Nát giỏ còn bờ tre

GD&TĐ - Xót xa khi thấy nghề thủ công truyền thống bị mai một, họa sỹ Trung Nghĩa đã từ bỏ ước mơ có mảnh đất ven suối Đà Lạt. Số tiền ấy, anh dùng vào việc trả lương cho bốn “cụ thợ” ngồi đan lại những thứ mà giờ đây

Hình ảnh chiếc ghe bằng tre được họa sĩ Trung Nghĩa và 4 ông lão sáng tạo.
Hình ảnh chiếc ghe bằng tre được họa sĩ Trung Nghĩa và 4 ông lão sáng tạo.

Xót xa khi thấy nghề thủ công truyền thống bị mai một, họa sỹ Trung Nghĩa đã từ bỏ ước mơ có mảnh đất ven suối Đà Lạt. Số tiền ấy, anh dùng vào việc trả lương cho bốn “cụ thợ” ngồi đan lại những thứ mà giờ đây chẳng ai dùng tới.

“Bằng sự tiếp cận kiên nhẫn, tôi đã thuyết phục các lão ông để ngồi xuống bàn bạc, truyền cảm hứng cho nhau, dùng các vật liệu mây trong rừng dầu, tre gai gò, phân trâu, đất sét, dầu rái. Họ kết hợp kỹ thuật đan lát truyền thống với nghệ thuật để hình thành bộ tác phẩm mây tre đan cực tinh xảo cho triển lãm Nát giỏ còn bờ tre”, nghệ sĩ Trung Nghĩa tâm sự.

Nghệ sĩ quy tụ nghệ nhân

Họa sĩ Trung Nghĩa sinh sống tại thị trấn Phước An (Krông Pắk – Đắk Lắk). Từ khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, anh bôn ba vật lộn với cuộc sống và quyết định mãi gắn bó với vùng đất Tây Nguyên qua những họa phẩm đặc trưng hội đủ 3 điều: Nhân văn, kiêu hãnh, độc đáo. 

Công chúng sẽ không khỏi “sốc” khi chứng kiến một bầy sếu đầu đỏ đang quằn quại trong những cái bẫy. Thấy con voi trưởng thành rên xiết bởi những mũi tên, hay trạng thái cô độc của một con khỉ đầu chó trên cành cây xác xơ lá.

Trong tranh của Trung Nghĩa luôn nhường chốn nương thân cho muôn loài trong thế giới thiên nhiên hùng vĩ. Và cái “độc” chính là nguyên liệu tạo ra những bức tranh ấy, đó là khói, lửa, chất nổ (được làm tạo từ phân dơi và diêm sinh) và đất Tây Nguyên trộn lẫn. 

“Mọi thứ rồi phải tàn lụi, tan biến theo thời gian để những thứ khác được sinh sôi. Chỗ có cái chết, có sự lãng quên thì hoa cỏ dại mọc, đẹp biết bao! Hoa cỏ chi chít trong tác phẩm là vì thế, và với hàng ngàn ngày tỉ mỉ đan, các tác phẩm cũng từ từ thành hình”. - Họa sĩ Trung Nghĩa

Còn lần này, cũng là đến với nghệ thuật nhưng anh hướng đến nghề thủ công truyền thống với kỹ thuật đan lát với những vật liệu tre, mây rừng. Bạn bè sửng sốt, nghi hoặc hay là Nghĩa đã bỏ vẽ?

Trung Nghĩa chia sẻ, những ngày lông bông ra biển, nhìn những chiếc ghe tre nằm lạc lõng giữa bãi cát và bị ám ảnh bởi những đường đan thật đẹp. Tình cờ sau đó, khi trở về quê cha ở Nông Sơn (Quảng Nam) lại bắt gặp nhà nào cũng treo những chiếc ghe tre. Như đứa trẻ, anh sờ mó và tò mò hỏi về nghề thủ công. Từ đó, mối nhân duyên giữa họa sĩ với những người thợ đan bắt đầu.

Chỉ có thế mà Trung Nghĩa bỏ ra gần 600 triệu, vốn là tiền dành dụm để mua một mảnh đất ở Đà Lạt. “Tôi quyết tìm cho bằng được những người thợ có thể đi cùng mình, và trả lương cho họ. May mắn, cuối cùng, tôi cũng “gom” được 4 ông, người trẻ nhất 79 tuổi và già nhất thì đã 86. Họ là những người gần đất xa trời, những con người đã gần như bị lãng quên. Họ từng làm đủ nghề mưu sinh, từ khai thác gỗ, thợ dầu rái, nông dân, nhưng mang trong mình kỹ năng và sở trường nhất định về tre”, họa sĩ Trung Nghĩa cho hay.

Các sự vật đều nở hoa như “hoa đời” hi vọng.
Các sự vật đều nở hoa như “hoa đời” hi vọng.

Chuyện nghề thủ công

Qua tiếp xúc, nghệ sĩ thấy những người thợ này không hề tầm thường. Anh nói đó mới là nghệ sĩ thực sự. Rất kiên nhẫn theo đuổi, Trung Nghĩa đã thuyết phục các lão ông để ngồi xuống bàn bạc, truyền cảm hứng cho nhau, dùng các vật liệu mây trong rừng dầu, tre gai gò, phân trâu, đất sét, dầu rái… Họ kết hợp kỹ thuật đan lát truyền thống với nghệ thuật để hình thành bộ tác phẩm mây tre đan cực tinh xảo cho triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre”.

Những vật dụng mà Trung Nghĩa và các lão ông sáng tạo là gì? Hẳn là những đơm, đó, thúng mủng hay bàn ghế mây chăng? Không phải, họ sáng tạo sản phẩm theo cảm hứng bất chợt. Đó có thể là hình một tảng đá nhưng có câu chuyện bên trong mang thông điệp về thiên nhiên.

“Trong một lần đang đi đường, bỗng tôi nghe thấy tiếng nổ lớn và phát hiện những tảng đá đang rơi xuống. Thế là chúng tôi quyết định đan một tảng đá. Đơn giản và bất chợt thế thôi”, họa sĩ Trung Nghĩa bật mí.

Nhưng đó không phải là một tảng đá nhẵn thín mà có những bông hoa tuyệt đẹp đã mọc quanh, bám kĩ tảng đá tự khi nào. Hay những con cá chết khô, con ốc bươu và cả chiếc ghe lủng… làm họ bất giác nhận ra, những bông hoa đó mới chính là phần hồn của sự vật.

Chính những người thợ già đã thắc mắc: “Ghe gì mà lủng lỗ chỗ chẳng chèo được mà còn đầy hoa như thế này?”. Trung Nghĩa thản nhiên, bảo rằng không sao, cuộc đời có lúc xoay cuồng trong bão tố, chèo chống cũng vô ích. Dù hoàn cảnh nào thì hoa cỏ cuộc đời vẫn phải tưng bừng và đua nở như niềm hi vọng vậy.

Càng đi sâu làm nghề thủ công, Trung Nghĩa càng thấy hụt hẫng khi thấy những kỹ thuật và cả vật liệu truyền thống đã mai một gần hết. Ở vùng biển, những chiếc ghe tre chẳng còn là bao, vì người ta đã chuyển sang ghe thiếc. Rồi việc dùng dầu rái không còn nhiều vì người dân đã dùng các phụ phẩm chiết xuất từ dầu mỏ. Thế thì rừng dầu cũng có nguy cơ biến mất, như những khóm tre dần vắng bóng ở làng quê Việt.
Thấy mọi thứ xưa cũ dần lụi tàn càng làm người nghệ sĩ thêm đau xót. Nhưng cá nhân anh không thể “xoay chuyển càn khôn”, anh chỉ có thể gửi thông điệp về những nét đẹp của nghề thủ công truyền thống qua triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre”.

“Nát giỏ còn bờ tre” sẽ khai mạc vào ngày 8/11 tại TPHCM. Các tác phẩm sẽ được bày bán, một phần tiền được trích để xây dựng lại các khu vệ sinh trong trường học, đồ dùng học tập cho trẻ em vùng khó khăn tại tỉnh Quảng Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.