Trăn trở nhìn từ đội ngũ
Có thể thấy trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đã được cải thiện đáng kể, tuy rằng có sự khác nhau về trình độ học vấn giữa các nhóm đối tượng. Phần lớn CBQLGD cấp sở, phòng, các trường ĐH, CĐ và THCN đều có trình độ ĐH, ở bậc mầm non chủ yếu là trình độ trung cấp, CĐ.
Đội ngũ CBQLGD hầu hết là những GV, giảng viên đã đạt tiêu chuẩn trình độ đào tạo quy định trong điều lệ, quy chế về các trường học từ mầm non đến ĐH và đạt các tiêu chuẩn khác theo quy định của Nhà nước được điều động, bổ nhiệm làm CBQLGD. Đội ngũ này được đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu từ hoạt động thực tiễn cùng với việc theo dõi đánh giá của cơ quan quản lý nhân sự và việc tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn về QLGD, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính Nhà nước.
Đội ngũ CBQLGD công tác ở các cơ quan QLGD các cấp đều là các nhà giáo được bổ nhiệm, điều động sang làm quản lý. Phần lớn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong công tác giáo dục…
Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng - Học viện Quản lý giáo dục cũng chỉ ra: Xét ở góc độ trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp, đội ngũ CBQLGD, đặc biệt ở cấp cơ sở đang bộc lộ những hạn chế trên nhiều phương diện.
Trước hết, tính chuyên nghiệp chưa cao. Điều đó thể hiện trong việc thực thi công cụ, khả năng tham mưu, xây dựng chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là trong việc ứng dụng triển khai các phương pháp QLGD trong xu thế phát triển của thời đại. CBQLGD ở các địa phương thiếu chủ động, khó khăn trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở do kiến thức và kĩ năng QLGD còn nhiều hạn chế.
Trình độ và năng lực điều hành trong quản lý còn bất cập, làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, ít vận dụng khoa học QLGD vào thực tiễn quản lý nhà trưởng, quản lý cơ sở giáo dục. Kiến thức về pháp luật, về tổ chức bộ máy, về quản lý nhân sự và tài chính còn hạn chế, lúng túng trong thực thi trách nhiệm và thẩm quyền.
Đặc biệt, năng lực chỉ đạo hoạt động giáo dục còn thiếu tính hệ thống, đôi khi xa rời thực tế, nặng về lý luận chung chung, mang tính đối phó, kém hiệu quả. Chế độ báo cáo còn thiếu thường xuyên và thống nhất; số liệu khó tin cậy, có khi còn chạy theo thành tích mà không nhận thức đầy đủ tác hại sâu xa. Trình độ về ngoại ngữ, kĩ năng tin học còn hạn chế trong việc thu thập và xử lý thông tin trong và ngoài nước về giáo dục và những yếu tố tác động khác.
|
Thích nghi cùng đổi mới
Để nâng chất cho đội ngũ CBQLGD thì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQLGD cũng cần được đổi mới từ mục tiêu đến nội dung, hoạt động.
Cụ thể, theo GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng cần đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của CBQLGD đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp của đội ngũ CBQGLGD phục vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục…
Đổi mới chương trình, giáo trình, mô hình đào tạo và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá CBQLGD ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQL. Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng xây dựng môi trường học tập cho mọi CBQLGD đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời, hiện đại hóa cơ sở vật chất theo hướng ứng dụng CNTT rộng khắp trong đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD. Phát triển hệ thống cơ sở thực hành nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập trong điều kiện mới…
GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra đề xuất: Bộ GD&ĐT có chỉ đạo xây dựng Chương trình bồi dưỡng thường xuyên CBQLGD có liên thông với chương trình bồi dưỡng công chức, xây dựng quy định về bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm CBQLGD; Quy chế phối hợp giữa các trường đào tạo bồi dưỡng CBQLGD - trường Sư phạm - Sở GD&ĐT - trường phổ thông/mầm non.
Giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu ban hành quy định mới về định mức lao động của GV, CBQGLD theo yêu cầu đổi mới GD.
Cần có ngân sách đầu tư thích đáng, trọng tâm, trọng điểm để xây dựng các trung tâm nguồn quốc gia có ảnh hưởng lan tỏa trong khu vực và toàn quốc để thực hiện các hoạt động đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD; phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển hạ tầng CNTT và hệ thống cơ sở thực hành QLGD…
Nâng cao chất lượng cho đội ngũ CBQLGD nhìn từ góc độ quản lý nhà trường theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, ThS Ngô Viết Sơn – Học viên Quản lý GD chỉ ra: Với các hoạt động trong nhà trường, lãnh đạo nhà trường phải có kế hoạch và xây dựng cơ cấu tổ chức tương ứng để thực hiện. Phải chỉ đạo, điều phối, động viên và thường xuyên kiểm tra, giám sát để có cơ sở điều chỉnh phù hợp kịp thời.
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý của mình CBQL nhà trường phải luôn quan tâm và có ý thức phát triển mối quan hệ với các chủ thể khác trong từng hoạt động đã được phân công. Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường phải luôn cân nhắc trước khi đưa ra một quyết định quản lý…