Năng lực tiếng Anh giúp phát triển bản thân và cơ hội việc làm cho sinh viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năng lực tiếng Anh sẽ là 'chìa khoá', mở ra nhiều cơ hội về học tập, việc làm, phát triển bản thân cho sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số.

Ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT chia sẻ tại tọa đàm.

Tối 17/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm “Cơ hội việc làm của sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”. Ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT là diễn giả của chương trình.

Theo chuyên gia này, với sự can thiệp của công nghiệp, chuyển đổi số mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm nhưng cũng không ít thách thức. Không chỉ có lao động phổ thông, công nhân trong các nhà máy, mà nhân viên văn phòng - những người tự tin rằng mình có học, có bằng cấp cũng có thể bị bị thay thế bởi rô bốt do AI điều khiển.

TS Vũ Ngọc Huyên phát biểu tại tọa đàm.

TS Vũ Ngọc Huyên phát biểu tại tọa đàm.

Đề cập đến phẩm chất, kỹ năng của một người lao động trong tương lai gần phải có, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh đến tư duy sáng tạo, tư duy dữ liệu, hiểu biết công nghệ, học tập suốt đời, kiên cường, tư duy hệ thống, AI – Big Data, động lực, tiếng Anh.

Phó chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT đặc biệt chú trọng đến năng lực tiếng Anh. Theo đó, sinh viên phải thay đổi, rèn luyện mỗi ngày. Đừng coi tiếng Anh là ngoại ngữ, hãy coi đó là nhu cầu tự thân, là hơi thở, cuộc sống và là tương lai của mình.

“Nếu có thể quay lại quá khứ, tôi sẽ nhắc nhở Jennie 10 tuổi chăm chỉ học tiếng Anh hơn, vì cuộc đời phía trước là vô số cuộc phỏng vấn và gặp gỡ những nói ngôn ngữ này” - ông Hoàng Nam Tiến nhắc lại câu nói của Jennie (Blackpink).

Nhấn mạnh đến phẩm chất của GenZ trong tương lai, ông Hoàng Nam Tiến gợi mở, đó là tư duy độc lập (năng lực nhìn nhận vấn đề khách quan, không bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài); năng lực phản biện (luôn đặt câu hỏi chất vấn trước những mệnh đề, tuyên bố đã có); lối sống khác biệt (sống phong cách, dám khác biệt, là phiên bản tốt nhất của chính mình); tiếng Anh là ngôn ngữ học tập, giải trí, phát triển bản thân.

Sinh viên đặt câu hỏi với chuyên gia trong buổi tọa đàm.

Sinh viên đặt câu hỏi với chuyên gia trong buổi tọa đàm.

Chuyển đổi số mang đến nhiều thách thức cho sinh viên, TS Vũ Ngọc Huyên – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận và đặt vấn đề, sinh viên Học viện cần học tập và rèn luyện như thế nào, cần có kỹ năng, thái độ và tâm thế ra sao để có việc làm, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số?

Theo TS Vũ Ngọc Huyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng phục phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... giúp sinh viên gắn với bối cảnh chuyển đổi số.

Với sự tin cậy của cộng đồng xã hội, Học viện là nơi học tập, rèn luyện của trên 22.000 sinh viên bậc đại học. Các em đang cùng nhau rèn tư duy sáng tạo, luyện kỹ năng thành thạo, hun đúc tâm hồn thanh cao, ý chí lớn lao, thành nhân tài nông nghiệp.

Tham gia tọa đàm, nhiều sinh viên bày tỏ đã sẵn sàng với việc làm trong thời đại chuyển đổi số. Theo đó, các em đã học được cách xây dựng kế hoạch tập, nghiên cứu, rèn luyện rõ ràng với quyết tâm, bản lĩnh và sự nỗ lực cao nhất nhằm nhanh chóng nắm bắt cơ hội, gặt hái được nhiều thành công.

Ông Hoàng Nam Tiến truyền cảm hứng và động lực học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Nam Tiến truyền cảm hứng và động lực học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại tọa đàm, ông Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ, trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên liên quan đến cơ hội việc làm trong thời kỳ chuyển đổi số, phát triển kỹ năng mềm; đồng thời truyền cảm hứng để sinh viên có thêm động lực trong học tập, nghiên cứu khoa học và tìm kiếm việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ