Người trẻ giữ nghề truyền thống

GD&TĐ - Ở Hà Nội, nói đến bánh cuốn, hầu như người dân luôn nhắc đến tên làng Thanh Trì. Trải qua thăng trầm, làng nghề vẫn giữ được tên tuổi và trở thành một thương hiệu có giá trị trong lòng thực khách yêu phong vị Hà Thành.  

Anh Nguyễn Hùng Cường với nghề tráng bánh cuốn truyền thống của làng Thanh Trì, Hà Nội
Anh Nguyễn Hùng Cường với nghề tráng bánh cuốn truyền thống của làng Thanh Trì, Hà Nội

Giữ nghề truyền thống

Nói về nghề của gia đình, anh Nguyễn Hùng Cường ở phố Thanh Đàm, Thanh trì, Hà Nội cho biết: Bánh cuốn Thanh Trì là một đặc sản của Hà Nội. Được truyền nghề từ bà ngoại cả gia đình anh làm nghề tráng bánh cuốn. Công việc tuy vất vả nhưng rất ổn định và phát triển tốt.

Theo anh Cường, làm bánh cuốn không dễ như mọi người nghĩ, bởi khâu chuẩn bị tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, vất vả, hầu như không có giờ nghỉ. Bánh cuốn ngon hay không còn theo ngày và người. Chẳng hạn, khi thời tiết trở nồm, bột bị lắng xuống rất khó tráng. Còn với người, tâm trạng không vui vẻ, thoải mái bánh cũng sẽ không ngon, bởi khi đó, người làm dường như mất đi cảm giác, có thể để quá nhanh hoặc quá lâu…

Bánh được làm bằng gạo ngon, chọn kỹ, xay nhỏ mịn, mát rượi đầu ngón tay, rồi tráng thật mỏng. Hành phi là một gia vị đặc biệt quan trọng của bánh cuốn. Khi phi hành, lửa phải mạnh đến khi vàng tới thì phải nhanh chóng vớt ra. Kể cả khi đã vớt ra trong lúc nguội, hành vẫn tiếp tục vàng, nên đây là thời điểm quyết định cho một mẻ hành phi đạt tiêu chuẩn. Muốn xào nhân bánh cuốn ngon phải sử dụng thịt “đầu rồng”, phần thịt ở áp vai, chứa nhiều protein.

“Đến nay, bánh cuốn được tráng bằng hệ thống nồi điện. Một giờ tráng bánh có nhân được khoảng 8 – 9kg, nếu bánh không nhân thì chỉ được khoảng 4 – 5kg. Bánh tráng bằng máy không thể ngon bằng tráng tay, bởi kỹ năng tay nghề ở các công đoạn thủ công đã tạo nên sự khác biệt của sản phẩm” – anh Cường chia sẻ.

Lan tỏa thương hiệu làng nghề

Trước đây, bánh cuốn Thanh Trì chỉ có loại mỏng không nhân. Đến nay, đáp ứng nhu cầu thị trường, làng nghề làm thêm bánh cuốn nhân thịt. Đối với gia đình anh Cường, bánh cuốn làm chủ yếu theo đơn đặt hàng. Có những khách hàng mua 2kg bánh không nhân chỉ hết 100.000 đồng, nhưng tiền vận chuyển mất 120.000 đồng. Thậm chí khách hàng mua một suất chỉ 25.000 đồng, nhưng chi tới 85.000 đồng tiền vận chuyển. Điều này cho thấy, mức độ tín nhiệm của khách hàng cũng như sức lan tỏa của thương hiệu bánh cuốn Thanh Trì được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận từ năm 2015.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề bánh cuốn Thanh Trì nói riêng. Tuy nhiên, làng nghề cũng vẫn còn những khó khăn trong việc truyền nghề và cấy nghề.

Là một người tâm huyết với nghề truyền thống, anh Cường cho biết, từng đào tạo nghề tráng bánh cuốn cho một vài người ở địa phương khác. Khi trở về họ đã phát triển nghề khá tốt. Tuy nhiên, số người đến học rất ít, trong khi làng nghề hầu hết chỉ truyền lại cho thế hệ sau, vì vậy sự phát triển còn hạn chế.

Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì hiện có khoảng 80 hộ sản xuất kinh doanh. Bánh chủ yếu được tiêu thụ tại Hà Nội. Với đặc điểm là sản phẩm tươi được sử dụng trong ngày, bên cạnh việc bảo tồn giá trị văn hóa nghề tại địa phương, để sản phẩm có thể vươn xa thì việc đào tạo nghề được xem là một giải pháp tốt nhất.

Có nghề trong tay và dựa vào thương hiệu làng nghề, người lao động hoàn toàn có thể tự tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương khác và xa hơn là thị trường quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.