Nắng nóng tác động xấu đến học tập

GD&TĐ - Theo một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Harvard và một số đại học khác ở Mỹ, được công bố bởi Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ, HS có xu hướng nhận kết quả học tập thấp hơn trong những năm thời tiết nắng nóng và ngược lại.

Nắng nóng tác động xấu đến học tập

Càng nóng, kết quả học tập càng tệ

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Harvard, Đại học California Los Angeles (UCLA) và Đại học bang Georgia đã phân tích điểm thi của 10 triệu HS THCS có độ tuổi trên 13 ở Mỹ qua các năm từ 2001 - 2014 và đưa ra bằng chứng rõ ràng cho thấy khi nhiệt độ thời tiết tăng thì kết quả thi giảm.

Kết quả này đúng với nhiều kiểu khí hậu khác nhau ở các vùng của nước Mỹ, dù là các bang phía Bắc với khí hậu mát mẻ hay các bang phía Nam nơi nhiệt độ luôn cao hơn rất nhiều.

Theo các nhà nghiên cứu, những tác động tiêu cực đến kết quả học tập bắt đầu được ghi nhận với nền nhiệt độ trên 21 độ C, gia tăng khi nhiệt độ trên 32 độ C và thậm chí trở lên nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ trên 38 độ C.

Nóng bức khiến cho HS có nhiều khả năng bị phân tâm, kích động và khó tập trung trong việc nghe giảng cũng như làm bài tập ở nhà và đó là nguyên nhân dẫn đến thành tích học tập giảm sút như đã được ghi nhận. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng, nếu nhiệt độ trung bình trong năm tăng thêm 0,55 độ C thì việc học sẽ giảm sút tương ứng 1%.

Kết quả nghiên cứu còn phát hiện ra rằng tác động của nắng nóng lên HS xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp hoặc cộng đồng dân tộc thiểu số lớn hơn rất nhiều so với HS đến từ các gia đình giàu có hơn. Nguyên nhân được giải thích đơn giản là vì HS đến từ các gia đình giàu có có cơ hội được sử dụng điều hòa tại nhà và trường học lớn hơn.

Thành tích học tập phụ thuộc vào khí hậu?

Nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi: Liệu sự nóng bức có phải là một nguyên nhân gây ra những khác biệt vùng miền trong thành tích học tập của HS Mỹ? Các bang miền Bắc chẳng hạn như Massachusetes có tỷ lệ HS đạt thành tích trong các cuộc thi quốc tế, ví dụ như cuộc thi OECD’s Pisa Test - một cuộc thi kiểm tra khả năng của HS về kỹ năng đọc hiểu, kiến thức toán và khoa học - cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các bang ở miền Nam như

Alabama hay Mississippi lại thấp hơn cả các quốc gia châu Âu và chỉ ngang bằng với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Mehico.

Không chỉ có vậy, các nhà nghiên cứu còn đặt ra vấn đề về mối liên hệ giữa sự nóng bức và khoảng cách về thành tích học tập giữa các nhóm HS Tây Ban Nha da trắng

Hispanic và da đen bởi lẽ các HS này thường sống ở các bang có khí hậu nóng hơn và kết quả bài thi của các em cũng biến đổi thất thường theo nhiệt độ thời tiết. Theo đó, sự nóng bức được cho là đóng góp 13% nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt chủng tộc trong thành tích học tập của HS Mỹ.

Theo PGS Joshua Goodman, đến từ Trường Harvard Kennedy School, kết quả nghiên cứu trên đặt ra những câu hỏi lớn hơn về việc liệu biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu có tác động đến thành tích học tập của HS hay không? Hay hậu quả lâu dài của cả một năm học trong thời tiết nắng nóng đối với HS là gì và nếu HS phải làm bài thi quan trọng trong một năm với sóng nhiệt tăng thì liệu các em có bị lỡ mất cơ hội vào đại học do kết quả thi thấp?

Ông Goodman cho rằng, các nhà lập chính sách và các bậc phụ huynh đã đánh giá thấp ảnh hưởng của nhiệt độ trong trường học và các lớp học quá nóng bức. Trong khi đó: “Giáo viên và HS đã biết đây thực sự là một vấn đề, bởi vì họ đã và đang phải sống chung với nó” - ông nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: