Công việc ấy tưởng như đơn giản nhưng áp lực, vất vả khó đếm đo hết khi không chỉ đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao mà hơn thế là đức hy sinh.
Chăm con người…
Gắn bó với giáo dục nhiều năm, bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết: Công việc hằng ngày của giáo viên mầm non gần như gắn trọn vẹn với sinh hoạt cùng trẻ ở trường, lớp. Thời gian các bé ở lớp với cô giáo nhiều hơn bố mẹ, gia đình.
Từ 6 giờ sáng, giáo viên mầm non có mặt ở trường để vệ sinh lớp học, sắp xếp đồ dùng rồi đón trẻ. Dù các cô có gia đình, việc nhà, con nhỏ nhưng chẳng ngày nào đến muộn. Khoảng thời gian trẻ ở trường, giáo viên vừa làm cô vừa làm mẹ, dạy trẻ học, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ theo giờ sinh hoạt, dỗ dành khi trẻ quấy khóc…
Có trong nghề mới thấu hiểu hết vất vả của giáo viên mầm non bởi trẻ lứa tuổi này sống theo cảm xúc, vui cười, buồn khóc; có khi bạn trêu đùa hay nhớ mẹ cũng khóc. Lúc đó, các cô phải ôm ấp, vỗ về động viên trẻ.
Giáo viên dù luôn tay với công việc vẫn phải quan sát, để ý để đảm bảo an toàn cho trẻ. Đang ở lứa tuổi hiếu động, trẻ chạy nhảy vận động bị ngã, trầy xước chân tay, nếu phụ huynh không kiềm chế, thông cảm bỏ qua sẽ có xu hướng quay sang trách cứ, nặng lời, xúc phạm cô giáo.
Giáo viên mầm non đối diện với việc phụ huynh đón con muộn do việc bận đột xuất, quên cũng như “cơm bữa”. Dù 19 hay 20 giờ, cô giáo vẫn là người cùng trẻ chờ bố mẹ, người thân tới đón. Việc đi sớm về muộn mỗi ngày khá thường xuyên, bất luận họ cũng có cuộc sống riêng rất cần thời gian, chăm chút của bàn tay phụ nữ cho gia đình.
“Chúng tôi vẫn nói vui rằng, công việc của cô giáo mầm non là “chăm con người, con mình thì đi nhờ”. Nhiều lúc chạnh lòng vì buổi sáng phụ huynh gửi đồ ăn, nhờ cô bón giúp cho trẻ, trong khi đó con cô giáo tự ăn rồi đến trường.
Ngày tựu trường, trẻ được bố mẹ đưa đón tận nơi, dự khai giảng thật ý nghĩa cùng con; còn con cô giáo dù nắng hay mưa vẫn tự đi - về, hay thi thoảng được bố, ông, bà đi cùng. Buổi trưa mẹ ở trường lo ăn, ngủ cho trẻ, còn con có khi tự cắm cơm, ăn uống, rửa bát, nghỉ ngơi, học hành”, cô Nguyễn Thị Băng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái chia sẻ.
Giờ lên lớp của trẻ Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái. Ảnh: Hà An |
Chấp nhận thiệt thòi
Nói về những thiệt thòi của nghề, cô Đào Thị Thạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Du Lễ, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) chia sẻ: Ngoài công việc ở trường, ai cũng có gia đình nhưng với đặc thù công việc đòi hỏi giáo viên mầm non phải chấp nhận thiệt thòi, áp lực, cả sự hy sinh; thậm chí nặng việc trường, nhẹ việc nhà… để cống hiến trọn vẹn cho nghề. Xã hội có người hiểu và chắc chắn còn nhiều người chưa biết, phần lớn thời gian trong ngày, giáo viên mầm non dành cho trường, lớp với hàng loạt công việc liên quan tới trẻ.
Tại Trường Mầm non Du Lễ, cô giáo Nguyễn Thúy Vân có chồng là bộ đội, đóng quân ở Lạng Sơn. Lập gia đình nhiều năm, cô Vân gần như một mình nuôi dạy 2 con nhỏ, không có người thân ở gần hỗ trợ.
“Ngày nào cũng chiều muộn tôi mới về nhà. Các con dường như quen với công việc của mẹ. Thi thoảng phụ huynh đón trẻ về sớm, tôi được nghỉ và về nhà sớm hơn thường lệ. Thấy mẹ, các con mừng lắm, chúng nói: “Ngày nào mẹ cũng về sớm thế này, bảo gì con đều vâng lời”.
Nghe mong muốn của con mà ứa nước mắt. Có hôm con ốm, tôi phải nhờ hàng xóm trông giúp vì trường chẳng có giáo viên thay thế. Rồi những ngày mưa gió sấm chớp, mẹ phải đi sớm đến trường đón trẻ, con tự đạp xe đi học, đến trường quần áo con ướt hết. Thương con nhưng không biết làm gì khác…”, cô Vân chia sẻ.
Cũng công tác ở Trường Mầm non Du Lễ có cô Phạm Thị Phương dạy lớp 4 tuổi. Chồng cô Phương làm việc tận TP Hồ Chí Minh, cô bị bệnh ung thư, con gái đầu lòng học tiểu học tàn tật bàn tay trái. Cuộc sống của cô và con gái đã khó còn thêm bao nỗi lo.
“Những hôm mưa to, con phải đi bộ đến trường vì không thể tự đi xe, mẹ thì tới lớp sớm đón trẻ. Con mong ước, hằng ngày có bố đèo đến trường như bao bạn khác, mẹ nấu cơm cho ăn vào mỗi buổi trưa, gọi dậy đi học vào đầu giờ chiều. Nhưng có lẽ, những người mẹ làm giáo viên mầm non như tôi khó có thể thực hiện mong ước bình dị của con cái…”, cô Phương nói.
“Với thời gian làm việc từ 11 - 12 giờ/ngày, chúng tôi ít có thời gian nghỉ ngơi, làm việc gia đình. Kể cả khi trẻ nghỉ trưa các cô giáo vẫn phải chuẩn bị công việc liên quan tới dạy học buổi chiều (làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, dọn dẹp…).
Cũng giống như giáo viên cấp học khác, giáo viên mầm non phải chuẩn bị công phu bài giảng để khi dạy phù hợp với lứa tuổi và trẻ dễ tiếp thu. Thế nhưng, năng khiếu, sự tận tâm cống hiến, hết lòng vì nghề của giáo viên mầm non chỉ dừng lại ở việc xã hội, phụ huynh ghi nhận. Còn những đãi ngộ, lương thưởng chưa đi đôi cùng cống hiến”.
Cô Đào Thị Thạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Du Lễ