần là rất cần thiết.

Làm được điều này, các thầy cô giáo phải vượt khó khăn, có nhiều cách làm hay để thu hút học sinh dân tộc. Bên cạnh đó bữa ăn bán trú phải ngon, đầy đủ và tổ chức cho học sinh vui chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện...

Để chuẩn bị năm học mới, từ đầu tháng 8, giáo viên phải có mặt dọn dẹp trường lớp và về các bản vùng sâu vùng xa vận động học sinh tới trường.

Vào dịp tết dân tộc, mùa làm nương, học sinh về nhà không xuống lớp, các thầy cô lại phải lặn lội đi đến tận nhà xin bố mẹ, đưa các em quay lại trường. Nhờ đó những năm qua, ở Lai Châu, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 80% trở lên và học sinh bỏ học giảm đáng kể.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) có cơ sở trường lớp được đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Tuy nhiên, con đường đến trường của học sinh vùng cao không chỉ gập ghềnh đồi núi, sông suối cách trở, mà còn do hoàn cảnh thiếu thốn hay bố mẹ bắt đi nương rẫy đã cản trở ước mơ các em.

Những năm trước đây, đến các điểm trường của xã Ta Gia, thường gặp cảnh vắng vẻ, đìu hiu vì lớp thiếu trò. Đầu năm học 2017-2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia đã vận động được 349 học sinh ra lớp. Đây cũng là kỳ tích mà nhiều năm nay nhà trường mới đạt được.

Nói về công tác huy động học sinh ra lớp, thầy Đỗ Thế Bằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia chia sẻ: “Đến nay, Trường đã huy động được 100% học sinh ra điểm trường trung tâm xã (hai điểm trường: Tèn Cò Mư, Hỳ vẫn còn lớp 1 và 2), đây là thành công lớn trong điều kiện thời tiết mưa lũ, giao thông khó khăn.

Ngay từ đầu tháng 8, trường đã họp bàn, giao trách nhiệm từng cán bộ, giáo viên phụ trách xuống các bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cũng như huy động học sinh đến trường; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời về chế độ, chính sách, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh tiếp tục đến lớp.

Ngoài ra, trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên vệ sinh trường lớp học, khuôn viên nhà trường, khu bán trú đảm bảo xanh-sạch-đẹp tạo môi trường sinh hoạt, học tập lành mạnh cho học sinh...

Bữa ăn của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia.

Khu ăn, ở sinh hoạt của học sinh bán trú với 10 phòng ở khang trang, kiên cố được trang bị các giường tầng, phòng ở sạch sẽ, tư trang, quần áo, sách vở học sinh đều ngăn nắp, đúng quy củ. Khu nhà ăn và bếp nấu ăn được bố trí hợp lý, việc chế biến, bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thầy Hà Văn Hải, giáo viên kiêm phụ trách công tác nội trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia, cho biết năm học mới, nhà trường còn nhiều khó khăn, nhất là công tác bán trú, vì nhiều học sinh ở các bản thoát khỏi bản vùng II nên không được hỗ trợ chế độ ăn bán trú. Các thầy cô phải linh hoạt, lo mọi thứ kể cả việc mua chịu thực phẩm giúp học sinh đảm bảo bữa ăn.

Một trở ngại trong việc huy động học sinh đến lớp là do Ta Gia là xã giáp dòng sông Nậm Mu, dân cư sống không tập trung. Một số bản như Noong Quài chưa có điện, đường giao thông, trong khi bản bị chia cắt bởi sông Nậm Mu nên phải di chuyển bằng thuyền qua sông.

Để con đường đến trường của học sinh bớt chông chênh, những ngày cuối tuần, thầy cô giáo lại đi đò đưa đón các em về nhà và trở lại trường. Mỗi lần như vậy, thầy cô giáo lại hướng dẫn học sinh mặc áo phao, qui định an toàn khi đi thuyền...

Mùa mưa, nước sông chảy xiết, những hôm mưa gió, các thầy cô phải đưa các em về tận bản. Có lần thầy cô lên bản vận động học sinh, khi về gặp mưa to, thuyền không thể qua sông, giáo viên phải ngủ lại lán nương của bà con.

Để duy trì sỹ số, ngoài việc khoán con số học sinh đến từng giáo viên và tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nhà trường còn thường xuyên phối hợp cấp chính quyền địa phương, cùng già làng, trưởng bản huy động học sinh ra lớp.

Mỗi lần xuống bản làm công tác tư tưởng giúp các em đến trường không phải là điều dễ dàng. Các thầy cô tự rèn cho mình đức tính kiên trì để trò chuyện, vận động, thuyết phục bậc phụ huynh đưa con em đến trường.

Nhiều gia đình phải đến 3-4 buổi tối để lý giải, phân tích giúp bà con hiểu được sự học tích lũy kiến thức, nâng cao nhận thức trong cuộc sống, vận dụng trong cách làm ăn phát triển kinh tế.

Thầy Đỗ Thế Bằng vui mừng cho biết: Năm học này Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động tổ chức, cá nhân huy động kêu gọi mọi nguồn lực chung tay xóa các phòng học tạm ở các điểm bản, đưa học sinh về điểm trung tâm.

Năm học 2017-2018, trường có 35 lớp, 349 học sinh, trong đó có 111 học sinh bán trú; học sinh thuộc bản 135 vẫn đảm bảo chế độ ăn bán trú 520.000 đồng/học sinh/tháng.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ