Cuộc đời tình ái của em gái Napoléon

GD&TĐ - Napoléon Bonaparte (1769 - 1821) có tất cả 7 anh chị em, nhưng trong đó ông chỉ yêu quý duy nhất một người là cô em Pauline Bonaparte (1780 - 1825).

Bức tượng Venus Victorious, điêu khắc cẩm thạch khắc họa Pauline bán khỏa thân. Ảnh: Nationalgeographic.com
Bức tượng Venus Victorious, điêu khắc cẩm thạch khắc họa Pauline bán khỏa thân. Ảnh: Nationalgeographic.com

Đệ nhất Đế chế Pháp Napoléon Bonaparte (1769 - 1821) có tất cả 7 anh chị em, nhưng trong đó ông chỉ yêu quý duy nhất một người là cô em Pauline Bonaparte (1780 - 1825). Suốt đời, Pauline không tham luyến quyền lực, chỉ quan tâm làm đẹp, phô trương nhan sắc, theo đuổi tình yêu và đặc biệt tận trung với đế huynh đến phút chót.

Thiếu nữ yêu sớm

Pauline là người con thứ 6 của cặp đôi Letizia Ramolino (1750 - 1836) và Carlo Maria Buonaparte (1746 - 1785), chào đời tại Ajaccio, Corsica, đảo của Pháp trên biển Địa Trung Hải. Khi còn sống, ông Carlo là luật sư và nhà ngoại gia người Corsica.

Vì đông con, cuộc sống của gia đình ông không mấy dễ dàng. Năm 1785, ông Carlo qua đời. Lúc này, Pauline mới 5 tuổi và không được cho ăn học tử tế vì gia cảnh quá túng bấn.

Năm 1793, anh cả Lucien Bonaparte (1775 - 1840) buông lời xúc xiểm chính quyền địa phương, khiến cả nhà phải bỏ đảo, trốn lên đất liền. Năm 1794, toàn bộ tài sản và đất đai của nhà Bonaparte ở Corsica bị Anh chiếm đoạt.

Trên lục địa Pháp, nhà Bonaparte định cư tại Marseille và nghèo đến mức phải đi giặt giũ thuê. Tuy nhiên, cũng trong lúc này, Napoléon đang trong quân đội liên tiếp gặt hái thành công và đi tới thành danh. Trong nhà Bonaparte, Napoléon là con trai thứ 2.

Từ năm lên 10, Napoléon đã được cho vào đất liền đi học và sớm trở thành thiếu sinh quân. Năm 1785, Napoléon được phong hàm trung úy, năm 1792 thăng hạng lên làm đại úy và năm 1793, dù mới 24 tuổi, đã trở thành thiếu tướng. Năm 1794, mặc dù bị bắt giam vì anh cả Lucien, Napoléon được thả chỉ trong 2 tuần.

Tuy cuộc sống khó khăn, Pauline tuổi thiếu nữ xinh đẹp vô ngần, được nhiều trai trẻ ở Marseille để mắt tới. Ngày 22/3/1796, Napoléon dẫn 2 tướng dưới quyền là Louis-Marie Stanislas Fréron (1754 - 1802) và Charles Leclerc (1772 - 1802) đến nhà chơi, ăn bữa cơm thân mật với mẹ và các em.

Dù cách biệt tuổi tác lên đến 26 năm, Fréron (41 tuổi) lập tức phải lòng Pauline (15 tuổi), ngỏ ý muốn kết hôn. Trong mắt Napoléon, Fréron là cấp dưới đáng tin cậy và người đàn ông có trách nhiệm, nên ủng hộ hết lòng.

Trái với nhà Bonaparte nghèo xác xơ, gia cảnh của Fréron thuộc diện giàu “nứt đố đổ vách”. Trong dinh thự của Fréron ở Marseille, đèn lồng được thắp thâu đêm suốt sáng. Mỗi lần Fréron bước ra khỏi cửa, phía sau luôn là cả dãy dài người hộ tống. Người ở Marseille ví Fréron như “phó vương Ba Tư” vì quá xa hoa và hào nhoáng.

Bản thân Fréron cũng điển trai. Từ hơn 20 năm trước, Fréron đã luôn là tâm điểm của Marseille cũng như ước mơ của các cô gái trẻ. Tất nhiên, Pauline đã nghe danh Fréron, thậm chí còn từng gặp từ năm 1793, khi vừa chân ướt chân ráo tới Marseille.

Chưa đầy 2 tháng sau ngày tái kiến vào năm 1796, Pauline và Fréron thành đôi. “Em thề, chỉ yêu mỗi mình anh”, Pauline viết thư tình gửi cho Fréron. “Trái tim anh chỉ có một và anh nguyện dâng nó cho mỗi mình em”, Fréron viết thư tình đáp lời.

Người đàn bà đa tình

Tướng Charles Leclerc, người chồng thứ nhất của Pauline. Ảnh: Napoleon-empire.net

Tướng Charles Leclerc, người chồng thứ nhất của Pauline. Ảnh: Napoleon-empire.net

Không như Napoléon, bà Letizia quyết liệt ngăn cản chuyện tình cảm giữa con gái và Fréron. Trong gia đình Bonaparte, bà là người có tiếng nói nhất, sau đó mới đến Napoléon. Đám cưới giữa Pauline và Fréron thành ra bị trì hoãn. Vì việc quân, Fréron phải đến Paris.

Chẳng bao lâu sau đó, Napoléon được bổ nhiệm làm thống lĩnh quân đội Ý, giao nhiệm vụ đánh đuổi quân Áo khỏi miền Bắc nước Ý và cần quân lương. Bất chấp Pauline xin xỏ và phản đối, ông quyết định gả em gái cho cánh tay phải còn lại là Leclerc.

Ngày 14/6/1797, Pauline gạt nước mắt lên xe hoa, trở thành vợ của Tướng Leclerc, phu nhân Leclerc. Một năm sau, nàng hạ sinh bé trai Dermide Louis Napoléon. Quá vui mừng, Tướng Leclerc mua hẳn bất động sản trị giá 160.000 franc Pháp (số tiền rất lớn thời bấy giờ) làm quà tặng vợ.

Năm 1801, Napoléon cử Tướng Leclerc đến Caribe, lãnh đạo 23 nghìn lính Pháp. Năm 1802, Pauline khăn gói đưa con tới Caribe ở với chồng. Sự nghiệp quân sự của Leclerc ngày càng xuống dốc. Ngoài thua trận liên miên, ông còn bị sốt da vàng.

Vừa đến nơi, Pauline đã phải thay chồng xử lý việc quân. Nàng biến dinh thự của Leclerc thành bệnh viện dã chiến, cố gắng cứu chữa cho thương binh và cổ vũ tinh thần của mọi người. Leclerc luôn miệng giục vợ về Pháp, thậm chí viết thư nhờ vả Napoléon. Pauline không rời đi. Tháng 11 cùng năm, Leclerc từ trần.

Mặc dù đau buồn vì cái chết của chồng, Pauline không để bản thân cô đơn lâu. Nhờ được thừa kế 700 nghìn franc tiền mặt và tài sản từ Leclerc, nàng bắt đầu mua khách sạn sau khi tới Paris vào tháng 2/1803 và tuyên bố kinh doanh độc lập.

Từ lúc vẫn còn ở Caribe đến lúc sống tại Paris, Pauline luôn chìm trong vô số tin đồn. Có người nói rằng, nàng ngoại tình với các tướng lĩnh dưới quyền của chồng, có người lại nói nàng lẳng lơ với tất cả trai trẻ vừa mắt.

Không rõ có tin đồn nào xuất phát từ sự thật hay không nhưng Pauline, kể từ khi kết hôn đã luôn là tâm điểm của xã hội. Mặc dù không được giáo dục để trở thành một quý bà thượng lưu, nàng sở hữu nhan sắc ít người bì và sở thích trưng diện.

Những năm là vợ của Leclerc, Pauline nổi tiếng quý bà trẻ dẫn đầu xu hướng thời trang. Bất kể trang phục, phụ kiện nào được nàng sử dụng cũng trở thành cơn sốt.

Thời gian Pauline ở Paris, Napoléon giới thiệu khá nhiều người nhưng nàng không ưng ai. Cuối cùng, Napoléon tìm thấy một “mối” không chê vào đâu được là Hoàng tử Camillo Borghese (1775 - 1832, Ý).

Camillo không chỉ thuộc giới hoàng tộc, mà còn đẹp trai, quan hệ rộng và đặc biệt siêu giàu. Nếu Pauline đồng ý kết hôn, mối quan hệ giữa Pháp và Ý (Pháp đang chiếm đóng Ý) sẽ được thay đổi và củng cố, bản thân Napoléon cũng có thêm một hậu phương vững vàng.

Ban đầu, Pauline “chấm” ngoại hình ưa nhìn của Hoàng tử mới 28 tuổi, sau đó là danh hiệu hoàng tử phi và hậu đãi về tài chính, trang sức… Từ góa bụa, nàng trở thành hoàng tử phi, sở hữu 500 nghìn franc tiền mặt, 300 nghìn franc trang sức và quyền sử dụng các viên kim cương thuộc nhà Borghese.

Chuyển tới Rome ở cùng chồng thứ 2 với con trai riêng, Pauline luôn ý thức rõ vị trí của mình và nóng lòng học tập cách thức ứng xử của giới hoàng tộc cũng như giới thượng lưu La Mã. Camillo thì ngược lại, chỉ lo ăn chơi.

Năm 1804, chàng đưa vợ đến nhà tắm Pisa mà không cho phép nàng mang theo con. Trong lúc vắng mẹ, Dermide mới 6 tuổi đã bị sốt và qua đời. Pauline đổ hết tội lỗi lên đầu Camillo, bày tỏ thái độ thù hận và khinh miệt.

Nàng gọi chồng là “thằng đần” và ngoại tình với nhiều đàn ông. Một trong các tình nhân nổi bật nhất của nàng là nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh Niccolò Paganini (1782 - 1840).

Hoàng tử Camillo Borghese, người chồng thứ 2 của Pauline. Ảnh: Artatlaw.com

Hoàng tử Camillo Borghese, người chồng thứ 2 của Pauline. Ảnh: Artatlaw.com

Cô em gái tận trung

Trong khi Pauline kết hôn vì lợi ích, Camillo thật dạ say mê người vợ đã qua một lần đò. Vừa mới kết hôn, chàng đã cho mời nhà điêu khắc nổi tiếng nhất là Antonio Canova (1775 - 1822) tạc tượng Pauline.

Antonio đề xuất lấy ý tưởng từ nữ thần săn bắn đồng trinh Diana trong thần thoại La Mã, đề nghị Pauline làm mẫu khỏa thân. Pauline thấy khôi hài nhưng vẫn đồng ý, không ngờ bức tượng cẩm thạch khắc nàng khỏa thân nửa trên và nằm nghiêng lại trở thành kiệt tác.

Antonio đặt tên tác phẩm điêu khắc này là Venus Victorious. Ban đêm, dưới ánh đuốc, Venus Victorious phô bày vẻ đẹp quyến rũ mê hồn, đến tận bây giờ vẫn khiến du khách kinh ngạc.

Trong khi miệng đời gièm pha Pauline đủ điều, Napoléon không hề bận tâm hay trách móc. Cũng trong năm 1804, ông được phong làm Hoàng đế Pháp. Lúc được sắc phong, Napoléon nhấn mạnh “phụ nữ của đế chế phải là người đức hạnh”.

Có vẻ như, với vị vua này, em gái là ngoại lệ. Năm 1806, ông phong tước cho Pauline làm Công chúa và Nữ công tước xứ Guastalla. “Ta không quan tâm và cũng không cần vương miện”, Pauline tuyên bố. Nàng bằng lòng chỉ là em gái của nhà vua, không đòi hỏi bất cứ vị trí mang tính chất quyền lực và chính trị nào.

Pauline Bonaparte bên bức tượng bán thân của Hoàng đế Napoléon Bonaparte. Ảnh: Nationalgeographic.com

Pauline Bonaparte bên bức tượng bán thân của Hoàng đế Napoléon Bonaparte. Ảnh: Nationalgeographic.com

Sau khi được Napoléon ban cho Guastalla không lâu, Pauline đã bán lãnh thổ cho Parma lấy 6 triệu franc. Lúc Napoléon sụp đổ, bị lưu đày ở Elba, nàng thanh lý toàn bộ tài sản, mang tiền đến đây tìm chỗ định cư và hỗ trợ. Trong cả 7 anh chị em, nàng là người duy nhất thăm nom và chăm sóc đế huynh thất thế.

Năm 1815, Pauline trở lại Rome, vận động chính quyền Anh trả tự do cho Napoléon. Thất bại, nàng xin được ở bên anh trai cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Năm 1821, Napoléon từ trần.

Đơn xin của Pauline vẫn chưa được giải quyết và, đối với nàng, đây là chuyện hối hận nhất. Năm 1825, sau 20 năm sống ly thân với Hoàng tử Camillo và bị mắc bệnh nặng, Pauline trở về cung điện Palazzo Borghese, tha thứ và sống với chồng. Ngày 9/6 cùng năm, nàng qua đời, thọ 44 tuổi.

Theo nationalgeographic.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ