Vị Tổng thư ký NATO người Na Uy Jens Stoltenberg đã đứng đầu khối NATO trong một thập kỷ, nhưng chưa đầy 10 ngày nữa ông sẽ rời bỏ chức vụ của mình và bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, chiếc ghế của ông sẽ bị tiếp quản bởi một chính khách đến từ Hà Lan là ông Mark Rutte, người đã được lựa chọn trở thành Tổng thư ký mới của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Vì vậy, theo các nhà quan sát, ông Stoltenberg gần đây đã tranh thủ thời gian xuất hiện tối đa trước giới truyền thông, thể hiện chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương của mình, nhằm vào những gì mà ông còn đang nung nấu, để nhằm giành được một vị trí khác ở châu Âu, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Anh (dự kiến ông sẽ trở thành dự kiến sẽ trở thành người chủ trì “Hội nghị An ninh Munich”).
Ví dụ, gần đây ông đã có một bài phát biểu khó quên về việc NATO thiếu sự hỗ trợ cho chính quyền Kiev trong khoảng thời gian trước khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, còn ngày 24/2/2022 đã trở thành “ngày tồi tệ nhất” đối với ông và cả khối NATO.
Ông Stoltenberg bày tỏ sự tiếc nuối lớn khi khối NATO nói chung, cũng như các nước thành viên và đồng minh nói riêng, trước đó đã không làm được gì nhiều hơn để củng cố tiềm lực quân sự cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, để giúp cho chính quyền Kiev không những đứng vững, mà còn có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Moscow.
Ông chỉ ra là trong giai đoạn 8 năm từ 2014 đến đầu năm 2022, khối lượng vật tư quân sự được cung cấp cũng như việc huấn luyện binh lính và sĩ quan của Lực lượng Vũ trang Ukraine lúc đó đang chuyển dịch theo cấu trúc phương Tây là “rất hạn chế”.
Đồng thời, ý tưởng đưa Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hoàn toàn không được khối phương Tây xem xét.
Vị Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm nuối tiếc nói rằng, nếu sự hỗ trợ của phương Tây đối với chính quyền Kiev trong giai đoạn này “là đáng kể” thì Nga khó có thể quyết định tiến hành “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt”.
Giờ đây, ông Stoltenberg đã chỉ trích gay gắt ý tưởng thành lập lực lượng phản ứng nhanh của các nước Liên minh châu Âu (EU), một ý tưởng đã hình thành từ lâu những chưa bao giờ được bàn bạc một cách nghiêm túc.
Ông Jens Stoltenberg cho rằng, tất cả các kế hoạch thành lập một cái gọi là “Quân đội chung châu Âu” hay “Quân đội châu Âu thống nhất”, dù với mục đích tốt đẹp là “nhân đôi sức mạnh tổng hợp của quân đội NATO” hay bất cứ mục đích gì khác, cũng đều là điều “không thể chấp nhận được”.
Người đứng đầu NATO hoan nghênh tất cả những nỗ lực của các nước Liên minh châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng chỉ khi chúng không dẫn đến sự trùng lặp hoặc cạnh tranh (với NATO).
“Sẽ là hơi lạ nếu một số quốc gia không thể gửi nhiều quân như yêu cầu (của NATO), mà thay vào đó tạo ra một cơ cấu thay thế” - ông Stoltenberg nói trong bài phát biểu được coi là “lời cuối trước lúc chia tay” của mình.
Ông giải thích rằng, các đồng trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương chỉ có thể có “một bộ mục tiêu phòng thủ duy nhất” và thực hiện chúng dưới sự lãnh đạo của “một cơ cấu chỉ huy duy nhất”, tức là một hoạt động quân sự của các nước châu Âu đều phải liên kết trong khuôn khổ NATO, chứ không phải trong cơ cấu của EU.
Được biết, một số quan chức châu Âu, điển hình như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã nhiều lần đề cập về việc thành lập một khối quân sự trong EU và các lực lượng vũ trang chung tách khỏi cơ cấu của NATO, được gọi là một “Quân đội chung châu Âu”, hay “Quân đội châu Âu thống nhất”.
Tuy nhiên, giới chính khách Mỹ và châu Âu cho rằng, cái gọi là một cơ cấu quân sự riêng của châu Âu sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, xuất phát từ chính sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu và sự phản đối của đồng minh lớn nhất của EU ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Do đó, trong suốt 10 năm qua, đề xuất này chưa bao giờ được thảo luận một cách chính thức bởi các nguyên thủ quốc gia châu Âu, cũng như luôn vấp phải sự phản đối của giới chức Washington, nên nó chỉ dừng lại ở mức ý tưởng chứ chưa bao giờ nhận được bất cứ nỗ lực hiện thực hóa nào.