Nữ sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học về giáo dục mầm non

GD&TĐ - Với quyết tâm và đam mê, Trần Thị Huyền Trang đã có thành quả khá dày dặn về nghiên cứu khoa học lĩnh vực giáo dục mầm non khi trên ghế giảng đường.

Trần Thị Huyền Trang nhận Giấy khen của hiệu trưởng cho giải nhất ý tưởng sáng tạo chương trình Vì đại dương không nhựa.
Trần Thị Huyền Trang nhận Giấy khen của hiệu trưởng cho giải nhất ý tưởng sáng tạo chương trình Vì đại dương không nhựa.

Ứng dụng thực tế ảo giáo dục kĩ năng cho trẻ 5-6 tuổi

Trần Thị Huyền Trang là viên năm 4, bộ môn Giáo dục mầm non, khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

Ngay từ năm thứ nhất ĐH, được truyền cảm hứng, động lực từ các thầy cô giáo trong khoa, trong trường, Trang đã bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

Đích mà cô sinh viên năm nhất hướng tới là tìm được các giải pháp phục vụ công tác chăm sóc giáo dục trẻ em mầm non ngày càng tốt hơn, khoa học hơn.

Tham gia khá nhiều dự án, nhưng đề tài Trang ưng ý nhất là "Ứng dụng thực tế ảo tăng cường Eon - XR giáo dục kĩ năng bảo vệ bản thân phòng chống dịch Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ 5-6 tuổi". Đề tài hoàn thành tháng 7 vừa rồi và đã được ký hợp đồng với Trường ĐH Giáo dục sau gần hai năm nghiên cứu miệt mài.

Chia sẻ về đề tài này, Huyền Trang cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc hình thành kỹ năng bảo vệ bản thân phòng chống dịch Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ 5-6 tuổi vô cùng quan trọng.

Ứng dụng các công nghệ mới trong dạy học nói chung, sử dụng ứng dụng EON-XR nói riêng tạo môi trường học tập linh hoạt, dễ dàng quan sát, trao đổi và chia sẻ, thúc đẩy kĩ năng tạo lập văn bản thuyết minh ở người học.

Ứng dụng EON-XR không chỉ giúp người học có thể xem lại bài học bất kì thời gian nào mà còn rất hữu ích trong việc giúp người học quan sát, trải nghiệm thực tế đối tượng cần thuyết minh một cách dễ dàng, an toàn.

Trang đã sử dụng ứng dụng EON-XR thiết kế bài học thực tế ảo tăng cường EON-XR trong giáo dục kỹ năng bảo vệ bản thân phòng chống dịch Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ 5-6 tuổi. Từ đó, đưa ra các hoạt động giáo dục phù hợp với chương trình giáo dục mầm non.

Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng công nghệ thực tế tăng cường trong giáo dục mầm non; do đó có thể dùng để đo lường mức độ động lực, sự tham gia của trẻ 5-6 tuổi sau khi triển khai công nghệ thực tế ảo trong lớp học.

“Thực hiện đề tài, em thường ở lại trường đến 20 - 21h và thức đến 1 - 2h sáng để tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu khoa học. Vất vả, nhưng bù lại là cảm xúc hạnh phúc vỡ òa khi hoàn thành nghiên cứu”, Huyền Trang chia sẻ.

Ngoài kết quả này, Huyền Trang cùng hai người bạn là Đoàn Hùng Mạnh - ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Phạm Thị Duyên - Quản trị Chất lượng Giáo dục đã giành giải nhất Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do UNESCO Việt Nam tổ chức với 2 sản phẩm “Cẩm nang STEAM sáng tạo từ rác nhựa cho học sinh tiểu học” và “Sàn giao dịch các sản phẩm STEAM sáng tạo từ rác nhựa”.

Hiện nay, đam mê nghiên cứu khoa học đã đem lại cho cô sinh viên năm 4 bảng thành tích dày dặn. Trong đó đáng kể là giải nhất nghiên cứu khoa học cấp Trường ĐH Giáo dục (có bài đăng Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam), giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG Hà Nội năm 2023.

Bài giảng thử nghiệm đề tài Ứng dụng thực tế ảo tăng cường Eon - XR giáo dục kĩ năng bảo vệ bản thân phòng chống dịch Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ 5-6 tuổi.
Bài giảng thử nghiệm đề tài Ứng dụng thực tế ảo tăng cường Eon - XR giáo dục kĩ năng bảo vệ bản thân phòng chống dịch Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ 5-6 tuổi.

Để thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học

Chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, Trần Thị Huyền Trang cho rằng, sinh viên, đặc biệt ở 2 năm đầu, thường khó khăn trong tìm kiếm giảng viên hướng dẫn. Nhưng điều này các bạn có thể tự khắc phục bằng việc tự tin nói lên điều bản thân muốn làm, chủ động liên hệ với giảng viên. Thầy cô trong trường đều là những nhà chuyên môn nhiệt huyết, luôn lắng nghe để giúp sinh viên phát triển tốt hơn.

Trang cũng chia sẻ khó khăn trong tìm đọc các bài báo khoa học, các tài liệu liên quan. “Chúng em bị ngợp trong một thế giới toàn tri thức Al, không định vị được nên tham khảo tài liệu nào, tìm đọc những bài viết nào có hàm lượng khoa học cao. Giải pháp của em là hỏi thầy cô, xin thêm các tài liệu thầy cô đã có để nghiên cứu. Ngoài ra, sinh viên ĐHQG Hà Nội còn có một kênh thông tin rất uy tín là hệ thống thư viện trực tuyến VNU - Lic.

Em cũng từng gặp khó khăn trong việc xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS và tìm đến giải pháp là đọc lại kiến thức thầy cô đã dạy trước”, Huyền Trang bày tỏ.

Chia sẻ mong muốn, Trang cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa thuật ngữ nghiên cứu khoa học đến sinh viên; công khai danh sách giảng viên trong trường và hướng nghiên cứu của thầy cô để sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm thầy cô hướng dẫn.

“Về chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội đã kí hợp đồng các đề tài nghiên cứu do sinh viên chủ trì; hàng năm có các cuộc thi, hội thảo khoa học sinh viên. Ngoài ra, trường còn có CLB Nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Trưởng thành trong một môi trường năng động, sáng tạo giúp em luôn thôi thúc các ý tưởng mới, góp phần tạo ra giá trị mới, ứng dụng nhiều hơn trong giáo dục mầm non”, Huyền Trang cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ