NATO Trung Đông
Trong bài phát biểu của mình vào chiều 24 tháng 7 tại phiên họp của Quốc hội Mỹ, ông Netanyahu đã phác thảo một "tầm nhìn cho Trung Đông rộng lớn hơn".
Trong đó bao gồm việc lấy cảm hứng từ những gì Mỹ đã làm sau Thế chiến thứ hai bằng cách thành lập NATO và áp dụng nó vào Trung Đông. Khối được đề xuất nên bao gồm Mỹ và Israel, và tất cả các quốc gia đang hòa bình với Israel hoặc muốn làm hòa với Israel.
Tiến sĩ Mehran Kamrava, giáo sư tại cơ sở Qatar thuộc Đại học Georgetown đã giải thích lý do tại sao đề xuất này lại vô lý.
Bình luận về bài phát biểu của Netanyahu vào chiều 24 tháng 7 tại phiên họp chung của Quốc hội, học giả Kamrava nói với Sputnik rằng hy vọng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm đưa các quốc gia như Bahrain, Saudi Arabia, UAE và có lẽ cả Ai Cập vào một hiệp ước mới do Israel và Mỹ đứng đầu theo kiểu NATO, được gọi là 'Liên minh Abraham' không chỉ không thực tế mà còn không mới mẻ.
"Tôi không nghĩ rằng một liên minh giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh là một giả định thực tế vì Saudi Arabia đã bình thường hóa quan hệ với Iran… Bahrain và Iran đã có các cuộc thảo luận về việc xích lại gần nhau, và UAE, mặc dù vẫn duy trì mối quan hệ với Israel, cũng vẫn duy trì mối quan hệ với Iran", Kamrava chỉ ra.
Kamrava nhấn mạnh rằng đề xuất của Liên minh Abraham "không phải là mới", đồng thời lưu ý rằng Thủ tướng Netanyahu đã "ủng hộ điều này trong nhiều năm", với nỗ lực bình thường hóa quan hệ của Israel với các nước láng giềng vùng Vịnh được coi là bước đầu tiên theo hướng này.
Ngày nay, Israel chỉ có thể tin cậy vào Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ và Washington để có vũ khí và hỗ trợ khác, Kamrava nói.
Đó là bởi vì "nhóm vận động hành lang của Israel khá mạnh ở Mỹ, đặc biệt là ở Quốc hội", với cả hai đảng và tất cả các nhân vật chính của đảng, từ Tổng thống Biden và ông Trump đến phó Tổng thống Harris, đều tuyên bố mình là người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái hoặc bày tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ" đối với Israel.
Trong khi đó, ông Netanyahu vẫn sa lầy trong một mớ hỗn độn chính trị "sâu sắc" và vô vọng, phải đối mặt với "áp lực từ phe cánh tả muốn trả lại các con tin... áp lực từ quân đội Israel, vốn đã tuyên bố rằng hiện tại họ không thể đưa những con tin còn lại về nhà thông qua việc tiếp tục sử dụng vũ lực và tiếp tục chiến tranh", và "áp lực từ phe cánh hữu muốn xóa sổ hoàn toàn lực lượng Hamas.
"Trong tình huống này, chỉ có tiếp tục chiến tranh mới có thể cứu được ông ấy. Đây chính là lý do khiến Thủ tướng Netanyahu quyết đánh bại lực lượng Hamas tại Gaza đến cùng mà không quan tâm đến hậu quả từ chiến dịch tấn công của quân đội Israel (IDF) gây ra", người quan sát tóm tắt.
Sa lầy
Chuyên gia Kamrava cho biết thêm, chính quyết tâm của ông Netanyahu đã khiến lực lượng IDF đang bị sa lầy trong cuộc chiến này.
Thực tế này đã được phát ngôn viên lực lượng IDF, chuẩn tướng Daniel Hagari, nói: "Liệu sau 5 năm nữa, tôi và các bạn có còn nói về sự tồn tại của Hamas tại Dải Gaza? Tôi nghĩ câu trả lời là có".
Vị phát ngôn viên này cho biết Israel đang lập kế hoạch cho xung đột kéo dài với Hamas, nhưng khẳng định đối phương đã không còn đủ nguồn lực và khả năng để tung các đòn đánh thọc sâu vào lãnh thổ Israel như sự kiện ngày 7/10/2023.
Bình luận được tướng Hagari đưa ra giữa lúc xuất hiện thông tin rằng giới chức Israel lo ngại Hamas sẽ mở những cuộc tấn công mới tại Dải Gaza hoặc khu vực Bờ Tây trong vài tuần tới, nhằm "dội nước lạnh" vào nỗ lực đàm phán vừa được nối lại hướng đến thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin.
Phát ngôn viên Hagari là quan chức Israel đầu tiên công khai thừa nhận cuộc chiến với Hamas sẽ kéo dài và còn nhiều khó khăn. Hồi tháng 6, chính ông từng bình luận với Channel 13 của Israel rằng "Hamas là một hệ tư tưởng và không ai có thể tận diệt một hệ tư tưởng".
"Nếu ai nói rằng sẽ khiến Hamas biến mất hoàn toàn, họ chỉ đang tung hỏa mù. Nếu Israel không thể đưa ra giải pháp thay thế về quản trị Dải Gaza, cuối cùng chúng tôi sẽ lại đối mặt với Hamas", ông nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi hôm 29/5 cũng đã tuyên bố cuộc chiến tại Dải Gaza có thể kéo dài thêm nhiều năm.
Đầu tháng 7, thành viên cánh chính trị của Hamas và giới chức Ai Cập nói rằng Hamas về cơ bản đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin theo từng giai đoạn tại Dải Gaza.
Phía Hamas chấp nhận nhượng bộ, từ bỏ yêu sách then chốt trong nhiều tháng qua là yêu cầu Israel phải cam kết lập tức kết thúc cuộc chiến.
Trong khi đó, Tel Aviv chỉ đồng ý tạm dừng giao tranh và để ngỏ khả năng tiếp tục chiến đấu cho đến khi nhóm vũ trang bị đánh bại hoàn toàn.
Trong khi nhượng bộ, Hamas vẫn muốn những nước trung gian đưa ra "cam kết bằng văn bản" rằng Israel sẽ tiếp tục đàm phán thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Theo tờ Wala của chính quyền Palestine ở Bờ Tây, lãnh đạo tình báo Israel David Barnea đã từ chối yêu cầu này từ phía Hamas. Hiện Mỹ đang tìm cách thuyết phục cả hai bên nhượng bộ.
Cuộc xung đột Gaza bùng phát tháng 10 năm 2023 sau khi lực lượng Hamas mở chiến dịch tập kích hiệp đồng vào miền nam Israel, khiến hơn 1.100 thiệt mạng và bắt khoảng 250 con tin.
Theo cơ quan y tế và dân sự địa phương, chiến dịch đáp trả sau đó của IDF đã khiến gần 40.000 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường và hơn 87.000 người bị thương, làm phần lớn cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Gaza bị phá hủy.