NATO tiết lộ mục tiêu trong cuộc xung đột Ukraine

GD&TĐ - Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, một trong những mục tiêu chính của khối trong cuộc xung đột Ukraine là ngăn chặn một “cuộc chiến toàn diện” với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Trong bài phát biểu tại Na Uy, ông Stoltenberg cho biết, trong cuộc xung đột này, NATO có 2 nhiệm vụ: hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn chiến tranh leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga.

Người đứng đầu NATO mô tả cuộc xung đột Nga – Ukraine là “tình huống nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2” và nói thêm rằng Moscow không được phép giành chiến thắng.

“Nếu Nga thắng trong cuộc chiến, ông Putin sẽ tin rằng bạo lực có tác dụng. Sau đó, các quốc gia láng giềng khác có thể là đối tượng tiếp theo” – ông Stoltenberg lập luận.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2, Ukraine nhận được viện trợ quân sự đáng kể từ các nước NATO với lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD đổ vào nước này. Moscow nhiều lần chỉ trích việc này khi cho rằng nó chỉ kéo dài cuộc xung đột.

Tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết Ukraine đang được “bơm” khí tài quân sự của phương Tây. Hơn nữa, Kiev buộc phải sử dụng những vũ khí này theo cách ngày càng rủi ro hơn và do đó ngăn Kiev đưa ra “bất kỳ bước đi nào mang tính xây dựng”.

Trong bài phát biểu hôm qua, ông Stoltenberg tuyên bố rằng Tổng thống Putin cuối cùng đã không đạt được mục tiêu của mình. NATO thay vì phải thu hẹp sự hiện diện của mình ở Đông Âu và giảm tốc độ mở rộng, liên minh đã trở nên “mạnh hơn và được củng cố nhiều hơn” với việc Thụy Điển và Phần Lan sắp gia nhập.

Tổng thư ký nhấn mạnh việc tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của NATO rất quan trọng, trong bối cảnh nỗ lực ngăn chặn chiến thắng của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng liên minh không phải là “một bên trong cuộc xung đột” và sẽ không gửi quân vào Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với đài truyền hình Na Uy NRK, người đứng đầu NATO chỉ ra rằng liên minh không có nghĩa vụ phải can thiệp vào cuộc xung đột vì Ukraine không phải là một quốc gia thành viên.

“Chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ Ukraine, nhưng chúng tôi cũng phải giữ an toàn cho tất cả các quốc gia mà NATO chịu trách nhiệm”

Trước khi bắt đầu hoạt động chiến dịch tại Ukraine, Nga đã nhiều lần nói rằng họ coi sự mở rộng về phía đông của NATO là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình.

Tháng 12/2021, Moscow kêu gọi Mỹ và liên minh bảo đảm pháp lý rằng NATO sẽ ngừng mở rộng và kiềm chế triển khai các hệ thống vũ khí có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, NATO trả lời rằng việc này do các thành viên và ứng cử viên gia nhập quyết định có tham gia liên minh hay không.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ