Ngày 26/3/2019, Nhà Trắng xác định mục tiêu mới của NASA, đó là đưa người quay trở lại Mặt trăng trước năm 2025. Chương trình đưa người lên Mặt trăng này có tên là Artemis. Một thành phần quan trọng để làm việc trên Mặt trăng chắc chắn sẽ thiếu: Đó là bộ quần áo vũ trụ.
Những bộ quần áo vũ trụ đang được sử dụng - EMU của Mỹ và Orlan của Nga (sử dụng trên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS) đều không thích hợp với hoạt động trong điều kiện Mặt trăng.
Một điều chắc chắn là sẽ phải có loại quần áo vũ trụ mới cho Chương trình Artemis – thích hợp với công việc trong điều kiện hấp dẫn yếu (không phải là vi hấp dẫn) với môi trường bụi bao quanh.
Từ những lý do đó, cấu trúc của bộ quần áo vũ trụ mới có thể hơi khác so với loại EMU – trong công việc, các phi hành gia sẽ phải cúi xuống, thậm chí quỳ xuống, di chuyển trên hai chân và leo trèo (chẳng hạn như trèo vào tàu đổ bộ).
Vào cuối tháng 9/2019, xuất hiện thông tin cho rằng, năm 2030, NASA sẽ thử nghiệm bộ quần áo vũ trụ mới. Các bài thử nghiệm sẽ được tiến hành trong những điều kiện vi hấp dẫn, trên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.
Điều đó có nghĩa là trước thời điểm này (năm 2030), bộ quần áo vũ trụ phải được hoàn thành và được thử nghiệm trên Trái đất trong những điều kiện khác nhau (ví dụ: Trong lò nhiệt - chân không). Cũng có thể có những thử nghiệm ban đầu liên quan đến các điều kiện đặc trưng trên Mặt trăng.
Từ vài năm nay, NASA nghiên cứu các ý tưởng về những bộ quần áo vũ trụ mới. NASA cũng xem xét các công nghệ có khả năng được ứng dụng cho các bộ quần áo vũ trụ thế hệ mới.
Trong hai năm gần đây, cũng đã xuất hiện 3 “nguyên mẫu” quần áo vũ trụ mới của các Công ty SpaceX (tháng 7/2017); Boeing (tháng 1/2017) và bộ quần áo vũ trụ của Ấn Độ (tháng 9/2018).
Những bộ quần áo nói trên sẽ được sử dụng trong các phương tiện vận tải có phi hành đoàn, hoạt động trên quỹ đạo thấp quanh Trái đất.