Iskander-M bay cách mặt đất 6m để tấn công mục tiêu

GD&TĐ - Hệ thống đạn đạo di động 9K720 Iskander của Nga đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự của quân đội chính quyền Kiev trong những tháng gần đây.

Tên lửa hành trình của Iskander-M trong hoạt động triển khai chiến đấu.
Tên lửa hành trình của Iskander-M trong hoạt động triển khai chiến đấu.

Bám địa hình

Theo RIA, trong những ngày qua, chính Iskander chứ không phải vũ khí nào khác của Nga đã liên tục thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào xe tăng, cơ sở chỉ huy và kiểm soát, đoàn tàu chở thiết bị quân sự và trung tâm hậu cần của Ukraine.

Cựu đại tá quân đội Nga và là nhà quân sự Viktor Litovkin cho biết, hiệu quả đáng kinh ngạc của các cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine phần lớn là nhờ vào khả năng đặc biệt của loại vũ khí này.

"Iskander có hai loại tên lửa. Có tên lửa đạn đạo hoặc bán đạn đạo bay theo quỹ đạo đạn đạo nhưng lệch khỏi đường đi sang phải, trái, lên, xuống – tức là chúng cơ động theo quỹ đạo, đó là lý do tại sao chúng được gọi là bán đạn đạo", Litovkin giải thích.

Chuyên gia Nga cho biết thêm: "Chúng có thể bay lên cao trong không gian và tấn công theo phương thẳng đứng vào mục tiêu đã định. Chúng không chỉ đạt tốc độ siêu thanh trong hành trình bay mà còn đạt tốc độ siêu thanh tại thời điểm lao vào mục tiêu".

Sau đó, có những tên lửa hành trình bay về phía mục tiêu, chúng di chuyển bám địa hình. Chúng bay cách mặt đất 6-7-12 mét, ở trần bay này, di chuyển về phía mục tiêu như một con rắn. Cả hai loại tên lửa này đều gần như không thể phát hiện và đánh chặn được".

Theo Litovkin, điều khiển tên lửa Iskander hiệu quả đến vậy một phần là vì radar của đối phương không thể "nhìn thấy" chúng, và nếu radar không thể "nhìn thấy" tên lửa thì không thể bắn tên lửa đánh chặn vào nó.

Học giả Nga cho biết thông tin tình báo chính xác cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của các cuộc tấn công bằng Iskander, vì người ta cần biết tọa độ của mục tiêu để lập kế hoạch quỹ đạo của tên lửa và tính đến điều kiện thời tiết cũng như các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến đường bay.

Nhà phân tích cũng chỉ ra rằng cả tên lửa đạn đạo bán tự động và tên lửa hành trình nói trên đều có sức công phá khá lớn do sức công phá đáng kể của đầu đạn mà chúng mang theo và gây ra thiệt hại lớn khi va chạm.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng không có lý do gì để sử dụng tên lửa Iskander chống lại mục tiêu giá trị thấp. "Bạn không thể phóng tên lửa Iskander vì một đội hình bộ binh nào đó bị phát hiện ở đâu đó. Tại sao bạn phải làm vậy? Còn có những tên lửa khác nữa", Litovkin giải thích thêm.

Ông nói thêm rằng một "tên lửa nặng, lớn và đắt tiền" như Iskander phù hợp hơn để tiêu diệt các mục tiêu như căn cứ không quân, nhà máy lọc dầu và cơ sở cảng, trong khi các mục tiêu nhỏ hơn có thể bị tiêu diệt bằng các tên lửa như Kalibr, máy bay không người lái hoặc thậm chí là pháo binh.

Patriot bất lực

Đánh giá về khả năng tấn công của Iskander-M và hiệu quả của những hệ thống đánh chặn Patriot mà Kiev đang vận hành, Tyler Rogoway, chuyên gia từ chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ, cho rằng Patriot là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất được phương Tây chuyển giao cho Ukraine.

Vũ khí này có thể giúp phòng không Ukraine đối phó hiệu quả hơn với những cuộc tập kích đường không, nhưng nó không hoàn hảo và vẫn tồn tại điểm yếu nhất định khi phải đối đầu với những vũ khí tối tân như Iskander-M.

"Nga bắt đầu bằng những nỗ lực đơn giản, sử dụng số lượng tối thiểu tên lửa hiện đại để đánh vào trận địa, với mục tiêu chủ đạo là radar.

Nếu không thành công, họ sẽ mở nhiều mũi tấn công bằng UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo Iskander-M, tất cả đều hiệp đồng chặt chẽ nhằm gây quá tải lưới phòng không Ukraine, đặc biệt là hệ thống Patriot", Rogoway nhận xét.

Học giả này cho rằng, một trong những điểm yếu lớn nhất của Patriot hiện nay là tín hiệu radar mảng pha của nó. Tín hiệu radar này có thể giúp hệ thống Patriot phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa, nhưng cường độ lớn khiến nó trở nên nổi bật giữa nền nhiễu.

Biết điều đó, lực lượng tác chiến điện tử của Nga hoàn toàn có thể thu được tín hiệu radar này, từ đó truy ngược vị trí của tổ hợp. Tín hiệu radar của Patriot cũng có thể được thu thập bằng vệ tinh hoặc máy bay trinh sát không người lái của Nga.

"Nguy cơ với Patriot là rất lớn, nó có thể bị đánh trúng bất cứ lúc nào", Tyler Rogoway nói. Ông cho hay trong một số vụ tập kích trước đây, trinh sát Nga đã tìm cách lần theo dấu vết radar và phát hiện vị trí Patriot ở ngoại ô Kiev và đã phóng một tên lửa để thăm dò và quả đạn đã bị Patriot đánh chặn.

Lực lượng Nga dường như đã phát hiện được tín hiệu đặc trưng từ radar của Patriot và tung ra đòn tập kích khiến tổ hợp phòng không Ukraine quá tải và không còn khả năng chống đỡ.

"Ngay cả khi không dùng chiến thuật tấn công ồ ạt, mà chỉ cần Nga sử dụng tên lửa của Iskander-M hoặc Kinzhal, đánh chặn chúng là điều gần như không thể với Patriot và cả lưới lửa phòng không Ukraine", học giả Mỹ kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ